Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kiến nghị đưa 'tiết đọc sách' vào khung giờ giảng dạy chính thức

Sáng 13/6, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức buổi thảo luận về tác động tích cực của việc đọc sách đến thế hệ trẻ.

Buổi thảo luận được Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp cùng các giáo viên tổ chức tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM sáng 13/6. 

Theo ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, buổi thảo luận này sẽ đặt nền tảng thông tin chuẩn bị cho tọa đàm với chủ đề: "Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh" diễn ra vào ngày 15/8 tới.

Mục đích của cuộc tọa đàm là thay đổi nhận thức của toàn xã hội từ các bậc phụ huynh, cho đến các cơ quan, đơn vị ngành văn hóa, giáo dục... về tầm quan trọng của sự phát triển văn hóa đọc. Từ đó có những chuyển biến thật sự với các giải pháp thiết thực, để giúp trẻ hình thành thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc cho cộng đồng.

van hoa doc sach cua tre anh 1
Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam phát biểu tại buổi thảo luận sáng 13/6.

“Việt Nam hoàn toàn không có tên trong danh sách 61 quốc gia có số lượng người đọc sách cao thế giới, trong khi khối Đông Nam Á có 3 nước. Singapore đứng thứ 36, Malaysia đứng thứ 53 và Indonesia đứng thứ 60. Văn hóa đọc của người Việt Nam quá thấp. Nguyên nhân là chúng ta không hình thành được thói quen đọc sách từ bé”, ông Lê Hoàng phát biểu.

Từ thực tế đó, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đề nghị Bộ GD&ĐT cần xây dựng chương trình học có giờ đọc sách, tiết đọc sách chính thức áp dụng cho tất cả trường tiểu học đến phổ thông trên cả nước. Đồng thời, UBND TP.HCM cùng các cơ quan chức năng cần có những biện pháp tháo gỡ, khắc phục những khó khăn hiện nay của ngành Thư viện trong các trường học, tạo ra cơ chế phù hợp cho hoạt động văn hóa đọc trong nhà trường phát triển.

van hoa doc sach cua tre anh 2
PGS.TS Hoàng Thị Tuyết đề cao vai trò của nhà trường trong việc phát triển văn hóa đọc.

Đồng tình với ý kiến của ông Lê Hoàng, PGS.TS Hoàng Thị Tuyết cho biết nhà trường đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển thói quen đọc sách cho học sinh. Bà khẳng định: “Nhà trường với chương trình giáo dục thực hiện mô hình gắn sự đọc với sự học là nhân tố quyết định trong quá trình phát triển cho học sinh thói quen đọc - người đọc độc lập - người tự chủ, tự học. Vai trò của nhà trường càng thể hiện mạnh mẽ trong bối cảnh đất nước chúng ta, nơi mà các thư viện công cộng chưa có nhiều và nguồn sách còn khiêm tốn, nơi mà các gia đình hiếm khi thúc đẩy trẻ đọc sách, cộng đồng khu phố, phường, quận chưa thực sự tạo điều kiện sẵn có cho trẻ tiếp cận đọc sách”.

Giáo viên Nguyễn Thị Ngọc Diệp tham gia buổi thảo luận đã chia sẻ kinh nghiệm qua nhiều năm trong nghề dạy học cũng như trong suốt hành trình làm mẹ nuôi con khôn lớn, cô thấu hiểu vai trò của sách trong sự trưởng thành và định hình nhân cách của mỗi đứa trẻ.

van hoa doc sach cua tre anh 3
Giáo viên Nguyễn Thị Ngọc Diệp đề xuất một số giải pháp trong việc nâng cao văn hóa đọc ở học sinh.

Cô giáo Ngọc Diệp đã chỉ ra thực trạng hiện nay khi văn hóa đọc của học sinh chưa được quan tâm đúng mức từ gia đình đến trường học và cả xã hội. Cô cho biết trong nhiều năm qua, tại trường quốc tế Horizon, các giáo viên đã cùng nhau thực hiện dự án mang tên Lớn lên cùng sách với mục đích hình thành thói quen đọc sách, nâng cao khả năng tưởng tượng ở học sinh và chung tay lan tỏa văn hóa đọc trong xã hội.

Sau hơn 4 năm thực hiện, dự án đã đạt được kết quả ngoài mong muốn. Học sinh của trường đã thay đổi được thói quen đọc, từ đọc truyện tranh, tạp chí sang truyện chữ. Nhiều em đã dành tiền để mua sách và chuyền tay nhau những cuốn sách hay. Các nhân vật trong cuốn sách đã truyền cảm hứng để học sinh có ước mơ và nỗ lực theo đuổi.

“Nếu chúng ta không kịp gieo trồng, xây dựng thói quen đọc sách cho lớp trẻ sẽ tác động đến một thế hệ và ảnh hưởng nhiều đến sự vững bền văn hóa dân tộc”, cô giáo Ngọc Diệp khẳng định.




Hoàng Yến

Bạn có thể quan tâm