Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thời 8 quyển tạp chí có giá nửa lượng vàng

Ở thời Internet còn chậm rì và chưa có smartphone, sách báo nước ngoài về đồ sứ cổ, catalogue về tranh, thảm Trung Đông, tượng đúc... khiến giới sưu tập, kinh doanh đồ cổ mê mẩn.

Cách nay 20 năm, con đường Lê Công Kiều bán đồ cổ và giả cổ còn rất tấp nập, nhất là vào hai ngày cuối tuần. Ở đó không có quán cà phê nào ra hồn nên giới chơi đồ cổ sau khi đi dạo mỏi chân thường ngồi uống cà phê lề đường đặt trên một nắp cống lớn đầu đường Nguyễn Thái Bình hoặc ngồi sát vỉa hè đầu đường Lê Công Kiều gần đó.

Người giàu, trung lưu, Việt kiều, sang trọng hay lèo bèo đều chen chúc trên những chiếc ghế đẩu quanh vài cái bàn gỗ, vừa uống cà phê vừa hít mùi khói xăng từ điểm sửa xe kế bên. Họ bàn tán về các món đồ cổ vừa thấy đâu đó trên đường, xuất xứ của chúng và về những cuộc đổi chác diễn ra trước đó, từ các món bày trang trọng trong tiệm cho đến những món vừa được mang từ miền Trung vào hay từ miền Tây lên.

Những người mới chơi im lặng nghe các cao thủ bàn tán để học hỏi cách nhìn cốt, men, họa tiết, độ nặng, bọt khí, và những mánh lới giả cổ, mánh lới sửa đồ mẻ nứt, dù kiến thức từ đây không có nghĩa là hoàn toàn chính xác.

Ở thời buổi mạng Internet còn chậm rì và chưa có smartphone như lúc đó, hôm nào ai đó mang ra một quyển sách nước ngoài về đồ sứ cổ, đồ mỹ nghệ cao cấp, hoặc một cuốn catalogue về tranh, thảm Trung Đông hay đồ chạm khắc, tượng đúc được đấu giá của nhà Christie’s hay Sotheby’s, là làng đồ cổ Lê Công Kiều quanh bàn cà phê càng thêm sôi nổi. Máu ham nghệ thuật khiến họ mê mẩn trước những tác phẩm tinh xảo in trong sách.

Như là điều bắt buộc, người chơi đồ mỹ thuật, chơi đồ cổ cần xem nhiều tài liệu có minh họa về các dòng gốm sứ, đồ gỗ hay đồ kim khí như đồng hồ, la bàn và tranh nghệ thuật nếu họ muốn chơi lâu dài, dù biết rằng “nhìn tận mắt, sờ tận tay” món đồ tốt hơn chỉ sành một mớ lý thuyết.

Tap chi nghe thuat anh 1

Một số cuốn Arts of Asia. Ảnh: biblio.

Sách và các tạp chí giúp người chơi nhận ra một món đồ đang trôi nổi trên thị trường thuộc dòng đồ nào và đang có giá bao nhiêu. Phải xem thật nhiều sách, dù chỉ thoáng qua hay được thân quý cho mượn về nhà, phải thu thập thật nhiều hình ảnh trong đầu nếu thật sự đam mê nghệ thuật hoặc định kinh doanh chúng. Nếu không rèn được mắt thẩm mỹ tinh tế dày công như vậy, sẽ thua thiệt khi thẩm định, cho việc mua bán hay chỉ cho thú chơi của mình.

Dù sao, sách về mỹ thuật, đồ cổ lúc ấy đã được bán ở các nhà sách Xuân Thu, nhà sách Phương Nam trong Saigon Center… chứ không hiếm đến độ như giới chơi đồ cổ ở Sài Gòn thập niên 1960, chỉ có thể mượn sách của bạn bè trong giới sưu tầm ở các sứ quán nước ngoài, chụp từng trang sách chỉ trong một buổi chiều rồi trả gấp.

Có lần, chủ một tiệm mỹ nghệ kiêm bán đồ cổ trên con đường này khoe một quyển sách in rất trang nhã, bìa cứng chỉ có hai màu trắng đen và màu lam. Đó là quyển Porcelain from the Vung Tau Wreck: The Hallstrom Excavation nói về dòng đồ sứ Khang Hy chìm dưới biển Hòn Cau ngoài khơi Vũng Tàu.

Người chơi liếc qua cuốn sách thèm thuồng vì khi so sánh với một số món thuộc dòng này đang có trên thị trường Sài Gòn, đồ trong sách rất đẹp, nguyên vẹn và lạ mắt hơn hẳn.

Nhóm đồ cổ này tuy vớt ở biển Việt Nam, rõ ràng chỉ mấy ông Tây mới có thể tiếp cận, chụp ảnh và in ấn trong cuốn sách tuyệt hảo như vậy. Dù giá bìa chỉ hơn 50 USD, ông chủ tiệm tung ra bán khoảng năm quyển, mỗi quyển giá gấp đôi và có vài người mua ngay. Quyển sách quả có sức hút mạnh.

Một anh thích sưu tầm sách nghệ thuật kể chuyện: Nghe đến tên một tạp chí nổi tiếng về nghệ thuật châu Á, tạp chí Arts of Asia, anh tìm hiểu về chúng. Đây là tạp chí định kỳ về nghệ thuật Á châu ra đời ở Hong Kong từ năm 1971, xuất bản trên 80 nước và được in trên giấy láng offset nhiều màu. Hình ảnh trong tạp chí này rất đẹp, tinh tuyển, hình của món cổ vật trong mỗi ô quảng cáo cũng là một tác phẩm nghệ thuật chọn lọc.

Tra trên mạng, anh phát hiện người sáng lập là bà Tuyết Nguyệt Markbreiter, một người Sài Gòn sống ở Hong Kong. Một hôm, anh đến một hiệu sách cũ nổi tiếng trên đường Võ Văn Tần và phát hiện 8 quyển tạp chí nằm ở đó. Người chủ lõi đời đã không ngần ngại nói giá lô đó gần bằng giá… nửa lượng vàng.

Chạy về nhà, anh không ngần ngại mượn tiền… vợ, ôm về tất cả, được giảm chút ít. Anh nói: “Đây là cơ hội. Vì tôi phát hiện ra trong số này, có tới bảy quyển ở tòa soạn tạp chí tại Hong Kong không còn”.

Phạm Công Luận / Phương Nam Book và NXB Thế giới

SÁCH HAY