“Đây là vấn đề lợi ích quốc gia, và chúng tôi sẵn sàng ngăn họ gia nhập trong hơn một năm nếu cần thiết”, Akif Cagatay Kilic, Chủ tịch ủy ban đối ngoại của Quốc hội Thụy Điển, cho biết ngày 14/6.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu cáo buộc Phần Lan và Thụy Điển tài trợ cho đảng Công nhân người Kurd (PKK) - bị Ankara, Mỹ và EU coi là tổ chức khủng bố. Nước này cũng dự kiến tổ chức cuộc gặp bên lề thượng đỉnh NATO - diễn ra vào ngày 29-30/6 - về vấn đề này.
"Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội lớn thứ hai ở NATO và đã cung cấp nhiều máy bay không người lái để giúp Ukraine tự vệ. Chúng tôi xứng đáng nhận được sự tôn trọng lớn hơn", ông Kilic nói.
Trong chuyến thăm đến Thụy Điển ngày 14/3, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cảnh báo việc gia nhập có thể bị đóng băng nếu các bên không giải quyết được những mâu thuẫn trước thượng đỉnh NATO, theo Guardian.
Akif Cagatay Kilic, nghị sĩ đảng cầm quyền AKP tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Guardian. |
Hôm 10/6, Thụy Điển đã cố gắng xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ bằng việc công bố tài liệu chính sách đối ngoại, nhấn mạnh sự cần thiết chống lại chủ nghĩa khủng bố, và mở đường để Thụy Điển tái xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ - đã bị hạn chế từ năm 2019 do Ankara can thiệp quân sự vào miền Bắc Syria.
So với Thụy Điển, Phần Lan ít có những tranh chấp hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Helsinki nhiều khả năng sẽ không gia nhập NATO nếu thiếu nước láng giềng.
Truyền thông Phần Lan cho biết nước này đã nhận 10 đề nghị từ Thổ Nhĩ Kỳ để dẫn độ người Kurd trong giai đoạn 2019-2022, đã chấp thuận hai đề nghị và đang xử lý 7 đề nghị.