Theo kế hoạch ứng phó khẩn cấp của EU, mỗi nước thành viên sẽ làm tất cả những gì có thể để giảm tiêu thụ khí đốt ít nhất 15% trong giai đoạn tháng 8/2022-3/2023, AFP ngày 20/7 đưa tin.
Vào cuối tháng 9 tới, các nước sẽ phải công bố lộ trình để đạt được mục tiêu trên.
EC cũng đề nghị các nước thành viên trao cho EU thẩm quyền đặc biệt trong phân bổ khẩu phần khí đốt cho các nước thành viên trong trường hợp Nga cắt đứt nguồn cung khí đốt tới châu Âu.
EU quyết tâm cắt giảm tiêu thụ khí đốt để tự vệ trước Nga. Ảnh: AFP. |
"Nga đang sử dụng năng lượng làm vũ khí, vì vậy trong bất cứ trường hợp nào, dù là cắt giảm phần lớn hoặc cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt, châu Âu cần chuẩn bị sẵn sàng", EC thông báo.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra những tín hiệu bất nhất về khả năng Moscow cắt đứt hoàn toàn cung cấp khí đốt cho các nước EU. Tuy nhiên, Brussels yêu cầu các nước thành viên chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất.
Việc Nga cắt giảm phần lớn nguồn cung khí đốt có thể gây ra tác động nghiêm trọng cho nền kinh tế châu Âu, khiến các nhà máy dừng hoạt động, các hộ gia đình mất đi một phần khí đốt để sưởi ấm.
Năm ngoái, Nga cung cấp 40% tổng lượng khí đốt mà EU tiêu thụ. Bất cứ gián đoạn nào trong nguồn cung có thể khiến giá khí đốt tăng cao hơn nữa, làm trầm trọng thêm nguy cơ suy thoái kinh tế.