Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thói quen mua sắm của độc giả khi giá sách tăng cao

Thời gian gần đây, giá cả vật chất leo thang, giá sách không phải ngoại lệ. Độc giả chia sẻ quan điểm của mình trước tình hình giá sách.

Giá sách tăng cao, độc giả, đặc biệt là lớp trẻ, điều chỉnh thói quen mua sách. Ảnh: Thụy Trang.

Trên các trang mạng xã hội, nhiều cuộc tranh luận xoay quanh tình hình giá sách đã nổ ra, đặc biệt trong các hội nhóm của mọt sách.

Trao đổi với Zing, độc giả Trần Anh (23 tuổi) cho rằng giá sách hiện nay chắc chắn có ảnh hưởng đến thói quen mua sách của các “mọt”, rằng giờ đây, sức mua sách có lẽ ảnh hưởng ít nhiều vì mỗi lần mua sẽ “cân nhắc hơn một chút chứ không mua thoải mái như cách đây 2-3 năm”.

Bên cạnh đó, độc giả Thanh Việt (19 tuổi) cho biết thói quen mua sách của giới trẻ gắn liền với văn hóa săn sale. “Phần lớn sách mình đều chờ giảm giá 30% trở lên mới mua”, Việt nói.

Mọt vẫn ăn sách

Theo độc giả Trần Anh, nếu so với thời điểm trước dịch, giá sách hầu như chỉ dao động trên dưới 100.000 đồng, thì đến giờ, những cuốn sách xuất bản lần đầu thường có giá bìa ngấp nghé ở ngưỡng 200.000 đồng. “Có cuốn mình mua, tính ra thì 1 trang gần 1.000 đồng”, Trần Anh chia sẻ.

Giá sách cao là vậy, nhưng với những “mọt sách” trung thành nhất, họ vẫn không ngần ngại bỏ thêm tiền cho cuốn sách họ thích. Độc giả Trần Anh nói: “Một thói xấu của người yêu sách là thường vung tay quá trớn, mua nhiều hơn khả năng đọc thực tế. Trung bình mỗi tháng mình đọc được độ 1-2 cuốn, nhưng mua chắc phải 3-4 cuốn. Nói thật, giờ mà ngừng mua sách, mình vẫn còn đủ sách để đọc trong 2-3 năm nữa”.

Vì lẽ này, khi giá sách tăng cao, Trần Anh cảm thấy thói quen mua sách của mình bị buộc phải thay đổi để tập trung về chất hơn là về lượng. “Dù giá sách tăng cao thì "mọt sách" vẫn cứ "ăn" sách.

Vừa là một mọt sách, vừa là một người bán sách, chị Thiên Ái (26 tuổi) nhận định giá sách hiện nay nhìn chung ở mức tương đối cao. “Tuy nhiên để đánh giá cao hay thấp còn phụ thuộc vào nội dung thông điệp cuốn sách truyền tải có phù hợp, xứng đáng với số tiền mình bỏ ra hay không. Một người bạn ở Pháp của mình sau nhiều năm ở nước ngoài về Việt Nam mua sách cũng bất ngờ khi giá sách đã tăng cao hơn nhiều so với khoảng thời điểm 5 năm trước”, chị kể.

Tuy vậy, chị Thiên Ái cho rằng điều này không làm thay đổi thói quen mua sách của mình. Tự nhận mình vốn là một người kén chọn trong việc mua sách, chị cho biết nếu sách có nội dung hay, gợi trí tò mò, giá cao cũng có thể thể bỏ tiền ra mua mà không cần suy nghĩ. “Ngược lại nhiều cuốn sách giá rẻ hơn, mềm hơn nhưng không nằm trong phạm vi đọc và mong muốn đọc của mình thì mình cũng sẽ không mua”.

Độc giả Quỳnh Anh (30 tuổi) nhận thấy mức giá tăng nhẹ nhưng cho rằng điều này không ảnh hưởng đến người yêu sách ở độ tuổi đi làm. “Mức giá này không ảnh hưởng nhiều đến thói quen mua sách của tôi. Vì so với các mặt hàng như quần áo, dịch vụ ăn uống thì giá sách tăng không đáng kể”.

Chị cho biết chị tốn thêm 100.000đ/tháng để mua sách so với trước kia. “Mỗi tháng tôi chỉ mua 2-3 cuốn”, chị Quỳnh Anh chia sẻ. Tuy nhiên, chị cho rằng giá sách cao sẽ tác động đến độc giả ở độ tuổi sinh viên nhiều hơn, có thể buộc các bạn trẻ phải điều chỉnh thói quen mua sách của mình.

Văn hóa “săn sale” trở nên phổ biến

Đối với độc giả trẻ tuổi như Thanh Việt, chọn thời điểm, canh “giờ vàng” để mua sách trở thành một thói quen mới để đối phó với tình hình vật giá leo thang. “Vì còn là sinh viên nên khả năng tự chủ tài chính chưa cao, mình vẫn phải đắn đo, cân nhắc về giá trị giỏ hàng của mình trước khi quyết định ‘chốt đơn’”.

Chị Quỳnh Anh cho rằng dù giá bìa tăng, nhiều đơn vị xuất bản, phát hành vẫn tung ra các chương trình giảm giá, nên về cơ bản, mọt sách vẫn có thể mua được sách giá tốt nếu biết chờ thời điểm khuyến mãi.

Việc săn sale, mua sách qua mạng đã trở thành một văn hóa phổ biến ở giới trẻ kể từ thời gian giãn cách do đại dịch Covid-19. Nhận thấy xu hướng và nắm bắt được tâm lý của người mua hàng, nhiều trang thương mại điện tử đã đưa ra những chương trình khuyến mãi giá hời, thậm chí khuyến mại, giảm giá mỗi tháng một lần.

van hoa san sale anh 1

Vào mỗi dịp khuyến mãi lớn, các trang thương mại điện tử có thể giảm giá sách đến 80-90%. Ảnh: fb Khanh Dang.

Có thể nói, văn hóa mua hàng khuyến mãi qua mạng đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là ở lớp trẻ. Vào mỗi dịp khuyến mãi lớn, các trang thương mại điện tử có thể giảm giá sách 80-90%. Trước hiện tượng này, độc giả Thanh Việt bình luận: “Quan trọng là người mua biết kiên nhẫn, chọn mua đúng thời điểm”.

Thanh Việt cho biết thông thường, những tựa sách mới ra sẽ khó mua được với mức giảm giá cao. “Sách mới của các công ty phát hành lớn thường chỉ được giảm giá 20%, có khi chỉ 5-10%. Nhưng sau độ 1-2 tháng, có thể dễ dàng mua được với mức giảm 30-40%. Nếu gộp đơn, mua được vào đợt trang thương mại điện tử cho áp dụng thêm voucher, mã giảm giá, mã miễn phí vận chuyển… thì giá sẽ còn rẻ hơn nữa”.

“Bây giờ, mọi mặt hàng đều tăng giá một tí, đâm ra ‘săn sale’ trở thành văn hóa chung của sinh viên, bạn bè mình cũng canh sale để mua đồ, đôi khi chúng mình gộp đơn mua chung cho tiết kiệm chi phí vận chuyển. Sách cũng vậy, phần lớn sách mình đều chờ giảm giá 30% trở lên mới mua”, Thanh Việt chia sẻ.

Giới trẻ thức đêm săn sách sale, sách giới hạn

Nhờ các hội sách online cũng như đợt giảm giá sâu, một bạn trẻ có thể mua được 15-20 cuốn chỉ với mức giá 150.000 -200.000 đồng.

Bài toán giá giấy và giá sách của các nhà xuất bản

Mỗi tháng, các đơn vị xuất bản lại nhận được “trát” báo tăng giá giấy, ít thì vài trăm nghìn một tấn, nhiều thì cả triệu.

Lê Lam

Bạn có thể quan tâm