Xuất thân từ một gia đình lao động ở thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô, sau khi học xong cấp hai, Xa Kiến Tân (Che Jianxin) học nghề mộc thay vì học tiếp cấp ba. Khi Trung Quốc trải qua thời kỳ đổi mới trong thập niên 80, thợ mộc Kiến Tân khởi nghiệp chỉ với 600 nhân dân tệ mà ông vay người thân và bạn bè.
Ngày nay, Red Star - doanh nghiệp do Kiến Tân thành lập - là chuỗi siêu thị nội thất lớn nhất Trung Quốc, chiếm khoảng 1/3 doanh số nội thất trên cả nước. Ở những thành phố lớn nhất như Bắc Kinh, Thượng Hải, siêu thị của Red Star là những tòa nhà hoành tráng, nổi bật giữa những khu phố đông đúc. Tính tới đầu năm 2016, công ty đã mở 163 siêu thị tại hơn 120 thành phố trên khắp Trung Quốc. Giá trị tài sản của ông vào khoảng 2,9 tỷ USD, theo dữ liệu của Forbes.
“Về cơ bản, doanh nhân Trung Quốc chỉ có thể vươn tới thành công qua học tập”, Kiến Tân nhận định.
Xa Kiến Tân lớn lên trong một gia đình nông dân ở Chiết Giang và bắt đầu kiếm sống bằng nghề mộc từ khi chưa tới tuổi trưởng thành. Ảnh: SCMP. |
Vị doanh nhân 50 tuổi kể rằng, khi tới thành phố để làm việc, ông còn không biết cách đi trên phố.
“Anh trai tôi nói rằng tôi phải đi bên phải. Nhưng tôi không có thói quen ấy khi còn sống ở nông thôn. Ngay lúc ấy tôi nhận ra rằng tôi phải học từ cách đi”, ông nói.
Mặc dù Red Star liên tục đổi mới, Kiến Tân khẳng định ông vẫn giữ một nguyên tắc và chính nó đã giúp Red Star vượt qua các đối thủ quốc tế.
“Chúng tôi giúp khách hàng làm mọi việc. Đó là kiểu phục vụ người Trung Quốc thích. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội thất nước ngoài lại để khách hàng tự làm mọi việc. Ngoài ra, các siêu thị của chúng tôi rất lớn nên khách hàng có nhiều lựa chọn hơn. Một siêu thị của Red Star lớn gấp 10 lần siêu thị của B&Q (một thương hiệu nội thất của Anh tại Trung Quốc)”, ông tiết lộ bí quyết để cạnh tranh với các đối thủ từ nước ngoài.
Kingfisher, tập đoàn sở hữu thương hiệu B&Q, phải bán 70% số siêu thị sau khi lỗ liên tục trong 8 năm tại Trung Quốc. Động thái này diễn ra hai năm sau khi thương hiệu nội thất Home Depot của Mỹ phải đóng toàn bộ cửa hàng ở đại lục.
"Vua nội thất" nói với South China Morning Post rằng ông thành công vì học hỏi tính cần cù và tiết kiệm từ cha.
“20 năm trước, khi tôi bắt đầu kinh doanh, tôi thường xuyên làm việc tới nửa đêm và thức giấc lúc 6h sáng. Tôi chưa bao giờ tỏ ra lười biếng”, ông kể.
Kiến Tân buộc một số đối thủ ngoại phải rời khỏi thị trường Trung Quốc, song tình hình kinh tế trong nước hiện nay lại cản trở hoạt động kinh doanh của ông. Sự trầm lắng của thị trường bất động sản và nhu cầu trang trí nhà tụt dốc khiến lợi nhuận của các nhà bán lẻ nội thất giảm trong vài năm qua.
Để đối phó tình hình, Red Star mở các siêu thị ở những thành phố trực thuộc huyện, nơi quá trình đô thị hóa đang diễn ra khá nhanh.
“Đô thị hóa ở Trung Quốc mang đến tiềm năng rất lớn. Tôi tin kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh”, Kiến Tân bình luận.
Quản lý người tài là thách thức lớn nhất đối với Kiến Tân. Trong vòng một thập niên qua, Red Star đã đưa tới 1.000 nhân viên ra nước ngoài để đào tạo mỗi năm. Chỉ tốt nghiệp cấp hai, nhưng Kiến Tân yêu cầu mọi nhà quản lý cấp cao trong công ty phải hoàn thành chương trình thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA).
“Tôi cũng yêu cầu mọi nhân viên kết bạn với 3 tới 5 người có năng lực cao hơn họ mỗi năm”, ông nói.