Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thời đại của trí thông minh nhân tạo, không còn dịch bệnh hay tuổi già

Với dự đoán của tác giả, năm 2062 trí thông minh nhân tạo ra đời, loài người có những thay đổi lớn như biết đến sự bất tử, dịch bệnh không còn và tuổi già có thể bị đẩy lùi...

Toby Walsh là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về trí thông minh nhân tạo. Sở dĩ tác giả chọn thời điểm cho dự báo năm 2062 trong tác phẩm, căn cứ vào dự đoán trung bình của các chuyên gia với xác suất dành cho sự ra đời của Trí thông minh nhân tạo là 50% vào năm 2062. Cùng những luận chứng khoa học, tác giả đưa ra những dự báo cho tương lai của nhân loại có cả tốt đẹp, hy vọng, có cả dự cảm trăn trở rất đáng để chúng ta suy nghĩ hơn là tò mò.

Tác phẩm Năm 2062-Thời đại của trí thông minh nhân tạo được chuyển ngữ bởi dịch giả Đỗ Tôn Minh Khoa. Được sự đồng ý của NXB Tổng hợp TP.HCM, Zing trích đăng một phần nội dung cuốn sách giới thiệu đến quý độc giả.

Bất tử

Con người còn sống là còn ý thức và theo như khoa học ngày nay thì ý thức cũng sẽ mất đi khi người ta lìa đời. Chúng ta đang đến với chủ đề về cái chết. Và rồi chúng ta cũng có một số vấn đề liên quan đến siêu nhân học.

Trí thông minh nhân tạo (AI-Artificial Intelligence) ngày nay đã trở nên khá phổ biến. Còn nhớ 20 năm trước, khi tôi nói với mọi người tôi đang làm việc về trí thông minh nhân tạo, ai cũng cười và nói rằng máy tính là ngu nhất trên đời. Nhưng giờ đây, khi trí thông minh nhân tạo bắt đầu bao trùm và cải thiện cuộc sống chúng ta, thì mọi người thường đáp lại tôi rằng, "Bạn làm việc trong ngành Trí thông minh nhân tạo à? Đỉnh quá!”. Ngành nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo, vẫn còn nằm bên lề các bộ môn khoa học chính thống. Và nếu bạn bắt đầu khám phá những thứ bên lề đó, bạn sẽ thấy nhiều thứ về siêu nhân học và những người xem trí thông minh nhân tạo như một phương pháp hay ho để đánh lừa thần chết.

Còn gì khủng khiếp hơn khi bạn đang muốn bất tử đời đời kiếp kiếp mà trí thông minh nhân tạo lại xuất hiện và tiêu diệt toàn bộ nhân loại? Và điều buồn cười là, dù họ rất muốn có được trí thông minh nhân tạo càng sớm càng tốt để biến ước mơ siêu nhân của họ thành hiện thực, họ lại vô cùng hoảng loạn với những rủi ro đến cùng với nó.

Tại sao nói trí thông minh nhân tạo sẽ mang đến sự bất tử? Cơ thể sinh học của chúng ta là một con tàu nhiều lỗ hổng, sẵn sàng chìm bất cứ lúc nào mỗi khi bị xâm nhập bởi các loại vi trùng và vi khuẩn. Hệ miễn dịch bị phá vỡ, chúng ta bị ung thư rồi mọi bộ phận nhanh chóng rệu rã. Còn nếu không thì chúng ta bị suy nhược, già yếu đi với thời gian. Trong khi đó, silicon là một máy chủ hoàn hảo cho trí thông minh con người. Không chỉ nhanh hơn, dung tích lớn hơn, mà nó còn không bao giờ bị tàn phá theo thời gian. Và hơn nữa, nếu muốn, chúng ta hoàn toàn có thể sao chép thông tin kỹ thuật số cũ lên một máy chủ mới tốt hơn nữa rồi khởi động lại từ đầu với một phiên bản hoàn hảo hơn.

tri thong minh nhan tao anh 1
Vào năm 2062, liệu não của chúng ta có được đưa lên đám mây điện toán và tồn tại trong không gian ảo hay không?

Vì vậy, vào năm 2062, liệu não của chúng ta có được đưa lên đám mây điện toán và tồn tại trong không gian ảo hay không? Với các đặc điểm vượt trội của một chất nền kỹ thuật số, liệu người số sẽ hoàn toàn là kỹ thuật số hay vẫn còn những phần có cấu trúc sinh học như loài người chúng ta? Ý thức chính là chìa khóa cho bài toán này. Nếu ý thức thực sự chỉ đến từ cấu trúc sinh học thì rõ ràng chúng chỉ là những bản sao vô tri của chúng ta, dù cho nó biết tất cả những gì con người biết và nói như thể chúng là con người đi chăng nữa. Nhưng mặt khác, việc có thể tải toàn bộ ý thức lên đám mây điện toán lại là việc không khả thi.

May mắn thay, những hạn chế về mặt công nghệ đã giúp chúng ta không cần phải lo lắng về điều đó. Trình độ khoa học hiện nay của chúng ta vẫn chưa cho phép giải mã một cách chính xác bộ não con người. Hàng tỷ tế bào và tỷ tỷ các xi-nap thần kinh (diện tiếp xúc giữa các tế bào thần kinh) đã biến não người thành một hệ thống phức tạp nhất trong vũ trụ này. Vì vậy, để có thể đọc được nó dĩ nhiên không phải là một vấn đề đơn giản. Và dù cho chúng ta có thể làm được như vậy đi chăng nữa, thì điều này sẽ làm não bị tổn thương. Bằng những biện pháp kỹ thuật hiện tại, chúng ta có lẽ sẽ tạo ra được một bản sao nhân tạo nhưng bộ não thật của chúng ta sẽ bị hư hại nghiêm trọng, thậm chí chẳng còn gì.

Cuộc sống ảo

Kỳ vọng của tôi là chúng ta sẽ giữ được cơ thể sinh học của mình nhưng tăng cường các hỗ trợ kỹ thuật số. Nghĩa là chúng ta vẫn sẽ có hình ảnh đại diện của mình trong thế giới kỹ thuật số và hình ảnh này có thể nói năng cư xử không khác gì chúng ta trong đời thực. Đến năm 2062, chúng ta sẽ đắm mình trong thế giới ảo chân thật không kém gì ngoài đời. Mặc dù cơ thể của chúng ta sẽ vẫn ở trong thế giới thực, bộ não của chúng ta sẽ nghĩ rằng chúng đang ở trong thế giới kỹ thuật số.

Trong thế giới ảo này, chúng ta sẽ đẹp đẽ, giàu có, thông minh, thành công. Không có thứ gì mà chúng ta muốn mà lại không thể có được cả. Dĩ nhiên, thế giới thực sẽ trở nên kém vui kém hấp dẫn hơn rất nhiều so với thực tế ảo vừa được tạo ra từ công nghệ. Con người rồi sẽ chìm đắm trong thế giới đó mà bỏ qua cuộc đời thực của mình. Xu hướng này không có gì mới lạ vì thật ra nó đã lan rộng ở một vài quốc gia phát triển rồi. Trong những năm 2000, số giờ làm việc của nam giới chưa đạt trình độ đại học trong độ tuổi từ 21-30 ở Mỹ đã giảm đi 20%. Nhiều người trong số này ngày càng dành nhiều thời gian hơn để chơi điện tử thay vì giao du kết bạn, chơi thể thao hoặc dành thời gian cho các sở thích lành mạnh khác. Số này chiếm đến 40% những người chơi điện tử trong độ tuổi từ 21 đến 55. Đối với họ, thế giới ảo giống như một lối thoát khỏi cuộc đời thực chán ngán, nên cũng chẳng có gì ngạc nhiên nếu họ trở thành con nghiện thế giới ảo.

tri thong minh nhan tao anh 2
Sách Năm 2062-Thời đại của trí thông minh nhân tạo được ấn hành bởi NXB Tổng hợp TP.HCM. Ảnh: Đình.

Thay vì thoát ra khỏi thế giới ảo sau khi chơi xong, người chơi lại mang theo những hành vi từ trong trò chơi vào đời sống thực bên ngoài. Đáng lo ngại hơn là những hành vi đó lại không phải là những hành vi được xã hội chấp nhận. Điều này dấy lên câu hỏi rằng, liệu chúng ta có nên lấy những hành vi được xem là phạm pháp hay sai trái trong đời thật ra khỏi thế giới ảo hay không? Hoặc là xã hội sẽ cần phải quy định những ngưỡng an toàn cần thiết cho những hành vi trong thế giới ảo chăng? Vấn đề này hiện vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Không còn cơ thể sinh học

Vượt qua các rào cản về mặt sinh học, trí thông minh nhân tạo sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về cơ chế hoạt động của cơ thể người, làm ngưng hay thậm chí đảo ngược tiến trình lão hóa. Có lẽ chúng ta sẽ chữa khỏi tất cả các bệnh dịch, chiến thắng cả tuổi già.

Tại sao chúng ta chỉ sống được 70 năm mà không phải là 700 năm? Và nếu chúng ta sống được đến 700 tuổi tại sao lại không sống thêm được lâu hơn? Trong khoảng 30 năm đầu đời, cơ thể chúng ta có khả năng tự chữa lành rất tốt. Có thể ta sẽ tìm ra cách để khả năng này tồn tại lâu hơn chăng? Hiện nay chúng ta đã có các công nghệ chỉnh sửa gen mới như CRISPR (Clustered Regularly Interspaced Short Palindromic Repeats, cơ sở cho công nghệ chỉnh sửa gen mới vô cùng hiệu quả), có lẽ nếu kết hợp công nghệ này với trí thông minh nhân tạo, chúng ta sẽ tiến gần hơn đến sự bất tử.

tri thong minh nhan tao anh 3
Trí tuệ nhân tạo được dự đoán làm ngưng hay thậm chí đảo ngược tiến trình lão hóa của con người sinh học.

Sự thay đổi này sẽ dẫn đến một cuộc biến chuyển lớn trong xã hội loài người. Trên thực tế, người giàu đã có tuổi thọ cao hơn so với người nghèo vì họ có điều kiện sống tốt hơn. Vì vậy, nếu như chỉ người giàu mới được hưởng đặc quyền tiếp cận với phương pháp “trường sinh bất lão" này, thì sự phân chia giai tầng cùng với những bất công xã hội sẽ càng trở nên sâu sắc hơn.

Mặt khác, nếu con người đều có thể “trường sinh bất tử" thì chúng ta cần phải cải tổ lại cơ chế vận hành của toàn xã hội loài người. Liệu chúng ta có cần phải đưa luật “An tử" - cái chết tự nguyện và êm ái vào trong luật hay không? Chúng ta liệu có cần chính sách “Không sinh con" hay đơn giản là một cuộc bốc thăm may mắn để chọn ra thời điểm sinh đẻ nhằm thay vào chỗ trống cho một người vừa đột tử? Tuổi thơ của chúng ta sẽ kéo dài trong bao lâu? Công việc và hưu trí cho các thế hệ con người có thể sống đến hàng trăm hàng nghìn năm thì sẽ ra sao?

Trích sách "Năm 2062-Thời đại của trí thông minh nhân tạo"

Bạn có thể quan tâm