Theo thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về việc sắp xếp đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu, đến năm 2020 sẽ có 16 doanh nghiệp cổ phần hóa và chuyển phần vốn Nhà nước về SCIC (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước).
Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, 16 doanh nghiệp được chia làm 3 nhóm với lộ trình khác nhau.
Nhóm 1: Nhà nước giữ tỷ lệ 40,71% vốn điều lệ tại Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (LICOGI) và chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này về SCIC ngay trong quý I.
Nhóm 2: Từ này đến năm 2018 sẽ thoái vốn về mức 0%, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước về SCIC với 10 tổng công ty. Đó là các đơn vị: Vật liệu xây dựng số 1, Xây dựng số 1, Sông Hồng, Đầu tư và Phát triển xây dựng, Xây dựng Hà Nội, Xây dựng Bạch Đằng, Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam, Tư vấn xây dựng Việt Nam, Cơ khí xây dựng và Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam.
Trụ sở Viglacera nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nhóm 3: Thực hiện cổ phần hóa, bán bớt phần vốn Nhà nước, Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019 tại các Tổng công ty: Sông Đà, Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Lắp máy Việt Nam (LILAMA) và Viglacera; xây dựng lộ trình cụ thể chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về SCIC theo quy định.
Đối với Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long và Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao, Phó thủ tướng chỉ đạo hoàn thiện việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước từ đơn vị chủ quản về VICEM.
Theo đó, chuyển giao 65,76% vốn tại Xi măng Hạ Long (chủ quản hiện tại là Sông Đà) và 80,79% vốn tại Sông Thao (chủ quản hiện tại là HUD) về VICEM.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa, bảo đảm tối đa hóa lợi ích Nhà nước, quản lý tốt tài sản, đất đai và giải quyết quyền lợi cho người lao động.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, xử lý nghiêm các vi phạm.
SCIC cần đôn đốc các doanh nghiệp sau khi chuyển thành công ty cổ phầnphải đăng ký niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo theo đúng quy định.