Tiểu thuyết Hạnh nhân của tác giả Sohn Won Pyung là cuốn sách dành cho thiếu niên bán chạy nhất Hàn Quốc, đã giành được giải thưởng Văn học thiếu niên lần thứ 10 của nhà xuất bản Changbi, tính đến nay đã bán được 200.000 bản.
Sau khi sinh con đầu lòng vì cảm thấy hoang mang và muốn tìm cảm xúc, ý nghĩa thực sự của thiên chức làm mẹ nên Sohn Won-pyung đã quyết định tạo ra hai đứa trẻ là Yoon Jae và Gon để có thể tâm tình, trò chuyện.
Sách Hạnh nhân. Ảnh: Nhã Nam |
Hạnh nhân, tiểu thuyết đầu tay của Sohn Won-pyung, là câu chuyện kết hợp giữa những căn cứ thực tế pha thêm một chút tưởng tượng về căn bệnh Alexithymia (hay Chứng mất khả năng diễn đạt cảm xúc - một dạng khuyết tật về cảm xúc).
Một cái hạch hạnh nhân nhỏ bất thường khiến Yoon Jae phải sống một cuộc đời khác biệt: không cảm nhận và cũng không biết cách bộc lộ những cảm xúc cơ bản nhất của con người. Mỗi ngày đến trường với cậu là những bước đi cẩn trọng nép trong vô vàn “giáo án” đã chuẩn bị sẵn để sống sót được với xung quanh.
Dù không biết chữ Hán, bà cậu tỉ mẩn đồ từng con chữ "Hỉ, Nộ, Ái, Ố, Lạc, Dục" để giúp cậu biết về những cảm xúc của con người, viết nhiều đến nỗi chữ bà đẹp như thư pháp. Mẹ cậu động não cố nghĩ ra các tình huống có thể gặp trong cuộc sống và cách ứng xử (được coi là) phù hợp, dán chi chít khắp tường để cậu học thuộc.
Thế nhưng, cuộc sống vốn không bao giờ giống như những cuốn sách bạn có thể biết trước nội dung. Mỗi ngày đều là vô số những tình huống sinh động, khiến Yoon Jae hụt hơi khi phải đối diện, bởi cậu không thể nào bộc lộ được cảm xúc như những người bình thường mong muốn.
Gon và Joon Jae tựa như hai mảnh ghép của phiên bản con người, đầy khiếm khuyết, nhưng tận sâu cùng, là khao khát yêu thương luôn ươm mầm. |
Ngay khi đối diện với bước ngoặt cuộc đời khủng khiếp, chứng kiến bà và mẹ bị một người đàn ông cuồng sát đâm ở giữa đường, Yoon Jae cũng không thể có phản ứng khác ngoài trạng thái bình thản.
Bà cậu đã mất, và mẹ cậu có thể trở thành người thực vật không bao giờ còn tỉnh lại. Cậu biết có một điều vô cùng bất hạnh đang đổ ập xuống cuộc đời mình, nhưng cậu không thể buồn, không thể khóc, không thể kêu gào, cậu cứ bình thản như thế.
Đúng lúc tưởng rằng chỉ còn một mình trơ trọi trên cuộc đời, Yoon Jae bắt đầu có những cuộc gặp gỡ, mà ở đó, cậu bắt đầu có “cảm giác”. Ấy Là Dora, một làn gió mới mát lành thổi qua cuộc đời cậu. Là tiến sĩ Shim và Giáo sư Yoon, những người chịu hiểu, đồng hành và giúp đỡ cậu.
Và Gon, cậu trai có tính cách hoàn toàn trái ngược Yoon Jae, như một “sứ giả” được thiên thần phái đến để đồng hành cùng Joon Jae trong cuộc đời. Trong khi Joon Jae không thể thể hiện được những cảm xúc của mình thì Gon lại quá nhạy cảm, thừa nổi loạn, và luôn khao khát được yêu thương. Gon và Joon Jae tựa như hai mảnh ghép của phiên bản con người, đầy khiếm khuyết, nhưng tận sâu cùng, là khao khát yêu thương luôn ươm mầm.
Gon đã tìm đủ mọi cách để buộc Yoon Jae phải cảm thấy sự tồn tại của một thứ mang tên “cảm xúc”. Lần đầu tiên trong đời, Joon Jae lao đi tìm một người, bởi cậu biết người đó quan trọng với mình, cậu nhận ra trái tim đang thôi thúc cậu. Giây phút Joon Jae không sợ hãi hiểm nguy mà cứu Gon chính là giây phút cậu đã dần lấp đầy được những thiếu sót của tâm hồn, hay ít nhất, cậu có niềm tin rằng, ngoài bà và mẹ, những người thân thiết nhất, cậu vẫn có thể có một người bạn.
Bằng lối kể chuyện mang đậm chất tự sự, chân thành, tác giả Sohn Won Pyung đã xây dựng nên một mối quan hệ tâm giao cảm động của hai người trẻ với nhiều khiếm khuyết trong quá trình trưởng thành. Đồng thời, câu chuyện ấy cũng đánh thức biết bao tình cảm, trăn trở của độc giả. Nhà phê bình văn học Han Ki Ho đã dành lời khen: “Một cuốn sách có khả năng lay động mạnh mẽ, sẽ đánh thức cả những nỗi đau và lòng đồng cảm tiềm ẩn trong mỗi độc giả”.
Sohn Won Pyung sinh năm 1979 tại Seoul. Cô từng theo học khoa Xã hội học và Triết học, chuyên ngành Đạo diễn khoa Điện ảnh có kinh nghiệm viết kịch bản và đạo diễn nhiều phim ngắn.