Lãnh đạo đảng chính trị cực hữu Đan Mạch Stram Kurs Rasmus Paludan biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm, Thụy Điển, ngày 21/1. Ảnh: TT News Agency. |
"Chúng tôi lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể đối với cuộc tấn công tội tệ phá hoại cuốn kinh thiêng liêng của chúng tôi. Việc cho phép hành động chống Hồi giáo này diễn ra - nhắm vào người Hồi giáo và xúc phạm các giá trị thiêng liêng của chúng tôi dưới chiêu bài tự do ngôn luận - là hoàn toàn không thể chấp nhận được", Reuters dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.
Nói về sự kiện hôm 21/1, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu gọi đây là một “tội ác thù ghét”.
Cuộc biểu tình ở Stockholm cũng bị ông İbrahim Kalın, cố vấn trưởng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan, chỉ trích. “Việc đốt kinh Qur’an ở Stockholm là một tội ác rõ ràng của lòng căm thù. Chúng tôi kịch liệt lên án điều này", ông viết trên Twitter.
"Cuộc tấn công vào các giá trị thiêng liêng không phải là tự do mà là sự man rợ hiện đại”, ông nói thêm.
Các tuyên bố từ phía Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra sau khi một chính trị gia cực hữu đốt một bản sao kinh Qur'an gần Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Stockholm. Ông Stram Kurs Rasmus Paludan - lãnh đạo đảng chính trị cực hữu Hard Line của Đan Mạch, người cũng có quốc tịch Thụy Điển - đã có bài phát biểu dài một giờ chống lại đạo Hồi và vấn đề nhập cư trước khi đốt bản sao của kinh Qur'an.
Ông này trước đây đã tổ chức một số cuộc biểu tình đốt kinh Qur'an khác.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập đại sứ Thụy Điển về việc nước này cấp phép cho cuộc biểu tình của ông Paludan.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Thụy Điển có những hành động cần thiết chống lại ông Paludan và những người liên quan, đồng thời kêu gọi những nước khác thực hiện các bước cụ thể chống lại hành động bài Hồi giáo.
Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Tobias Billstrom phản đối các hành động khiêu khích và bài Hồi giáo. "Thụy Điển có quyền tự do ngôn luận sâu rộng, nhưng điều đó không có nghĩa là chính phủ Thụy Điển, hoặc bản thân tôi, ủng hộ các quan điểm này", ông Billstrom viết trên Twitter.
Các cuộc biểu tình hôm 21/1 chống lại Thổ Nhĩ Kỳ cũng như nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển, bao gồm cả việc đốt bản sao kinh Qur'an, làm gia tăng căng thẳng giữa 2 nước vào thời điểm Stockholm cần sự đồng ý của Ankara để gia nhập liên minh quân sự.
Cùng ngày 21/1, Ankara đã hủy chuyến thăm được lên lịch vào ngày 27/1 của Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pål Jonson đến Thổ Nhĩ Kỳ, dự định thảo luận về việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối phê chuẩn việc gia nhập NATO của Thụy Điển.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết cuộc họp bị hủy vì "đã mất đi tầm quan trọng và ý nghĩa".
Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine, nhưng vấp phải sự trì hoãn từ Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên lâu năm của liên minh.
NATO ra quyết định dựa trên sự đồng thuận, do đó, hai quốc gia Bắc Âu này cần có sự chấp thuận của tất cả 30 quốc gia thành viên.
Ankara đã cáo buộc các nước Bắc Âu, chủ yếu là Thụy Điển, tài trợ cho những người mà họ coi là khủng bố, bao gồm các thành viên của đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Stockholm và Helsinki phủ nhận cáo buộc của Ankara nhưng cam kết hợp tác để giải quyết các mối lo ngại về an ninh.
Những cuốn sách hay về châu Âu
Zing giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Âu, khu vực có bề dày lịch sử được mệnh danh là "lục địa già".
Độc giả có thể xem thêm tại đây.