Bản chất của câu chuyện thoái vốn ở đây là gì, lộ trình thoái thế nào và số tiền thu về cả tỷ USD dự kiến được chi tiêu ra sao?
Đẻ trứng vàng cũng bán
Theo ước tính, 45,1% vốn Nhà nước mà SCIC đang nắm giữ tại Công ty Cổ phần sữa (CTCP) Việt Nam - Vinamilk hiện có giá thị trường khoảng 55.200 tỷ đồng, tương đương 2,46 tỷ USD. Vinamilk được xem như “con gà đẻ trứng vàng” cho SCIC, khi tạo ra lợi nhuận trên sàn chứng khoán ở mức khủng (hơn 7.600 tỷ đồng năm 2014 và 4.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2015) kéo theo phần cổ tức màu mỡ cả ngàn tỷ vào tài khoản của SCIC nhiều năm nay.
Bên cạnh Vinamilk, 9 DN còn lại nằm trong danh sách SCIC cần thoái vốn còn có: Tổng CTCP Bảo Minh (BMI), Tổng CTCP tái bảo hiểm quốc gia (VNR), CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), CTCP hạ tầng và bất động sản Việt Nam, CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM), CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC), CTCP FPT (FPT) và CTCP FPT Telecom.
Theo phân tích, ngoại trừ CTCP hạ tầng và bất động sản Việt Nam và CTCP FPT Telecom chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán nên không xác định được giá cổ phiếu, với các DN còn lại, giá cổ phiếu tương đối cao nên nếu thoái vốn thành công, số tiền thu về cũng không hề nhỏ.
Tỷ lệ vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp sẽ thoái hết vốn (2 công ty là Công ty CP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam và Công ty CP Viễn thông FPT chưa lên sàn nên chưa tính được giá trị vốn hóa). |
Cụ thể, SCIC sẽ thoái hoàn toàn 6% lượng cổ phiếu FPT đang sở hữu. (Được biết, hiện SCIC đang là cổ đông lớn thứ 2 tại FPT sau ông Trương Gia Bình). Giả dụ lấy thị giá cổ phiếu ngày 13/10 làm mức chốt, thì số tiền thu được nhờ bán FPT, BMI, VNR, NTP, BMP, HGM, SGC lần lượt là 755 tỷ đồng, 897 tỷ đồng, 1.143 tỷ đồng, 1.140 tỷ đồng, 1.544 tỷ đồng, 238 tỷ đồng và 182 tỷ đồng. Như vậy, giá trị của 7 cổ phiếu này là gần 5.900 tỷ đồng (tương ứng 234 triệu USD). Tóm lại, nếu thoái vốn thành công cả 10 DN kể trên, Chính phủ có thể sẽ thu về hơn 3 tỷ USD.
Bao giờ bán?
Văn bản số 1767 phê duyệt đề án tái cơ cấu SCIC, do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký ngày 8/10/2015 ghi rõ: Thời điểm bán vốn tại 10 DN này do SCIC chủ động, đảm bảo lợi ích cao nhất. Vậy, SCIC đã toan tính thời điểm và lộ trình thoái vốn này ra sao? Ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC cho hay: “Việc quyết định xem lúc nào để lập phương án thoái vốn cụ thể, đến thời điểm này SCIC chưa khẳng định.
Theo quy định, SCIC phải rà soát toàn bộ. Đối với những doanh nghiệp lớn như Vinamilk, FPT, khi cần thiết thoái vốn theo định hướng chiến lược, và ở thời điểm đạt được lợi ích cao nhất thì SCIC sẽ quyết định thực hiện thoái vốn”.
Quanh việc lựa chọn phương thức nào có lợi nhất khi thoái vốn, theo ông Đạo, thường khi thoái vốn khỏi những DN niêm yết trên sàn, SCIC theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Trong đó, thỏa thuận ngoài sàn thường đạt được mức giá tốt hơn. “Đối với những DN chưa niêm yết như VIID và FPT Telecom, SCIC sẽ bán đấu giá. Có thể bán đấu giá 1 phần hoặc toàn bộ, SCIC hiện đang áp dụng cách bán đấu giá cả lô”, ông Đạo nói.
Đề cập câu chuyện thoái vốn, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, việc thoái vốn của SCIC sẽ có kế hoạch cụ thể và đảm bảo không làm ảnh hưởng tới hoạt động của DN, không làm ảnh hưởng tới việc làm người lao động cũng như không gây biến động trên thị trường.
Tiền thu về dùng làm gì?
Điều dư luận quan tâm nhất hiện nay là giả sử việc thoái vốn 10 DN trên mang về hơn 3 tỷ USD, thì số tiền này được sử dụng thế nào?
Nhìn lại câu chuyện cả tuần qua, thấy “dấy” lên đồn đoán cho rằng, rất có thể khoản tiền bán vốn tại 10 DN khủng này sẽ được đem vào phục vụ chi tiêu (đã có lời nhắc khéo đến khoản nợ 30.000 tỷ đồng Bộ Tài chính vừa phải mượn tạm từ Ngân hàng Nhà nước, đồng thời nhấn mạnh áp lực nợ công phải trả - PV).
Tuy nhiên, ông Phạm Viết Muôn, Phó Ban đổi mới phát triển doanh nghiệp (đơn vị trực tiếp phụ trách cổ phần hóa DNNN) khẳng định: Hoàn toàn không có việc Chính phủ Việt Nam thoái vốn để trả nợ nước ngoài trong giai đoạn 2015 - 2016. “Bởi lẽ, Chính phủ cũng đã xây dựng kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để thực hiện việc đảo nợ”, ông Muôn nói.
Giao dịch với khách hàng tại Công ty Cổ phần Viễn thông FPT. |
“Đằng sau quyết định này có liên quan đến tình hình ngân sách hiện nay, trong đó Chính phủ dự kiến dùng tiền từ bán tài sản để đầu tư phát triển hạ tầng”, đó là nhận định của Công ty Chứng khoán HSC. Còn nói với PV Tiền Phong, Phó Vụ trưởng Tài chính Ngân sách (Bộ Tài chính) ông Nguyễn Minh Tân, cũng nhắc lại rằng, số tiền bán vốn thu về đã được dự tính đưa vào dự toán đầu tư cho an sinh xã hội mà cụ thể là xây bệnh viện.
Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, một khi họ (chỉ các DN) đã làm tốt và là lĩnh vực có nhiều đơn vị tham gia, thì nên thu vốn về để đầu tư vào những việc khác Nhà nước cần phải nắm giữ như an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hạ tầng cơ sở. Theo ông Tiến, SCIC là đơn vị thay mặt Nhà nước đi đầu tư, đơn vị này sẽ có trách nhiệm lên kế hoạch sử dụng vốn tập trung nguồn lực lại để đầu tư vào những lĩnh vực mà Chính phủ quy định.