Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thời vang bóng của Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân là nhà văn tài hoa và có sức ảnh hưởng lớn của nền văn học Việt Nam đương đại. Ông cũng là người đầy cá tính với những giai thoại thú vị, được bạn bè nể trọng.

Từ lúc Nguyễn Tuân còn sống đã có rất nhiều bài viết về con người và tác phẩm của ông. Cuốn sách Nguyễn Tuân - Chuyện văn chuyện đời do TS - nhà thơ Phạm Đình Ân sưu tầm, tuyển chọn và biên soạn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành là tác phẩm công phu và giá trị, một lần nữa góp phần tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp của tác giả Vang bóng một thời.

Nguyen Tuan anh 1

Sách Nguyễn Tuân - Chuyện văn chuyện đời. Nguồn: binhbooks.

Sách dày 366 trang với 87 bài viết được chia làm 3 phần, trong đó phần I với gần 30 bài viết về nhà văn Nguyễn Tuân qua hồi ức, góc nhìn của các cây bút tên tuổi nhiều thế hệ trong lẫn ngoài nước.

Cả đời gắn bó với Hà Nội, Nguyễn Tuân sinh ngày 10/7/1910 và mất ngày 28/7/1987. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Marian Tcasov của Liên Xô trong bài viết của mình đã có phát hiện thú vị rằng cuộc đời cụ Nguyễn gắn liền với con số 7. Ông sinh tháng 7, mất tháng 7/1987 và hưởng thọ 77 tuổi.

Là con người lãng tử, thích xê dịch, Nguyễn Tuân từng sang Hong Kong, Trung Quốc đóng phim, rồi phiêu du thăm thú Lào, Thái Lan… Về sau, ông còn được mời đi nhiều nước, nhất là Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Đối với nền văn học Xô Viết, nhà văn Nguyễn Tuân được nhiều tên tuổi lớn cảm phục, yêu mến như Evtusenko, Solokhin, Arkanov, Tchasev…

Khi không quân Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt, Hội Nhà văn Liên Xô đã mời Nguyễn Tuân sang “trú ẩn” vì sợ mất tài năng lớn nhưng ông cảm ơn và từ chối khéo. Ông muốn ở lại “chia lửa” với đồng bào, đất nước mình.

Bấy giờ, Hà Nội có lệnh sơ tán triệt để nhưng ông vẫn cương quyết ở lại thành phố trong căn hầm dã chiến bên cạnh Đại sứ quán Pháp và tập bút ký vang dội Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi của ông đã ra đời ngay sau chiến dịch “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không”.

Cũng trong cuốn sách Nguyễn Tuân - Chuyện văn chuyện đời, hình ảnh bậc thầy Nguyễn Tuân cao đẹp còn hiện lên từ tấm lòng quý trọng của các đồng nghiệp như: Nguyên Hồng, Lan Khai, Văn Cao, Tô Hoài, Vũ Bằng, Kim Lân, Nguyễn Xuân Sanh, Lê Trí Viễn, Bùi Hiển, Hoàng Cầm, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Minh Châu, Bảo Định Giang, Đào Vũ, Phạm Tường Hạnh, Vũ Quần Phương, Phan Quang, Đoàn Minh Tuấn, Nguyễn Thị Ngọc Trai, Phan Hồng Giang… và của bà Vũ Thị Tuệ, người bạn đời chung thủy của ông qua những kỷ niệm xúc động trong bài Chồng tôi - Nhà văn Nguyễn Tuân!

Các nhà văn gốc Nam bộ cũng dành nhiều thiện cảm cho cụ Nguyễn. “Nguyễn Tuân là một nhà văn luôn luôn muốn đi đến tận cùng từng tiếng, từng chữ, từng nghĩa của ngôn ngữ Việt Nam. Mọi chuyện động tĩnh của con người, của trời đất đều xúc động đến anh. Tâm hồn anh như sợi dây đàn căng thẳng, gió thoảng qua cũng vang lên thành tiếng!”, nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết.

Nguyễn Tuân đuổi học trò khỏi lớp với lý do không giống ai

Đó là chuyện Vũ Phạm Chánh bị nhà văn Nguyễn Tuân đuổi ra khỏi lớp học với lý do chẳng giống ai.

Nguyễn Tuân đa tài

Viết chữ đẹp, giỏi cầm trống khi đi hát ả đào, thạo về tranh, tượng, biết về kỹ thuật sân khấu, điện ảnh, Nguyễn Tuân sống nghiêm chỉnh mà lại như đang đùa với đời.

https://www.sggp.org.vn/nguyen-tuan-chuyen-van-chuyen-doi-849240.html

Nam Việt / Sài Gòn giải phóng

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm