Các bộ trưởng Năng lượng của EU đã dự cuộc họp khẩn cấp tại Brussels (Bỉ) vào hôm 26/7 để cố gắng tìm kiếm sự thống nhất về một đề xuất mới, vốn được Ủy ban châu Âu đưa ra một tuần trước. Tuy nhiên, điều đó đã bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước trong khối, theo DW.
Theo kế hoạch ứng phó khẩn cấp của EU, mỗi nước thành viên sẽ làm tất cả những gì có thể để giảm tiêu thụ khí đốt ít nhất 15% trong giai đoạn tháng 8/2022-3/2023, AFP ngày 20/7 đưa tin.
Trong khi thỏa thuận đã được đưa ra một cách nhanh chóng, một cảnh báo quan trọng cũng theo sau rằng các thành viên có thể thực hiện nó "với những biện pháp do họ lựa chọn”.
Đề xuất ban đầu đã cố gắng cho phép Brussels kích hoạt một cảnh báo khẩn cấp để yêu cầu "bắt buộc giảm nhu cầu khí đốt" trong toàn khối. Tuy nhiên, những gì được thỏa thuận lại khác.
Sự chia rẽ
Cái gọi là "cảnh báo Liên minh" chỉ có thể được kích hoạt nếu 5 quốc gia thành viên trở lên phát đi cảnh báo ở cấp quốc gia hoặc Hội đồng châu Âu yêu cầu Ủy ban làm vậy. Ủy ban châu Âu có thể đề xuất đưa ra "cảnh báo của Liên minh", nhưng các chính phủ sẽ phải chấp thuận nó.
Những cuộc tranh luận về đề xuất này bắt đầu khi các quốc gia không phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, bắt đầu dấy lên lo ngại về việc giảm 15% sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với công dân của họ.
“Để khả thi về mặt chính trị trong bối cảnh thiếu khí đốt, giá năng lượng cao và nguy cơ suy thoái tổng thể, sự đoàn kết về năng lượng của EU cần phải được dàn xếp một cách thực tế”, Simone Tagliapietra, một thành viên cấp cao của tổ chức kinh tế Bruegel, nói với DW.
Bên cạnh đó, các quốc gia không kết nối với mạng lưới khí đốt của những quốc gia khác, chẳng hạn Ireland, Malta và Cyprus, sẽ được hưởng quyền miễn trừ.
EU quyết tâm cắt giảm tiêu thụ khí đốt để tự vệ trước Nga. Ảnh: AFP. |
Hungary là quốc gia thành viên EU duy nhất phản đối kế hoạch này. Ngoài ra, vào tuần trước, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã đến Moscow để cố gắng đảm bảo việc gia tăng nguồn cung khí đốt của Nga.
"Chúng tôi là nước duy nhất phát tín hiệu sẽ bỏ phiếu phản đối bởi đề xuất này hoàn toàn bỏ qua lợi ích của người dân Hungary", Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết.
Đại diện Hungary cho rằng cắt giảm tiêu thụ khí đốt là kế hoạch "không chính đáng, không có tác dụng, không thể thực hiện".
Khi được hỏi về Hungary, Phó thủ tướng Cộng hòa Czech Jozef Sikela cho biết ông không muốn thảo luận về lập trường của một nước đơn lẻ.
“Chúng tôi có một sự liên kết rõ ràng, đoàn kết rõ ràng. Đồng thời, chúng tôi muốn gửi một tín hiệu rõ ràng đến thế giới và tới Điện Kremlin”, ông nói.
Mọi ánh mắt dồn về Berlin
Đức phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu khí đốt của Nga và phải đối mặt với việc Moscow liên tục cắt giảm lưu lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1. Trước đó, Nga đã thông báo rằng họ sẽ cắt giảm thêm 20% nguồn cung cấp khí đốt thông qua đường ống này từ ngày 27/7, giảm so với mức 40%.
"Brussels không phải đối mặt với hậu quả chính trị nào từ việc phân bổ khẩu phần khí đốt tiềm tàng, nhưng điều đó có thể là đòn chí mạng đối với chính phủ ở cấp quốc gia", Jacob Funk Kirkegaard, một thành viên cấp cao tại Quỹ Marshall của Đức, nói.
Nga tuyên bố cắt giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1. Ảnh: Reuters. |
Ông cho biết nhiều quốc gia đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung và giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga, trong khi Đức thì không, và họ sẽ phải trả giá về mặt chính trị.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, người đã tham dự Hội đồng Năng lượng ở Brussels, cho biết thỏa thuận sẽ cho Nga thấy rằng châu Âu vẫn đoàn kết khi đối mặt với việc cắt giảm khí đốt mới nhất của Moscow.
"Ông sẽ không thể chia rẽ chúng tôi”, ông Habeck nói.
Theo tổ chức nghiên cứu khí hậu E3G, ba nền kinh tế lớn nhất của EU, bao gồm Đức, Pháp, Italy, chiếm 50% tổng lượng khí đốt tiêu thụ của khối. Tuy nhiên, ông Kirkegaard tương đối lạc quan về triển vọng của thỏa thuận này. Ông cho rằng Đức sẽ làm nhiều hơn để giảm bớt nhu cầu khí đốt.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen khẳng định rằng thỏa thuận cắt giảm là nhằm ngăn chặn Nga có thể "tống tiền" châu Âu bằng nguồn cung khí đốt, để ngăn chặn "Nga sử dụng khí đốt như một vũ khí".
Tuy nhiên, các nhóm vận động về biến đổi khí hậu như Greenpeace cáo buộc EU "đã sai khi bỏ mặc các hộ gia đình, đồng thời đối phó với an ninh năng lượng và tình trạng khẩn cấp về khí hậu như thể chúng là những ưu tiên có tính xung đột với nhau”.
Theo Thomas Gelin - nhà vận động của Greenpeace, thay vì tranh cãi xem hệ thống năng lượng của ai đang bị đe dọa nhiều nhất, các quốc gia nên sử dụng những cơ hội mới này để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng.
EU cũng bị cáo buộc "tẩy xanh" sau khi chỉ định khí tự nhiên là năng lượng "xanh" trong kế hoạch giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.