Những người biểu tình ủng hộ chính quyền ông Erdogan tại quảng trường Taksim ở Istanbul. (Ảnh: Reuters) |
Reuters đưa tin tình hình ở đất nước vắt ngang châu Âu-châu Á hiện vẫn rất căng thẳng sau khi có tới 20.000 cảnh sát, lính quân đội, thẩm phán và các viên chức nhà nước bị bắt hoặc cách chức vì được cho là liên quan tới cuộc đảo chính bất thành cuối tuần trước.
Tổng thống Tayyip Erdogan và chính quyền vẫn đang cáo buộc giáo sỹ Fethullah Gulen, nguyên là cựu đồng minh của ông Erdogan, là người cầm đầu cuộc đảo chính bất thành đêm 15-7.
Ankara hiện đang gây sức ép lên Washington, đồng minh thân cận của nước này, để dẫn độ giáo sĩ 75 tuổi này này về nước.
Ông Gulen thì bác bỏ mọi cáo buộc liên quan, chỉ trích chính quyền Ankara đang lấy cớ để tiến hành đàn áp lực lượng quân đội, cảnh sát và tư pháp.
Phó thủ tướng Numan Kurtulmus nói hiện có hơn 9.322 người đang bị điều tra do liên quan tới vụ đảo chính.
Ngay trong dinh thủ tướng, 257 viên chức (tương đương với 10% toàn bộ nhân viên ở đây) đã bị cách chức do nghi ngờ liên quan tới vụ đảo chính.
Cơ quan tình báo quốc gia nước này cũng đã sa thải 100 người do nghi ngờ có liên quan.
Thủ tướng Binali Yildirim đã chỉ trích Washington là tiêu chuẩn kép và nói bộ tư pháp của ông đã gửi đầy đủ hồ sơ về Gulen, một cựu đồng minh của Erdogan.
Trong bài phát biểu mạnh mẽ ở quốc hội, thủ tướng Yildirim tuyên bố, “chúng ta sẽ đào chúng lên tận gốc để không tổ chức khủng bố bí mật nào có gan phản bội người dân chúng ta lần nữa.”
Tình hình căng thẳng ở Thổ Nhĩ Kỳ là mối lo cho các nước phương Tây khi Ankara nằm ngay sát Syria, nơi cuộc chiến chống IS đang diễn ra quyết liệt.
Các lãnh đạo phương Tây dù bày tỏ ủng hộ chính quyền Erdogan nhưng đồng thời cũng bày tỏ lo ngại về phản ứng quá cứng rắn sau đảo chính và yêu cầu Ankara tuân thủ các nguyên tắc dân chủ.