Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xét theo tiêu chí nguồn vốn, doanh nghiệp Nhà nước hiện chiếm 79% trong lĩnh vực khai khoáng, 91% trong lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, 65% ở lĩnh vực cung cấp nước, xử lý rác thải, 80% lĩnh vực thông tin truyền thông, 43% lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản, 57% lĩnh vực tài chính ngân hàng, bảo hiểm so với tổng nguồn vốn của toàn bộ doanh nghiệp trong các ngành tương ứng.
Thị phần cung cấp dịch vụ điện thoại di động 2G, 3G năm 2015. Đồ họa: Kiều Vui.
|
Nếu tính theo doanh thu thuần thì doanh nghiệp Nhà nước chiếm 80% ở lĩnh vực khai khoáng, 96,8% ở lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, 72,94% trong lĩnh vực cung cấp nước, xử lý rác thải, 82% trong lĩnh vực thông tin truyền thông, 52,7% lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản, 48% lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm so với tổng doanh thu thuần của toàn bộ doanh nghiệp trong các ngành trên.
Hiện có tới 93% người sử dụng mạng điện thoại di động là khách hàng của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Mobifone.
Thị phần cung cấp dịch vụ Internet băng rộng năm 2015. Đồ họa: Kiều Vui.
|
Trong khi đó, 80% tổng lượng điện là do Tập đoàn Điện lực (EVN) sản xuất. EVN cũng đang quản lý hầu như toàn bộ khâu truyền tải, vận hành hệ thống điện quốc gia, phân phối và kinh doanh bán điện.
Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam và các đơn vị thành viên chiếm hơn 30% thị phần xi măng. Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam làm đầu mối xuất khẩu 70% lượng gạo.
Thị phần của 4 ngân hàng Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV năm 2015. Đồ họa: Kiều Vui. |
Đáng chú ý, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cung ứng than cho nhu cầu chất đốt của mọi doanh nghiệp, người dân, trong khi Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex và các doanh nghiệp Nhà nước khác “độc quyền” cung cấp xăng dầu trong nước.
Các ngân hàng thương mại quốc doanh như BIDV, Agribank, Vietcombank, Vietinbank…chiếm hơn 50% tổng dư nợ cho vay toàn ngành.