Theo Nikkei, rất nhiều hãng bay đang cân nhắc lại việc mua và biên chế Boeing 737 Max, đặc biệt là các hãng hàng không Đông Nam Á.
Cân nhắc hủy hợp đồng mua 737 Max
Hãng hàng không quốc gia Indonesia, Garuda, rất có thể sẽ hủy hợp đồng mua 49 máy bay dòng 737 Max, cùng với nhiều hãng khác như Vietjet Air, Malaysia Airlines hay Lion Air, hãng đã gặp tai nạn thảm khốc với dòng máy bay này.
Hiện Vietjet Air có đơn hàng tới 200 chiếc 737 Max, dự kiến bắt đầu bàn giao vào tháng 10 năm nay.
Zing.vn đã liên hệ với Vietjet Air nhưng hãng bay không có bình luận mới. Trong tuyên bố gần nhất, Vietjet Air khẳng định “hiện nay chúng tôi đang theo dõi sát sao vụ việc tàu Boeing 737 Max và sẽ có các quyết định về việc khai thác dòng máy bay này sau khi có các kết luận chính thức và hướng dẫn từ các cơ quan chức trách hàng không thế giới và Cục Hàng không Việt Nam (CAAV)”.
Nguồn tin của Zing.vn tại Vietjet Air cũng chia sẻ hãng bay hiện chưa có ý định hủy bỏ đơn hàng mua Boeing 737 Max trước khi có kết quả điều tra cuối cùng từ cơ quan chức năng.
Thời điểm này chưa có hãng bay nào trong các hãng bay trên chính thức huỷ đơn hàng mua 737 Max.
Việc Boeing 737 Max gặp sóng gió là cơ hội mở ra cho dòng máy bay C919 của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua. |
Nếu không muốn mua 737 Max, lựa chọn khả dĩ duy nhất của các hãng bay là dòng A320 của Airbus. Cạnh tranh giữa hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới là rất gay gắt khi doanh số dòng A320 chỉ nhỉnh hơn doanh số dòng 737 không quá nhiều, lần lượt là 626 và 580 chiếc.
Airbus chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về những vụ tai nạn liên tiếp của máy bay Boeing, tuy nhiên cổ phiếu của Airbus đã tăng gần 7% giá trị kể từ vụ tai nạn ngày 10/3 của Ethiopian Airlines.
Hiện dây chuyền sản xuất A320 đang hoạt động hết công suất và xuất xưởng khoảng 50 chiếc A320 mỗi tháng. Airbus vẫn còn khoảng 6.000 chiếc đã được đặt hàng nhưng chưa sản xuất và theo truyền thông Pháp, hãng cũng không thể tăng sản lượng trong tương lai gần.
Cơ hội cho máy bay Trung Quốc, Nga
Đây chính là thời cơ mở ra với những chiếc máy bay Trung Quốc và Nga tìm kiếm khách hàng và bắt nhịp với thị trường.
Ngay khi dòng 737 Max bị Trung Quốc cấm bay, Tập đoàn Hàng không thương mại Trung Quốc (COMAC) đã ngay lập tức cho ra mắt mẫu máy bay thân hẹp hai động cơ C919. Lãnh đạo hãng cho hay mẫu máy bay này đã được hãng đăng ký cấp chứng nhận tại châu Âu và dự kiến nhận chứng nhận sau 3-4 năm.
Mẫu C919 đã bay thử thành công nhiều lần vào năm 2017 và đặt mục tiêu nhận được chứng nhận từ cơ quan chức năng hàng không Trung Quốc vào năm 2021. Chứng nhận của châu Âu sẽ giúp mẫu máy bay này có thêm lòng tin về độ an toàn.
COMAC đã cho ra mắt thị trường dòng ARJ21, dòng máy bay tầm ngắn chở 70-90 khách, từ năm 2016 và hiện chỉ có giấy phép bay nội địa Trung Quốc.
Mẫu C919 được cho là đã có 800 chiếc được đặt hàng chắc chắn, trong đó có nhiều hãng hàng không mới ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên việc có chứng nhận an toàn bay từ châu Âu sẽ là yếu tố quyết định đến khả năng xuất khẩu của dòng máy bay này.
Nga cũng thể hiện tham vọng với mẫu Irkut MC-21, mẫu máy bay đánh trực tiếp vào phân khúc của 737 MAX. Ảnh: RT. |
Tại Trung Quốc, hãng hàng không quốc gia chắc chắn sẽ sử dụng mẫu C919, tuy nhiên có nhiều tín hiệu cho thấy chính quyền nước này sẽ hậu thuẫn C919 nhiều hơn thế.
Tuần trước, chủ tịch của China Eastern Airlines, một hãng bay vốn nhà nước của Trung Quốc, ông Liu Shaoyong, đã đề xuất trước Đại hội quốc dân rằng nên khuyến khích các hãng hàng không trong nước sử dụng máy bay sản xuất tại Trung Quốc “để máy bay nội có thêm sinh lực”.
Tại Nga, Irkut đang phát triển dòng máy bay thân hẹp MC-21 với mục tiêu là có được chứng nhận an toàn bay sớm nhất vào năm sau. Mẫu MC-21 đã có chuyến bay đầu tiên vào năm 2017. Irkut, hiện là công ty con thuộc tập đoàn công nghệ nhà nước Nga Rostec, vừa có chuyến bay thử nghiệm thứ 3 liên tiếp thành công với mẫu MC-21.
Mẫu máy bay này sẽ được bán chủ yếu tại Nga và các nước Liên Xô cũ. Doanh số của mẫu MC-21 ước tính có thể lên tới 1.000 chiếc từ nay tới những năm 2030. Tuy nhiên lệnh cấm vận từ Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ khiến việc nhập khẩu các linh phụ kiện từ ngoài khối Liên Xô cũ trở nên khó khăn hơn. Điều này sẽ khiến thời gian phát triển chậm lại và giá thành máy bay sẽ tăng lên.