Con đường sách nổi tiếng một thời. |
1. Chuyện là thế này, lúc đó quãng năm 1973-1974, cuốn tiểu thuyết Đỏ và Đen của nhà văn Pháp Stendhai vừa được in ở Việt Nam. Mới hay tin phát hành, tôi đến nhà cô bạn bán sách quốc văn trên phố Tràng Tiền nhờ mua hộ cho 2 cuốn. Cô bạn chưa dám nhận lời, nhưng vẫn cho tôi hy vọng bằng câu nói nước đôi: “Em sẽ cố gắng”.
Cô Phi Long là em gái người bạn thân của tôi - thầy giáo Lê Kế. Ngày ấy cái tên Phi Long bán sách Tràng Tiền nổi lên như một hiện tượng. Cô gái có cái tên “rất Hong Kong” duyên dáng không thua kém hoa hậu, thế nên ngày nào quầy sách của cô cũng có vài chàng trai Hà thành lượn lờ, ngó nghiêng giá sách, nhưng kỳ thực chỉ để ngắm vẻ đẹp kiêu sa của cô.
Ít ngày sau thì tôi nhận được tin nhắn từ cô: “Anh lên quầy nhận truyện”. Tôi mừng khôn xiết, sáng sớm hôm sau đã có mặt ở quầy sách Tràng Tiền rất sớm. Để tránh con mắt để ý của cô nhân viên quầy sách thiếu nhi bên cạnh, tôi vờ chỉ trỏ nhờ Phi Long lấy cho xem vài đầu sách rồi trả lại. Đợi tới khi không ai nhìn, Phi Long mới chuyển cho tôi một bọc giấy thật nhanh, bên trong là 2 tập tiểu thuyết Đỏ và Đen. Đúng là đi mua sách mà như buôn bạc giả.
Cuốn tiểu thuyết rất dày, bìa in 2 màu với nền đỏ chữ đen. Tôi đọc ngấu nghiến từ sáng đến tối, chỉ vài ngày là hết. Có lần đến chơi nhà một người bạn cùng hội “mọt sách”, tôi khoe đã có Đỏ và Đen khiến anh ta tròn mắt kinh ngạc. Cũng cần nói thêm rằng, bộ tiểu thuyết vừa mới xuất bản một thời gian thì bị cấm phát hành, do đó lại càng hiếm, độc giả càng tò mò và hiếu kỳ. Do là bạn thân, lại cùng hội sưu tầm sách, thấy anh bạn khao khát quá, tôi không thể chối từ khi anh hỏi mượn bộ sách quý.
Thời kỳ này chiến tranh chống Mỹ, không quân Mỹ đưa B52 ra đánh phá miền Bắc rất ác liệt, dân Hà Nội phải đi sơ tán triệt để. Ngay sau khi mượn sách thì cơ quan anh bạn tôi cũng phải chuyển lên Xuân Hòa, Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phú). Đã mấy tuần anh không về nhà do cầu phà bị ách tắc, tôi thì cứ sốt hết cả ruột với 2 cuốn truyện.
Cực chẳng đã, vào một ngày chủ nhật nọ, tôi đạp xe đến cơ quan anh ở tận Xuân Hòa để lấy sách. Trông thấy tôi mồ hôi mồ kê nhễ nhại giữa cái nắng tháng 5, mặt khó đăm đăm, anh bạn cười cầu hòa: “Tớ xin lỗi, mấy tuần nay không về được vì cầu phà bị đánh phá ghê quá”. Nói đoạn, anh kéo tôi vào khu ký túc xá pha cho cốc sirô giải khát. Lúc này, tôi đã hạ hỏa và vào đề luôn: “Cho tớ xin 2 cuốn sách rồi tớ về luôn kẻo cầu phao cấm đường”.
Anh khẩn khoản giữ lại ăn cơm, nhưng tôi nhất định chối từ, điệu bộ nhấp nhổm với chiếc mũ cối đội lên đầu rồi giục anh lấy sách. “Chờ tớ chút xíu nhé” - nói xong anh xuống cầu thang rồi chạy sang khu nhà bên cạnh. Hơn nửa giờ đồng hồ vẫn không thấy bóng dáng ông bạn về, ruột tôi nóng như lửa đốt.
Lúc này mây đen đã kéo kìn kìn, trời nổi sấm chớp báo hiệu một trận mưa rào đầu mùa. Tôi đoán anh lại cho người khác mượn, giờ mới đi đòi. Cuốn sách sau cũng được bọc kỹ trao lại cho tôi, anh nở nụ cười cầu hòa còn tôi khó chịu ra mặt. Trên đường về tôi lẩm bẩm, từ nay xin cạch đến già.
2. Sau năm 1975, đã vài lần tôi vào TP.HCM. Người Bắc vào đây chủ yếu tìm kiếm hàng hóa mang ra để dùng hoặc bán kiếm lời, còn tôi lại lang thang tìm mua những cuốn sách cũ in từ năm 1950.
Bìa cuốn tiểu thuyết Đỏ và Đen của nhà văn Pháp Stendhal. |
Trên đường Huỳnh Thúc Kháng, các loại vật tư, thiết bị, đồ dùng đã qua sử dụng của Mỹ, Anh, Pháp… bày bán la liệt trên vỉa hè, nhiều nhất là đồ điện tử. Những cuộn băng cối xếp cao ngang đầu người, băng cassette thì trải trên sạp hàng như bán rau. Tivi, loa đài, đồ gia dụng không thiếu thứ gì.
Ở giữa cái chợ hoa mắt và sung sướng đó còn có cả mấy sạp bán sách chất cao như núi. Đủ loại, cả sách tiếng Anh, Pháp, Hán Nôm… nhiều cuốn in từ những năm 1945-1950 rất quý hiếm, có tìm cả Hà Nội cũng không kiếm được. Sách văn học dịch của các nhà văn nổi tiếng thế giới bày bán ê hề trên vỉa hè với giá rất rẻ. Ôm được một mớ, tôi còn lượn thêm mấy hiệu quốc văn mua được ít sách mới tái bản.
Chị chủ nhà nơi tôi trọ thấy khách khuân về toàn sách đóng thùng, chằng buộc kỹ lưỡng thì ngạc nhiên lắm, bảo: “Chú không mang ít hàng ra bán kiếm lời à?”. Cô con gái chị thì ngây thơ hỏi: “Chú buôn sách à?” Ra tới Hà Nội, ngoài ít bánh kẹo, bộ váy áo trẻ nhỏ, cân đường hoa mai, cân cá khô, còn hành lý của tôi toàn sách là sách. Vợ tôi cằn nhằn: “Mấy khi vào tới Sài Gòn, khi ra anh cũng phải kết hợp mua ít hàng bán kiếm lời gỡ tiền tàu xe. Đằng này toàn khuân sách chất đầy nhà…”.
Mấy chục năm trời, lần hồi tủ sách của tôi đã trên dưới nghìn đầu sách đủ chủng loại, nhưng nhiều nhất vẫn là sách văn học. Để dễ tìm, tôi chia ra từng khoang trên giá như thư viện: Ngăn đựng văn học dịch nước ngoài, ngăn chứa sách văn học trong nước, sách Trung Hoa cổ, sách tham khảo văn hóa, sách thiếu nhi...
Cô con gái lớn lúc đó đang tuổi tiểu học, đọc hết 2 ngăn thiếu nhi gồm những Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam, Nghìn lẻ một đêm, Túp lều Bác Tôm, Cánh buồm đỏ thắm… thì mò lên các ngăn trên nghiến ngấu hết tiểu thuyết trong, ngoài nước.
Một bận trưa đi làm về, mâm cơm trên bàn đã sẵn mà thấy con bé vẫn ôm cuốn sách dày, bực mình quá tôi quát: “Đọc sách no rồi không cần ăn à? Đọc vừa thôi còn tập trung vào học. Cứ mải đọc chỉ có đúp”. Mắng xong nhìn lại thấy bìa sách in chữ Số đỏ, tôi càng điên tiết, cằn nhằn vợ không quản con để đọc sách người lớn. Sau này, cô con gái của tôi đã trở thành một nhà văn, xuất bản nhiều đầu sách, có nhiều độc giả, nghĩ lại chuyện ấy tôi không khỏi ân hận.
Gần đây, tôi có ghé qua chơi nhà cô Phi Long, trong câu chuyện cũng nhắc lại việc nhờ mua 2 cuốn sách cách đây hơn nửa thế kỷ, chúng tôi rôm rả bình luận về cái thời khốn khó ấy, mua sách mà quý như vàng, phải rình rập như đi buôn thuốc phiện.
Phi Long giờ đã lên bà. Vị hôn phu của cô hoa khôi bán sách Hà thành ngày nào cũng rất xứng đôi, anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Rất tiếc là anh đã mất cách đây không lâu. Nhẽ thời ấy mà nhà văn yêu được cô bán sách thì còn hơn cả anh sinh viên nghèo được cô mậu dịch viên lấy làm chồng.