Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thời kỳ 'tiền Internet' ở Tonga sau trận sóng thần

Nhiều người Tonga ở nước ngoài cho biết họ cảm thấy nhẹ nhõm khi liên lạc được với người thân một tuần sau thảm họa. Nhưng có những nơi tại Tonga hiện vẫn chưa thể tiếp cận được.

Khoảng một giờ sau thảm họa phun trào núi lửa hôm 15/1, thông tin và hình ảnh về những gì diễn ra ở Tonga được truyền đi nhỏ giọt thông qua các cuộc điện thoại và video trên mạng xã hội. Sau đó, tuyến cáp ngầm dưới biển duy nhất kết nối Tonga với thế giới bị đứt, người bên ngoài gần như không thể liên lạc với bất cứ ai ở Tonga. Cho đến giờ, tình trạng kết nối vẫn chưa thể khôi phục như ban đầu.

Vụ phun trào có ảnh hưởng trên phạm vi rộng lớn, ở tận Alaska vẫn có thể nghe thấy tiếng nổ siêu thanh và sóng biển dâng cao đã giết chết hai người cũng như gây ra sự cố tràn dầu tại Peru.

Tuy nhiên, người ta dường như không quá chú ý đến một tác động khác có phần quan trọng không kém - tình trạng mất kết nối với Tonga trong thời gian dài, điều tưởng chừng không thể diễn ra ở thời đại mà nhân loại đang hướng đến một xã hội "siêu kết nối".

Trong khi thế giới bên ngoài hồi hộp theo dõi diễn biến sau khi chứng kiến một cột khói hình nấm bao phủ phạm vi rộng gần 500 km qua ảnh chụp vệ tinh, ở Tonga, người ta hầu như không có bất kỳ phương cách nào để liên lạc với nhau, tất cả chỉ thông qua cảm nhận cá nhân - có một vụ phun trào núi lửa đang xảy ra bên ngoài, kéo theo đó là một trận sóng thần.

Lien lac duoc voi nguoi than o Tonga sau tham hoa. anh 1

Một bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh đổ nát sau thảm họa tại bờ biển phía tây của Tongatapu - hòn đảo chính của Tonga. Ảnh: Viliami Uasike Latu.

Jonathan Veitch, điều phối viên của Liên Hợp Quốc tại Fiji, cho biết thường sẽ mất nửa giờ để giải thích về thảm họa vừa xảy ra cho các nhân viên của Liên Hợp Quốc, nhưng trong trường hợp của Tonga, nó mất nguyên cả ngày, ông nói thêm.

Lo lắng cho số phận của người thân

17h10 ngày 15/1 (giờ địa phương), Soane Francis Siua - sinh viên một trường Công giáo ở Fiji - bất ngờ nghe thấy có tiếng nổ lớn và mặt đất rung chuyển dữ dội.

Một cơn dông? Trận động đất? Lốc xoáy? Anh chợt nghĩ, nhưng nhanh chóng nhận ra: Nguyên nhân xuất phát từ ngọn núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai cách không xa quê nhà của anh ở Tonga. Anh nhớ lại trận phun trào của ngọn núi lửa này xảy ra cách đây vài năm khi anh còn ở quê. Lần này, dựa trên những gì cảm nhận được từ khoảng cách hơn 640 km, anh lo sợ về một thảm họa còn khủng khiếp hơn nhiều so với đợt trước.

Anh lập tức nhấc máy gọi điện cho người mẹ đang sinh sống trên đảo chính Tongatapu. Bà thông tin cho anh một vài chi tiết về những gì vừa diễn ra sau thảm họa. Nhà chức trách ban hành cảnh báo sóng thần. Xuất hiện những đám mây dày. Một cơn bão mang theo đất đá dội xuống các tòa nhà và những chiếc xe trên đường.

“Tất cả đều từ trên trời đổ xuống, và nó khiến mẹ tôi hoảng sợ”, anh kể. "Đây là lần đầu tiên bà ấy nhìn thấy một thứ như vậy".

Cố gắng giữ bình tĩnh, anh hứa sẽ gọi điện lại sau khi chuyển tin cho người thân đang sinh sống ở Mỹ. Tuy nhiên, anh không thể liên lạc lại với mẹ trong gần cả tuần sau đó.

Một tuần sau, thông tin từ Tonga mới xuất hiện nhiều hơn, chủ yếu đến từ hình thức liên lạc qua vệ tinh vốn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Người ta thấy cảnh tượng hoang tàn sau thảm họa, những khoảnh khắc thoát chết trong gang tấc, và công tác thu dọn vệ sinh tại Tonga. May mắn thay con số thiệt hại về nhân mạng cho đến nay không giống với viễn cảnh mà những người như anh Siua từng lo sợ.

Lien lac duoc voi nguoi than o Tonga sau tham hoa. anh 2

Một bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh những người công nhân đang dọn dẹp trên đường phố ở thủ đô Nuku’alofa hôm 20/1. Ảnh: Marian Kupu/Broadcom Broadcasting.

Những thách thức trước mắt

Tính đến giờ, chỉ có ba trường hợp tử vong được báo cáo. Những mối lo cấp bách trước mắt liên quan đến tình trạng nước uống bị nhiễm bẩn bơi tro bụi, và nguy cơ lây truyền virus SARS-CoV-2 thông qua những chuyến hàng viện trợ tại một nơi chưa bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như Tonga vì nước này đóng biên giới từ sớm khi đại dịch bùng phát.

Lien lac duoc voi nguoi than o Tonga sau tham hoa. anh 3

Một máy bay của Không quân Hoàng gia New Zealand chở theo hàng viện trợ đến sân bay quốc tế Fua’amotu ở Tonga hôm 20/1. Ảnh: Lực lượng Phòng vệ New Zealand.

Đã một tuần trôi qua từ khi thảm họa xảy ra, quá trình đánh giá đầy đủ thiệt hại, chưa kể đến công tác ứng phó, vẫn đang diễn ra với tốc độ của thời kỳ tiền Internet.

Tính đến 20/1, ít nhất 10 hòn đảo thưa dân và chịu thiệt hại sau thảm họa vẫn chưa được Hải quân Tongan hoặc bất kỳ cơ quan nào khác đến xem xét tình hình. Trong khi đó, ít nhất một chuyến bay viện trợ từ Australia đã phải quay đầu sau khi phát hiện có trường hợp dương tính với Covid-19.

Thách thức trong trường hợp của Tonga không thể tách rời nguyên nhân địa lý. Quốc gia này gồm khoảng 170 hòn đảo nằm cách New Zealand khoảng 2.200 km về phía tây bắc, và từ trước đến nay luôn khó tiếp cận. Con người lần đầu đến định cư tại đây vào khoảng 3.000 năm trước, khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với Australia hoặc các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Mặc dù nổi tiếng với những bãi biển cát trắng - nắng vàng, quần đảo này cũng dễ bị tổn thương trước một loạt các thảm họa. Biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng cao dẫn đến nguy cơ xóa sổ nhiều hòn đảo. Các cơn bão đang càn quét qua nước này với tần suất thường xuyên hơn và với cường độ mạnh hơn.

Tonga cũng nằm dọc theo cái gọi là Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi thường xảy ra hiện tượng động đất và phun trào núi lửa do sự vận động và va chạm vào nhau của các mảng kiến tạo.

"Tôi thấy nhẹ nhõm hơn hẳn"

Nhiều năm nay, người dân Tonga đã lo lắng về hoạt động của núi lửa Hunga Tonga. Nỗi lo lắng này đặc biệt dâng cao vài tuần trước vụ phun trào khi trong các ngày 29-30/12/2021 và 13/1/2022, xuất hiện cột khói gồm hơi nước và khí gas bốc lên từ miệng núi lửa - điềm báo của một thảm họa sắp đến.

Siua cho biết mẹ anh nhận được cảnh báo và đã tích trữ thức ăn, nước uống để dự phòng cho trường hợp xấu. Những người khác cũng làm như vậy.

Tuy nhiên, vụ phun trào hôm 15/1 vẫn là điều bất ngờ. Nhiều người dân ở Tonga đã kể với người thân rằng họ cảm giác như có một quả bom nổ ngay bên cạnh, âm thanh chói tai đó cứ liên hồi, liên hồi. Một đám mây tro bụi nhanh chóng phủ lấy bầu trời. Vài phút sau, đất đá từ trên cao bắt đầu tuôn xuống như mưa. Vụ phun trào còn kéo theo nó những cơn sóng thần có sức tàn phá khủng khiếp.

Lien lac duoc voi nguoi than o Tonga sau tham hoa. anh 4

Ảnh chụp từ vệ tinh của núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai trước khi phun trào vào ngày 6/1. Một cột khói gồm khí gas và hơi nước đang bốc lên. Ảnh: Maxar Technologies.

Miti Cummings, hiện sống ở New Zealand, cho biết cô đã cố gắng liên lạc với mẹ và cha dượng đang ở Tonga một cách không ngừng nghỉ trong suốt cả tuần qua. Cô hầu như không ngủ, liên tục quay số điện thoại một cách bất chợt với hy vọng vì một lý do nào đó mẹ cô sẽ nghe máy.

“Ồ, không sao đâu, đừng lo lắng cho chúng ta, con hãy tự chăm sóc bản thân. Chúng ta sẽ ổn thôi, chúng ta đang ở yên trong nhà vì tro bụi bên ngoài rất tệ", Cummings dẫn lại lời hồi đáp từ người thân sau khi kết nối đến Tonga được khôi phục. Đây là tính cách đặc trưng của người Tonga, cô nói và cho biết bản thân nhẹ nhõm hơn hẳn sau cuộc gọi.

Siua cũng an lòng sau khi liên lạc được với mẹ và biết rằng bà đang được các anh em họ của anh trông nom. Tuy nhiên, Siua vẫn lo lắng về tình hình của người thân sống trên đảo Atatā.

Hiện không ai nghe được tin tức gì về người thân của mình ở đó. Tất cả những gì anh biết đều thông qua hình ảnh chụp được từ trên cao. Không còn nhiều thứ sót lại, mọi vật đều bị bao phủ bởi lớp bụi màu nâu xám của núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai.

7 ngày Tonga bị cô lập với cả thế giới

Bảy ngày sau vụ phun trào núi lửa chấn động gây sóng thần và khói bụi dày đặc ở Tonga, thông tin liên lạc từ nước này phần lớn vẫn bị gián đoạn và quy mô của thảm họa chưa rõ ràng.

Chuyến bay cứu trợ đến Tonga bị hủy vì có ca mắc Covid-19

Chuyến bay cứu trợ của Australia buộc phải hủy nhiệm vụ đến Tonga và quay trở lại căn cứ, sau khi phát hiện một thành viên trong phi hành đoàn mắc Covid-19.

https://www.nytimes.com/2022/01/21/world/australia/tonga-volcano.html

Nguyễn Thanh Hải

The New York Times

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm