Tuần trước, Facebook đã bị chấn động bởi sự ra đi của hai giám đốc điều hành chủ chốt, Chris Cox, Giám đốc sản phẩm, cánh tay phải đắc lực của Mark Zuckerberg và Chris Daniel, người đứng đầu WhatsApp.
Ra đi vì mâu thuẫn?
Business Insider nhận định đây cũng có thể là dấu hiệu báo trước thời kỳ đen tối sắp ập tới đối với mạng xã hội này.
Hôm thứ 5, Mark Zuckerberg thông báo Chris Cox - giám đốc sản phẩm, người đã gắn bó với Facebook trong hơn một thập kỷ, đã đề đơn nghỉ việc. Cùng với đó, Chris Daniels cũng rời công ty.
Có lý do nào giải thích cho sự ra đi của hai vị giám đốc này? Zuckerberg không đưa ra lời giải thích nào.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng lý do được tiết lộ đằng sau của việc ra đi là việc hai lãnh đạo cấp cao này bất đồng với kế hoạch phát triển mới của Facebook, để hướng tới một nền tảng tập trung vào tin nhắn, như được thể hiện trong lá thư tạm biệt của Chris Cox.
"Như Mark đã chỉ ra, chúng ta đang bước sang một trang mới về định hướng sản phẩm, tập trung hơn vào mạng lưới nhắn tin có mã hóa. Đây là tầm nhìn hợp lý với những vấn đề quan trọng hiện nay, một nền tảng liên lạc có sự cân bằng giữa sự an toàn, bảo mật và tôn trọng quyền riêng tư. Đây là một dự án lớn, và chúng ta sẽ cần những người lãnh đạo muốn thực hiện định hướng này", Cox chia sẻ trong bức thư tạm biệt.
Cox rời công ty chỉ vài ngày sau khi Mark Zuckerberg công bố định hướng mới cho Facebook, trong đó vị CEO nhấn mạnh về đảm bảo quyền riêng tư của người dùng.
Gia nhập Facebook từ năm 2005 và đứng đầu mảng sản phẩm tại mạng xã hội này, Chris Cox được xem là nhân vật quan trọng số 3 tại Facebook, chỉ sau Mark Zuckerberg và Sheryl Sandberg.
Hiệu ứng Domino
Việc ra đi của hai nhân sự cấp cao của Facebook, theo Business Insider, cũng là một dấu hiệu khác cho những biến động của Facebook, nơi đối mặt với một loạt bê bối suốt hai năm qua, mà một trong những vấn đề chính là sự ra đi ngày càng nhiều của những người đứng đầu các nhóm.
Như một nhà phân tích cảnh báo, nó có thể thôi thúc nhiều người lựa chọn việc rời Facebook, cũng như làm bộc lộ rõ hơn các vấn đề của mạng xã hội này.
Trong báo cáo phân tích gửi các nhà đầu tư hôm thứ 2, nhà phân tích của Needham, Laura Martin cho rằng Facebook đang đứng trước rủi ro của các hiệu ứng mạng nghịch. Hiệu ứng mạng, nói một cách đơn giản, là khi nhiều nhân tố cộng hưởng với nhau, tạo một mạng lưới bền chặt và mạnh mẽ.
Bản thân Facebook là ví dụ điển hình của một mạng lưới như vậy: Nó bắt đầu với số ít người đăng ký những ngày đầu, và một khi số lượng người dùng tăng lên, sẽ càng nhiều người quen biết nhau ở trên mạng xã hội, và từ đó khuyến khích người khác đăng ký tham gia...
Hiệu ứng mạnh của Facebook được tạo dựng dựa trên niềm tin, theo đó thêm một người tin vào một điều gì đó thì sẽ càng nhiều khả năng người tiếp theo tin vào điều tương tự. Và khi Chris Cox cùng Chris Daniels rời Facebook bởi họ không đồng tình với chiến lược được Mark Zuckerberg đưa ra, điều đó đồng nghĩa với việc họ không còn tin vào Facebook.
Hệ quả của việc này, theo Martin, là 2 chuyện. Thứ nhất, những người khác trong tổ chức đồng tình với họ và cũng rời đi, và thêm một người quay lưng với Facebook lại tăng khả năng người tiếp theo cũng nối gót họ. Và hai là, thung lũng Silicon là môi trường cạnh tranh cho những tài năng hàng đầu. Khi Facebook bị mất các nhân sự cấp cao, thì rất có thể họ lại dừng chân ở chính đối thủ cạnh tranh với Facebook và những nhân sự này lại sẽ tuyển dụng tiếp những người đang làm ở mạng xã hội này.
Nói cách khác, việc ra đi của các nhân sự cấp cao tại Facebook có thể tạo hiệu ứng domino, khuyến khích những người khác trong đội ngũ lãnh đạo mất lòng tin và quay lưng với mạng xã hội này. Và khi làm như vậy, họ đang tạo ra nhiều lựa chọn công việc khác cho những cựu nhân viên Facebook.
Trước đó, trong năm 2017 và 2018, những nhà sáng lập của WhatsApp và Instagram, 2 nền tảng được Facebook mua lại cũng đã rời công ty vì bất đồng quan điểm với Mark Zuckerberg.
Hai nhà sáng lập Brian Acton và Jan Koum không đồng ý với kế hoạch kiếm tiền từ WhatsApp, trong khi Kevin Systrom và Mike Krieger cũng thất vọng vì Zuckerberg can thiệp quá nhiều vào hoạt động của Instagram.
Cổ phiếu Facebook đã mất 3,5% vào ngày thứ 2, sau khi các chuyên gia phân tích phố Wall, bao gồm Martin, nêu quan ngại về những vấn đề mà Facebook đang đối mặt. Những vấn đề này bao gồm quyền riêng tư, các rủi ro từ các quy định cũng như tổn hại danh tiếng mà Facebook đang gánh từ các vụ việc như xả súng ở New Zealand, khi vụ thảm sát đẫm máu được phát trực tiếp trên Facebook.