Vụ việc xảy ra cách đây hơn một tuần trong khi chất độc mà các nghi phạm dùng để tấn công ông Jong Nam ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur 2 hiện vẫn chưa được xác định.
Ngày 21/2, đại diện Bộ Y tế Malaysia, ông Noor Hisham Abdullah, cho hay nạn nhân không bị đau tim và không có vết kim tiêm nào trên cơ thể. Ông không loại trừ nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Jong Nam là do thuốc độc.
Khó phát hiện chất độc khi khám nghiệm tử thi
“Chúng tôi phải xác nhận với bộ phận khám nghiệm tử thi trước khi đưa ra bất cứ phát ngôn chính thức nào”, AP dẫn lời ông Abdullah cho biết.
Ông nói thêm rằng mẫu khám nghiệm tử thi đã được gửi đến cho các chuyên gia phân tích. Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chất độc Quốc gia Malaysia ở Penang, Rahmat Awang, cho hay ông chưa nhận được bất cứ mẫu vật nào dù được dự báo sẽ nhận được chúng từ hai ngày trước.
Cuộc họp báo liên quan đến cái chết của ông Kim Jong Nam ngày 21/2 của giới chức Malaysia. Ảnh: AP. |
Theo ông Awang, các mẫu vật có khả năng được chuyển đến phòng nghiên cứu của ông và các cơ sở pháp y ở nước ngoài để xác định nguyên nhân cái chết hoặc tái xác nhận kết quả thu được tại Kuala Lumpur.
Việc xác định chất độc đặc biệt trong vụ việc này cũng gặp nhiều thách thức, nhất là khi nó tác động vào cơ thể nạn nhân sau một phút mà không thâm nhập vào sâu vào các thế bào mỡ trong mô của nạn nhân.
Thậm chí nếu một chất độc mới được phát hiện, nó cũng phải trùng khớp với các triệu chứng mà ông Jong Nam đã biểu hiện trước khi chết.
“Nếu chất độc liên quan đến thứ gì đó chúng ta hiếm thấy, nhiều khả năng là chúng ta không thể phát hiện ra nó”, ông cho biết.
Trong trường hợp Malaysia không tìm ra chất độc, phòng nghiên cứu ở Nhật Bản hoặc phòng thí nghiệm của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) sẽ là những địa điểm tiềm năng cho việc phân tích chuyên sâu các mẫu mô nói trên vì cơ sở vật chất hiện đại hơn rất nhiều.
Trước đó, chất độc được sử dụng để giết hại Kim Jong Nam được xác định có thể là ricin, một hóa chất gây chết người được tìm thấy trong hạt của cây thầu dầu hoặc tetrodotoxin, thành phần gây tử vong trong cá nóc.
Nguy cơ đối đầu ngoại giao
Một khó khăn khác trong quá trình điều tra là việc đại sứ Triều Tiên tại Malaysia tiếp tục chỉ trích cách xử lý của Malaysia trong vụ Kim Jong Nam. Điều này có thể gây ra nguy cơ đối đầu ngoại giao giữa 2 nước.
Đại sứ Triều Tiên ở Kuala Lumpur Kang Chol cáo buộc Malaysia đã thông đồng với các chính phủ nước ngoài trong quá trình điều tra nói trên đồng thời phản đối việc khám nghiệm tử thi vì ông này mang hộ chiếu ngoại giao và được bảo hộ lãnh sự.
Đại sứ Triều Tiên tại Malaysia Kang Chol phát biểu trong cuộc họp báo liên quan đến cái chết của ông Kim Jong Nam ở đại sứ quán Triều Tiên tại Kuala Lumpur ngày 20/2. Ảnh: Reuters. |
Ngày 21/2, Thủ tướng Malaysia Najib Razak chỉ trích việc đại sứ Triều Tiên không tin tưởng cảnh sát Malaysia trong quá trình điều tra cái chết của ông Kim Jong Nam là "khiếm nhã về ngoại giao".
Cảnh sát Malaysia đang truy tìm thêm 4 nghi phạm người Triều Tiên nữa trong cuộc điều tra ông Kim Jong Nam. Trước đó, họ đã bắt giữ 4 nghi phạm, trong đó có một công dân Malaysia cùng 3 người mang hộ chiếu Triều Tiên, Indonesia và Việt Nam.
Video nghi là cảnh ông Kim Jong Nam bị tấn công được truyền thông Nhật đăng tải nhưng chưa được xác nhận tối 19/2 cho thấy hai người phụ nữ tiếp cận ông Jong Nam từ các hướng khác nhau, giữ chặt miệng ông này bằng vật gì đó trong vài giây rồi quay lại và bình tĩnh bỏ đi theo các hướng khác nhau.
Ông Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, chết trên đường đến bệnh viện ở Malaysia. Trước đó, ông chờ chuyến bay đến Macau, Trung Quốc.
Đại sứ Triều Tiên Kang Chol khẳng định người đàn ông tử vong tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur hôm 13/2 mà cảnh sát Malaysia đang điều tra không phải là anh trai của lãnh đạo Kim Jong Un.