Trong cuộc họp báo ngày 13/4, bộ phận lái xe tự hành (autonomous driving) của Didi đã trình diễn ý tưởng về DiDi Neuron - một taxi không người lái hay còn gọi là robotaxi. Theo trang tin CNBC, điểm đặc biệt nhất trong ý tưởng này là một cánh tay robot phía sau cùng để tự động lấy hành lý hoặc đánh thức hành khách nếu họ ngủ quên.
Cũng trong buổi thuyết trình, đại diện phía DiDi cho biết họ đang hợp tác với nhiều nhà sản xuất ôtô năng lượng mới - mà chủ yếu là các nhà sản xuất ôtô điện - để phát triển robotaxi cho riêng mình.
DiDi Neuron - một robotaxi mà công ty gọi xe DiDi đang phát triển - với đặc điểm nổi bật là cánh tay robot ở sau cùng. Ảnh: DiDi Global. |
Trước đó, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này cũng đã công bố một doanh nghiệp vận tải đường bộ tự trị tên là Kargobot, với hơn 100 xe tải không người lái đang hoạt động. Tuy nhiên, trọng tâm của Kargobot là các dịch vụ hậu cần và vận chuyển hàng hóa.
Ngoài ra, DiDi còn tự phát hành thêm 2 phần cứng tập trung vào xe tự lái, mà một trong số đó là phần cứng tên DiDi Beiyao Beta LiDAR được đồng phát triển cùng công ty công nghệ Benewake. Theo đại diện từ hãng gọi xe, LiDAR là viết tắt của công nghệ phát hiện phạm vi ánh sáng, một công nghệ then chốt giúp các phương tiện tự lái nhận diện được môi trường xung quanh.
Phần cứng còn lại là nền tảng điện toán dành cho ô tô tự hành có tên Orca.
Theo nhiều chuyên gia, mục tiêu robotaxi đầy tham vọng của DiDi cũng như các sản phẩm mới đang thể hiện mong muốn vượt ra ngoài lĩnh vực gọi xe của hãng này, đặc biệt là phát triển sang mảng công nghệ lái xe tự động.
Trước đó, vào năm 2019, DiDi đã tách riêng bộ phận lái xe tự hành thành một công ty con, sau đó huy động nguồn vốn bên ngoài từ những người ủng hộ, bao gồm cả SoftBank. Nhờ có công ty con này, DiDi đã thử nghiệm được robot của mình ở nhiều vùng khác nhau của Trung Quốc và hiện tại đã bắt đầu vận hành thương mại robotaxis tại Quảng Châu.
Không chỉ riêng DiDi hay các công ty tư nhân, chính phủ Trung Quốc gần đây cũng bày tỏ ủng hộ sự phát triển của những chiếc xe không người lái. Tại các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Quảng Châu, ôtô tự lái của Baidu, WeRide, Pony.ai đã được cho phép thử nghiệm diện rộng.
Theo CNBC, hàng loạt thông báo của DiDi sau gần 2 năm bị chính phủ Trung Quốc giám sát chặt chẽ là một trong những dấu hiệu cho thấy các quy định siết chặt công nghệ đang dần được nới lỏng.
Tháng 1 vừa qua, các ứng dụng của DiDi đã được cấp phép lại trên các cửa hàng ứng dụng ở Trung Quốc, báo hiệu giai đoạn giám sát tồi tệ nhất đã qua. Ngoài ra, vào tháng trước, công ty này cũng cho biết họ đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh sang các vùng quê.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế