Xuất khẩu máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng nhanh, sánh ngang với Trung Quốc và làm lung lay cán cân quyền lực quân sự ở khu vực Kavkaz thuộc Trung Đông và Bắc Phi.
Kể từ cuối tháng 9, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan xôn xao về các video ghi lại cảnh máy bay vũ trang không người lái tấn công lực lượng quân đội Armenia bên trong vùng Nagorno-Karabakh, khu vực thuộc Azerbaijan do người Armenia ly khai cai quản.
“Nếu không có những máy bay này thì Azerbaijan sẽ rất khó khăn trong việc chọc thủng lực lượng quân sự có bề dày 30 năm, bao gồm cả xe tăng và pháo binh”, Tổng thống Azerbaijan, Ilham Aliyev, nói với kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ TRT hôm 5/9.
Tăng trưởng xuất khẩu máy bay quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ qua từng năm. Ảnh: Nikkei. |
Tuy nhiên, một số quốc gia khác lo ngại vấn đề này. Bộ trưởng Ngoại giao Canada, Francois-Philippe Champagne, mới đây thông báo ngừng cấp phép xuất khẩu các bộ phận của máy bay không người lái cho Thổ Nhĩ Kỳ để đánh giá "những cáo buộc cho rằng công nghệ của nước này được sử dụng trong cuộc xung đột quân sự Nagorno-Karabakh".
Đây là ví dụ cụ thể cho thấy việc sản xuất và xuất khẩu máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ đang được chú ý và cũng là lời thách thức với Trung Quốc, Israel và Mỹ.
Công ty Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, Baykar Defense, thông báo bán máy bay không người lái TB-2 cho Qatar và Ukraine năm 2018. Nhưng trên thực tế, những máy bay này được bán cho cả Libya và Azerbaijan. Giám đốc Công nghệ, Selcuk Bayraktar, nói với truyền thông công ty đã xuất khẩu sang bốn quốc gia nhưng không nêu cụ thể.
Theo đưa tin của Defense News vào tháng 3, hãng Turkish Aerospace Industries (TAI) đã có được đơn đặt hàng từ chính phủ Tunisia cho sáu máy bay ANKA-S và ba trạm điều khiển mặt đất, bao gồm cả việc chuyển giao công nghệ trị giá 240 triệu USD.
Ismail Demir, quan chức chính phủ phụ trách ngành công nghiệp quốc phòng cho biết: "Tôi nghĩ không có quốc gia nào hào phóng hơn Thổ Nhĩ Kỳ trong việc chuyển giao công nghệ".
Thị trường Châu Á tiềm năng
"Chúng tôi đặc biệt coi Pakistan, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines là những thị trường chiến lược", theo Giám đốc điều hành Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ, Temel Kotil.
"Nhiều quốc gia châu Á có nhu cầu do thám, giám sát và thu thập thông tin tình báo trên các vùng biển và đất liền rộng lớn. Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ mật thiết về văn hóa, chính trị và quân sự với các nước Hồi giáo như Pakistan, Indonesia và Malaysia”, theo nhà phân tích quốc phòng, Arda Mevlutoglu.
Máy bay không người lái TB-2. Ảnh: 112 International. |
Thổ Nhĩ Kỳ trước đây từng sử dụng máy bay không người lái của Israel trong cuộc chiến chống lại nhóm người Kurd ly khai. Nhưng từ giữa những năm 2010, nước này bắt đầu tự sản xuất máy bay sau khi bị Mỹ từ chối giao thương.
Máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu được công nhận sau khi quân đội chia sẻ video về các cuộc tấn công. Cảnh quay máy bay TB-2 phá hủy một số hệ thống phòng thủ tên lửa Pantsir do Nga sản xuất ở Syria và Libya năm nay gây được tiếng vang với thế giới.
Các máy bay mới đã được thử nghiệm trong cuộc chiến chống lại các tay súng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq và các nhiệm vụ trinh sát liên quan đến đông Địa Trung Hải.
"Việc thử nghiệm trong thực tế là cơ hội cải thiện và nâng cấp nền tảng, tạo hấp dẫn với khách hàng", theo nhà phân tích Mevlutoglu.
Một buổi triển lãm máy bay của hãng TAI tại Jarkata. Ảnh: airbook.aero |
Các nước phương Tây và Israel đang áp đặt những điều kiện nghiêm ngặt trong việc bán máy bay. Do đó, nhiều quốc gia Trung Đông và Bắc Phi buộc phải chuyển sang Trung Quốc - đối thủ cạnh tranh chính của Thổ Nhĩ Kỳ.
Giám đốc chương trình An ninh và Quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, Can Kasapoglu, cho biết: "Máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đắt hơn của Trung Quốc nhưng lại rẻ hơn máy bay của Israel và Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc không có các dịch vụ sau bán hàng như Thổ Nhĩ Kỳ".
Còn nhiều thách thức
Ngành công nghiệp máy bay quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải đối mặt với những thách thức sau lệnh nới lỏng xuất khẩu máy bay của Mỹ vào tháng 7 vừa qua.
Chính sách đối ngoại mới của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một cản trở cho việc xuất khẩu vì những mâu thuẫn với các quốc gia phương Tây, vốn là các nhà cung cấp công nghệ và linh kiện quan trọng. Những rủi ro như vậy đang buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải xem xét việc nội địa hóa hoặc đa dạng chuỗi cung ứng của mình.
Tuy nhiên, hãng TAI vẫn khẳng định: "Chúng tôi tự tin vào tất cả những dự án, bao gồm việc cạnh tranh với Trung Quốc".