Nhắc đến Thẩm Thúy Hằng là nhắc đến một nhan sắc lộng lẫy, một “người đàn bà đẹp” của điện ảnh miền Nam, một ngôi sao đúng nghĩa nhất của từ này trong 20 năm điện ảnh Sài Gòn thăng trầm.
Bà là một trong “tứ đại mỹ nhân” của điện ảnh Sài Gòn cùng với Kiều Chinh, Thanh Nga, Kim Cương và là tài tử sáng giá không chỉ ở miền Nam Việt Nam mà còn khắp các nước châu Á trong thập niên 60-70.
Thẩm Thúy Hằng là nghệ danh của cô gái có tên khai sinh là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1941 tại Hải Phòng, nhưng người gốc miền Nam. [...]
Bố mất năm 13 tuổi, sau khi học xong cấp một ở Long Xuyên, Thẩm Thúy Hằng lên Sài Gòn sống với người chị gái và theo học trường Huỳnh Thị Ngà ở Tân Định cho đến hết năm đệ tứ (lớp 9 bây giờ).
Con đường đưa Thẩm Thúy Hằng đến với điện ảnh là một sự tình cờ khi bà được cô bạn thân động viên đi thi cuộc thi tuyển lựa diễn viên điện ảnh của hãng Mỹ Vân để đóng vai chính trong bộ phim Người đẹp Bình Dương.
Đây vốn là một bộ phim từ tích truyện gốc của Tàu và dự định được chiếu vào dịp Giáng sinh năm 1958. Hãng Mỹ Vẫn còn hứa hẹn người đoạt giải sẽ được hãng đưa sang Hong Kong để theo học lớp đào tạo diễn xuất căn bản.
Giữa hơn 2.000 thí sinh dự thi với nhiều gương mặt sau này cũng thành danh như Kim Vui, Khánh Ngọc, Trang Thiên Kim, Mộng Tuyền, Thu Trang… cô gái 16 tuổi Kim Phụng đã đoạt giải nhất và chính thức được chọn đóng vai chính - Tam Nương trong bộ phim Người đẹp Bình Dương khởi đầu cho một sự nghiệp điện ảnh sáng chói kéo dài gần hai thập niên sau đó.
Cái tên Thẩm Thúy Hằng do chính cô nghĩ ra vì hãng Mỹ Vân muốn cô có một nghệ danh khác vì cái tên Kim Phụng vốn tầm thường và trùng tên với một nghệ sĩ cải lương thời đó.
Kịch bản và đạo diễn Người đẹp Bình Dương là cố NSND Nguyễn Thành Châu. Thẩm Thúy Hằng vào vai Tam Nương, Nguyễn Đình Dần vai Thái tử Kinh Luân, NSND Ba Vân vai Người bán tơ, Bảy Nhiêu vai Ông Đạt, Thúy Lan vai cô gái làng, Kim Vui vai Lan Hương, Minh Tầm vai Cúc Hương, Xích Tùng vai tướng cướp Trương Thiên...
Phim đề cao lòng hiếu thảo của cô con gái út dù bị gia đình ghét bỏ vì vốn sinh ra với một ngoại hình xấu xí. Trải qua bao gian truân đầy ải, cô thoát xác thành một mỹ nhân, kết duyên cùng hoàng tử trẻ đẹp và tài ba. Cốt truyện giản dị, nhẹ nhàng theo kiểu cô bé lọ lem và hoàng tử. Cho dù không được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, nhưng bộ phim lại gây tiếng vang trên báo chí.
Hình ảnh nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng trên báo Thế giới nghệ sĩ. Ảnh: TĐ cung cấp. |
Trên tờ Truyện Phim số Tết phát hành năm 1958, Lê Hoàng Hoa (lúc đó còn là ký giả của tờ này) đã viết như sau: “Người đẹp Bình Dương của hãng Mỹ Vân, dàn cảnh ấu trĩ và ngai ngái mùi tuồng cổ cải lương”.
Cho dù vậy, giới báo chí giải trí thời đó đều cho rằng bộ phim này có công lớn vì phát hiện ra một nhan sắc tuyệt mĩ cho điện ảnh Sài Gòn. Tên tuổi Thẩm Thúy Hằng gắn liền với biệt danh “Người đẹp Bình Dương” từ dạo ấy và mở ra con đường sự nghiệp điện ảnh của cô.
Sau Người đẹp Bình Dương, Thẩm Thúy Hằng tiếp tục được đóng vai chính trong Áo dòng đẫm máu (1958) diễn cùng Vân Hùng và La Thoại Tần, Oan ơi ông địa (1961), Tơ tình (1963) và Bóng người đi (1964)...
Đây đều là những bộ phim về đề tài tôn giáo hoặc cổ tích, dân gian vốn đang là xu hướng của điện ảnh Sài Gòn những năm cuối thập niên 50, đầu thập niên 60. Diễn xuất của Thẩm Thúy Hằng trong những bộ phim này thường được gắn với cụm từ “bình hoa di động” hơn là một nữ tài tử biết diễn xuất.
Thời kỳ vàng son của Thẩm Thúy Hằng kéo dài trong một thập niên từ liên tiếp trong hàng chục bộ phim, có hãng phim riêng (Việt Nam film) và cho ra đời rất nhiều phim tâm lý, lãng mạn thành công lớn về doanh thu như Chiều kỷ niệm (một trong những phim ăn khách nhất của điện ảnh miền Nam), Từ Sài Gòn đến Điện Biên Phủ, Như hạt mưa sa, Nàng, Ngậm ngùi, Sóng tình, Tứ quái Sài Gòn, Năm vua hề về làng, Điệp vụ tìm vàng, Giỡn mặt tử thần [...].
Thẩm Thúy Hằng được nhiều ký giả Sài Gòn thời ấy so sánh với Elizabeth Taylor. Ảnh: M.C. |
Trong thời kỳ này, nhan sắc ngày càng rực rỡ của Thẩm Thúy Hằng được nhiều ký giả Sài Gòn thời ấy so sánh với Elizabeth Taylor, người đàn bà mắt tím của Hollywood.
Hai đạo diễn mà Thẩm Thúy Hằng hợp tác thành công nhất là Lê Mộng Hoàng và Bùi Sơn Duân với thể loại phim lãng mạn kể về cuộc đời những người phụ nữ đẹp có cuộc đời truân chuyên.
Với Bùi Sơn Duân, Thẩm Thúy Hằng cộng tác trong bộ phim Như hạt mưa sa chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Ngọc Linh, đóng chung với tài tử Trần Quang và Bạch Tuyết. Một mình Thẩm Thúy Hằng đóng hai vai chị em gái sinh đôi với tính cách hoàn toàn trái ngược và dẫn đến những nhầm lẫn, những bi kịch éo le với họa sĩ Thuyên (Trần Quang đóng).
Còn với Lê Mộng Hoàng, người đạo diễn mà Thẩm Thúy Hằng cộng tác ăn ý nhất, các vai diễn gần như được “đo ni đóng giày” cho bà là Chiều kỷ niệm, Nàng… - những bộ phim do hãng Việt Nam film sản xuất và rất ăn khách lúc bấy giờ.
Theo đạo diễn Đỗ Tiến Đức thì Chiều kỷ niệm thu đến cả trăm triệu bạc, trở thành một trong những phim ăn khách nhất của điện ảnh miền Nam bên cạnh Chân trời tím, Vết thù trên lưng ngựa hoang hay Con ma nhà họ Hứa...
Với các bộ phim do hãng Việt Nam film của Thẩm Thúy Hằng sản xuất, bà luôn đóng vai chính và lấn át các diễn viên khác, cho dù là những tài tử nam sáng giá đóng cặp với mình như Trần Quang hay La Thoại Tần.
Giới ký giả Sài Gòn thời đấy thường cho rằng, do Thẩm Thúy Hằng bỏ tiền ra đầu tư và hãng phim của bà, cộng với nhan sắc cùng tên tuổi đang độ rực rỡ nên hầu hết diễn viên khác chỉ làm nền cho bà tỏa sáng. Trong bộ phim Ngậm ngùi chẳng hạn, Thẩm Thúy Hằng lại tiếp tục đóng vai hai chị em và ống kính cận cảnh luôn đặc tả nhan sắc của bà nhiều hơn là diễn xuất nội tâm.