"Chúng tôi đã trao đổi ý kiến, nhưng chưa bao giờ hỏi và không bao giờ phải xin phép (nước khác) khi tiến hành các hoạt động quân sự", Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu nói, theo AFP.
"Chúng tôi sẽ không xin phép bất cứ ai trong cuộc chiến chống khủng bố. (Cuộc tấn công) có thể xảy ra đột ngột vào một đêm", ông nói thêm.
Phát ngôn nói trên lặp lại những lời cảnh báo trong nhiều tháng của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan về việc Thổ Nhĩ Kỳ sắp phát động một chiến dịch quân sự mới ở Syria. Đây sẽ là cuộc tấn công thứ năm kể từ năm 2016.
Hầu hết chiến dịch trước đây đều nhắm vào các chiến binh người Kurd mà Ankara cho rằng có liên quan tới một lực lượng đã tiến hành cuộc nổi dậy kéo dài hàng thập kỷ chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại cuộc họp của các ngoại trưởng NATO tại trụ sở ở Brussels, vào ngày 6/4. Ảnh: AP. |
Cả Nga và Iran đều có lực lượng quân sự hoặc dân quân tại các khu vực được cho là mục tiêu tấn công mới của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Washington đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế.
Lực lượng dân quân người Kurd đóng vai trò trung tâm trong chiến dịch do Mỹ dẫn đầu, chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria.
Bình luận của ông Cavusoglu được đưa ra 2 ngày sau hội nghị thượng đỉnh ở Tehran, nơi Nga và Iran có những bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ về hoạt động quân sự ở miền Bắc Syria.
Kế hoạch mở chiến dịch quân sự mới của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm dựng vùng đệm cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria 30 km về phía nam.
Ông Erdogan tuyên bố vùng đệm sẽ che chắn cho Thổ Nhĩ Kỳ khỏi các cuộc tấn công của người Kurd ở Syria do lực lượng dân quân YPG được Mỹ hậu thuẫn. Đồng thời, khu vực này cũng cung cấp không gian sống cho khoảng một triệu người tị nạn Syria đang ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, lãnh đạo tối cao Iran Khamenei phản đối mạnh mẽ với kế hoạch này. Ông cho rằng một cuộc tấn công như vậy chắc chắn sẽ gây tổn hại cho Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực.
Tổng thống Vladimir Putin gặp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (giữa) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) tại Tehran. Ảnh: AFP. |
Nga và Iran là những bên ủng hộ mạnh mẽ nhất chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ lực lượng nổi dậy chống Tổng thống Assad.
Phát biểu kết thúc cuộc gặp, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ba tổng thống nhất trí tiếp tục tham vấn về vấn đề Syria và cam kết duy trì nỗ lực "bình thường hóa" tình hình ở khu vực này sau một thập kỷ xung đột.