Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thoái vốn DNNN cần đa sở hữu, tránh trở thành công ty tư nhân

Đây là một trong 4 nội dung chính trong cuộc họp liên bộ, ngành để cho ý kiến vào dự thảo Nghị định về chuyển DNNN thành công ty cổ phần do Bộ Tài chính soạn thảo.

Sáng 11/4 tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị Bộ Tài chính làm rõ căn cứ pháp lý để sửa đổi, bổ sung các quy định chuyển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thành công ty cổ phần, trong đó xử lý hiệu quả các bất cập hiện nay của quá trình này.

thoai von DNNN thanh cong ty co phan anh 1
Phó thủ tướng yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung các quy định để xử lý hiệu quả các bất cập trong quá trình cổ phần hóa. Ảnh: Hoàng Hà.

Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu quá trình thoái vốn không để quyền lợi Nhà nước bị xâm phạm khi mà dư luận xã hội đang bức xúc việc định giá tài sản DNNN có vấn đề, nên khi cổ phần hóa, Nhà nước bị thất thoát tài sản, vốn.

Bên cạnh đó, cần có hướng tới đa sở hữu trong quá trình cổ phần hóa các DNNN và đặt ra câu hỏi "xử lý như thế nào với trường hợp cổ phần hóa thành tư nhân hóa, tài sản Nhà nước thành tài sản cá nhân một số ít người? Có câu chuyện xác định được cổ đông chiến lược nhưng khi bán cổ phần phổ thông thì không ai mua, nhưng sau đó có cổ đông chiến lược lại mua hết thì có cấm đoán việc này không?”.

Theo Phó Thủ tướng, nguyên tắc là phải tính đúng, tính đủ tài sản hữu hình, vô hình vào giá trị doanh nghiệp, như việc tìm cách tính thương hiệu, lợi thế thương mại, phát minh sáng chế, cải tiến kỹ thuật, định giá đất đai,… Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu trường hợp doanh nghiệp sau cổ phần hóa đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất thì tính toán áp thuế ra sao?

Mục tiêu tiếp theo là nâng cao hiệu quả và quản trị doanh nghiệp và cuối cùng là Nghị định phải bảo vệ Nhà nước trong một số trường hợp quan trọng, ví dụ như giữ thương hiệu quốc gia.

“Phải quy định cổ đông chiến lược cam kết bảo vệ thương hiệu, ngay cả Cộng hòa Pháp cũng quy định khi cổ phần hóa DNNN thì nhà đầu tư chiến lược phải cam kết 15 năm gắn bó với doanh nghiệp”, Phó thủ tướng cho hay.

Tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là cổ phần hóa tiếp tục được Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện quyết liệt trong thời gian tới. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần phải có cơ chế hướng dẫn hoàn chỉnh, phù hợp nhằm xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức định giá sát với giá thị trường, tiếp tục bán cổ phần công khai, minh bạch, gắn quá trình cổ phần hóa với quá trình phát triển của thị trường chứng khoán và thu hút được các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần, đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP, Nghị định số 116/2015/NĐ-CP về cổ phần hóa được ban hành trong thời gian qua cơ bản đã tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc khi cổ phần hóa DNNN, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu mà trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng quá trình cổ phần hóa theo các quy định trên cho thấy việc đổi mới phương thức quản lý chưa rõ ràng (tỷ lệ cổ phần Nhà nước còn nắm giữ lớn ở nhiều doanh nghiệp); thời gian cổ phần hóa kéo dài ở doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, tình hình tài chính phức tạp, hoạt động trong lĩnh vực đặc thù; một số doanh nghiệp được áp dụng cơ chế đặc thù khi cổ phần hóa nhưng chưa được quy định cụ thể; cơ chế bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược còn bất cập do nhà đầu tư chiến lược phải cam kết cung cấp nhiều nguồn lực nhưng bị hạn chế bán cổ phiếu trong vòng 5 năm; chưa có quy định xử lý nhà đầu tư chiến lược làm sai cam kết.


Thủ tướng: 'Phải chọn người tài, không chọn người nhà, thân quen'

Người đứng đầu Chính phủ mong muốn doanh nghiệp Nhà nước nói không với tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt trong bối cảnh "chúng ta chống tình trạng sân trước, sân sau".


Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm