Sáng 21/8, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu, đã làm việc với 11 bộ ngành để đánh giá các nhiệm vụ Thủ tướng giao, liên quan đến việc kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề hiện nay đang có 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Theo thống kê của CIEM, một năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỷ đồng.
“Đây đang là điều Thủ tướng quan tâm và đặt vấn đề phải cắt giảm chi phí liên quan đến doanh nghiệp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, hiện nay hàng hóa xuất nhập khẩu có kiểm tra chuyên ngành kiểm dịch thực vật chiếm 0,1%, kiểm dịch động vật chiếm 14,3%, kiểm tra hiệu suất năng lượng chiếm 25,3%, kiểm tra an toàn thực phẩm 19,1%, giấy phép xuất nhập khẩu và các yêu cầu tương đương 41,2%.
Như vậy tỷ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu kiểm tra chuyên ngành đang giữ ở mức 30-35%, và yêu cầu rút xuống còn 15% trong thời gian sắp tới.
Đặc biệt, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu lên thực trạng hiện nay nhiều bộ vẫn còn độc quyền trong đánh giá sự phù hợp. Nhiều hàng hóa nhập khẩu của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới nhưng vẫn kiểm tra chuyên ngành theo cách thủ công.
Thậm chí, có tình trạng bộ chỉ giao một cơ quan trên cả nước thực hiện giám định, khiến chi phí cho doanh nghiệp đội lên rất nhiều. Do doanh nghiệp vận chuyển hàng từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc chỉ để kiểm tra, giám định.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng còn chỉ ra tình trạng rườm rà, chồng chéo trong kiểm tra hàng hóa. Bộ trưởng dẫn ví dụ một mặt hàng chocolate cần 13 loại giấy phép, 12 nguyên liệu cần 12 loại giấy phép, cuối cùng phải xác nhận công bố thành phẩm.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nhiều bộ ngành còn tình trạng kiểm tra chồng chéo, rườm rà. Ảnh: Báo Hải Quan. |
Mặt hàng sữa chua vừa phải kiểm dịch theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm theo Bộ Y tế. Kén tằm, hạt hướng dương cũng phải 2 bộ.
“Một bộ không làm đâu, cứ chẻ ra như thế thì không ổn. Mà các bộ không bao giờ đi cùng nhau, đợi ông kia về tôi mới đi. Rất nhiều vấn đề thực tế như thế, chúng ta phải xử lý. Tôi nghĩ doanh nghiệp làm lần đầu chắc mò mẫm đến hết đêm cũng không làm được, như vào rừng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh Thủ tướng giao Tổ công tác cùng các bộ rà soát lại cải cách thủ tục hành chính về thủ tục xuất nhập khẩu. Yêu cầu các Bộ rà soát bổ sung thay thế 87 văn bản liên quan pháp luật kiểm tra chuyên ngành. Hiện đã có 60/87 nhiệm vụ hoàn thành. Nghị quyết 19 đã giao các Bộ 11 nhiệm vụ, trong đó có 3 nhiệm vụ chung, 8 nhiệm vụ thuộc từng bộ ngành. Hiện mới có 3/8 nhiệm vụ hoàn thành.
Một số bộ ngành đã có những chuyển biến tích cực trong việc rà soát các văn bản, thủ tục. Trong đó các Bộ Khoa học và Công nghệ; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kế hoạch và Đầu tư đều đã hoàn thành 100%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành 75,5%. Bộ Công Thương hoàn thành 90%. Bộ Y tế mới hoàn thành 55,6%.
Riêng các Bộ Thông tin và Truyền thông; Quốc phòng; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông vận tải được giao 2 văn bản nhưng mới hoàn thành rà soát một. Đặc biệt, Bộ Xây dựng và Công an chưa ra soát văn bản nào.