Đối với ông Kim Jong Un, ngày 10/10/2010 là một ngày huy hoàng. Đó là thời điểm 2 tuần sau khi thông tin ông sẽ trở thành người kế nhiệm cha mình được công bố toàn quốc tại hội nghị của đảng Lao Động Triều Tiên. Ngày hôm đó, phóng viên khắp thế giới, trong đó có Mỹ, đã tới Bình Nhưỡng để chứng kiến sự thống nhất và sức mạnh của Đảng Lao Động trong lễ kỷ niệm 65 năm thành lập.
Mọi việc đều diễn ra đúng như kế hoạch. Tuy nhiên, vào tháng 12/2011, ông Kim Jong Il đột ngột qua đời vì lý do sức khỏe. Vài ngày sau, ông Kim Jong Un chính thức lên nắm quyền. Đó là giai đoạn trắc trở đối với đất nước Triều Tiên cũng như gia đình họ Kim.
Một ngày trước khi người kế nhiệm lãnh đạo Triều Tiên chính thức được công bố, ông Kim Jong Nam, con trai cả của ông Kim Jong Il, đã có cuộc phỏng vấn với TV Asahi của Nhật Bản.
Anh trai cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong Un đưa ra nhận xét thẳng thắn về quy trình chuyển giao quyền lực này.
Kỳ vọng sụp đổ
Ông nói mình không cảm thấy thất vọng khi không được chọn làm người kế nhiệm. “Đó là quyết định của cha tôi. Tôi nghĩ rằng việc này có những lý do của nó”, ông nhận xét về quá trình lựa chọn người kế nhiệm có phần gấp gáp kể trên.
Giống như cha mình, Kim Jong Nam được nuôi nấng với kỳ vọng một ngày nào đó sẽ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cấp cao. Anh họ Ri Il Nam, khi đó còn là một thiếu niên, nhớ lại quãng thời gian 2 người chơi đùa cùng nhau lúc Jong Nam còn nhỏ.
Trong cuốn hồi ký được phát hành 14 năm sau tới Hàn Quốc sinh sống, Ri nhớ lại một trong những lần gặp gỡ đầu tiên với Jong Nam vào năm 1977.
Kim Jong Nam lúc nhỏ trong bộ quân phục chụp ảnh cùng bà ngoại. Mẹ ông là nữ diễn viên nổi tiếng những năm 1960 Song Hye Rim. Ảnh: AFP/Getty. |
Khi đó, Ri mặc bộ đồng phục học sinh ưu tú của Trường Cách mạng Mangyongdae danh tiếng ở Triều Tiên. Còn Jong Nam, lúc đó 6 tuổi, đang chơi đùa trong bộ trang phục của quan chức quân sự cấp cao.
“Quân phục của em hơn bộ của anh”, Jong Nam tuyên bố.
“Thật thế à?”, Ri hỏi. “Em mặc trang phục gì thế?”
“Đây là trang phục của nguyên soái. Bố em tặng cho em vào ngày sinh nhật”, Jong Nam đáp lại.
Ông Kim Jong Il lúc đó chưa trở thành lãnh đạo Triều Tiên nhưng có vẻ ông đã quyết định đảm bảo cho con trai mình có chỗ đứng riêng.
Theo South China Morning Post, vào mỗi dịp sinh nhật, Jong Nam đều được mặc quân phục và duyệt đội cận vệ danh dự. Mỗi năm, ông được thăng một bậc quân hàm. Đến năm 7 tuổi, Jong Nam đã ở cấp bậc cao nhất.
Dù Jong Nam rất được cha yêu quý nhưng mẹ của ông, bà Song Hye Rim, lại không phải là vợ chính thức của ông Kim Jong Il. Điều này khiến cho địa vị và việc nuôi dưỡng Jong Nam trở thành vấn đề khó xử đối với đệ nhất gia đình của Triều Tiên.
Trong khi đó, ông Kim Jong Il đang phải nỗ lực để đảm bảo việc kế nhiệm Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) và không để sự thật bị tiết lộ.
Cuối cùng, vào năm 1974, sau 6 năm cố gắng hợp pháp hóa mối quan hệ giữa 2 người nhưng không thành, bà Song trở nên suy sụp. Bà rời Triều Tiên để tới Liên Xô sinh sống.
Kim Jong Nam (phía trước ở giữa) tại bãi biển Wonsan vào năm 1980. Hàng phía sau từ trái sang phải, dì Song Hye Rang, bà ngoại Kim Won Ju, Li Nam Ok. Ảnh: Imogen O'Neil. |
Tình cảm phai nhạt
Người ta thường nói Jong Nam có thể đã trở thành lãnh đạo Triều Tiên nếu không xảy ra sự cố đáng xấu hổ dẫn tới việc ông bị trục xuất khỏi Nhật Bản vào năm 2001 do du lịch bằng hộ chiếu giả.
Tuy nhiên, thực chất, vị thế của Jong Nam được cho là đã bị lung lay kể từ khi ông Kim Jong Il bắt đầu mối quan hệ với bà Ko Young Hee, người sau này trở thành mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Vào cuối những năm 1990, Kim Jong Un bắt đầu được giáo dục về lịch sử cách mạng Triều Tiên. Hai con trai của bà Ko là Jong Un và Jong Chul lớn lên có phần lấn át người anh cả cùng cha khác mẹ.
Tháng 3/2011, Jong Nam thừa nhận vị thế chính trị suy giảm của mình. Các em cùng cha khác mẹ của ông ra đời khi ông đang học tập ở Geneva, Thụy Sĩ. Về nước vào những năm 1980, ông nhận thấy tình thương của người cha có lẽ đã chuyển sang Jong Chul, Jong Un và em gái Yo Jong từ nhiều năm trước.
Trong cuộc biến chuyển lớn của lịch sử Triều Tiên, việc trục xuất Jong Nam khỏi Tokyo không phải là vấn đề lớn như người ta vẫn nghĩ.
Mang hộ chiếu giả khi đi du lịch là việc làm phổ biến đối với tầng lớp thượng lưu ở Triều Tiên. Tin tức này xuất hiện trên các trang báo khắp thế giới nhưng Jong Nam cho biết điều này không làm thay đổi cuộc sống của ông chút nào.
Kim Jong Nam (ngồi, phải) chụp ảnh với cha và họ hàng khi còn nhỏ. Ảnh: AP. |
Sau khi cha mất, Kim Jong Nam rời khỏi Triều Tiên để đi chu du khắp châu Á. Ông thường xuất hiện ở các sân bay và được truyền thông Hàn Quốc, Nhật Bản săn đón để thăm dò các tin tức về cuộc sống của nhà cầm quyền Triều Tiên.
Đây là sự chú ý mà Jong Nam không mong muốn. Ông thường chọn cách im lặng và tận hưởng cuộc sống ở nước ngoài.
Mặt khác, Jong Nam được cho là có cuộc sống phóng túng, điều có thể gây rắc rối cho ông. Đời sống tình cảm của ông khá phức tạp. Ông từng có nhiều kẻ thù và liên hệ với thế giới ngầm, đặc biệt là giới tội phạm Triều Tiên ở hải ngoại. Nhiều người ở Macau có thể đã mong ông chết.
Người đàn ông 45 tuổi này được cho là đã bị đầu độc ở Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia, vào ngày 13/2 và qua đời trên đường tới bệnh viện. Việc điều tra cái chết của Kim Jong Nam tiếp tục gây ra nhiều tranh cãi.
Truyền thông Hàn Quốc đưa tin trước khi bị tấn công, ông Kim Jong Nam sống cùng người vợ thứ 2 và con trai Han Sol (21 tuổi), con gái Sol Hui (18 tuổi) ở Macau.
Nguồn tin của Dong-A Ilbo (Hàn Quốc) cho biết họ đã chuyển tới Bắc Kinh. Vợ cả và con trai Kum Sol của ông được cho là cũng đang ở Bắc Kinh.