Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nơi khách được tự thiết kế giày của mình

Bất chấp việc ly hôn, cặp vợ chồng cũ sáng lập dịch vụ sản xuất giày theo yêu cầu của khách hàng tiếp tục cùng nhau chèo lái công ty.

Jodie Fox và chồng cô, Michael Fox, thành lập công ty giày Shoes of Prey tại thành phố Sydney, Australia vào năm 2009, 3 năm sau khi họ kết hôn.

Cùng với Mike Knapp, một người bạn thời đại học của Jodie, họ lập trang web thương mại điện tử để khách hàng nữ có thể tự thiết kế giày của họ. Sau đó công ty sản xuất những mẫu giày khách hàng tự thiết kế tại nhà máy của họ ở Trung Quốc và giao hàng khắp thế giới, BBC đưa tin.

Hôn nhân tan vỡ vì làm việc cùng nhau

Trong lúc công việc kinh doanh phát triển mạnh, với hơn 6 triệu đôi giày được thiết kế trên trang web, cuộc hôn nhân của Jodie và Michael tan vỡ do áp lực của tình trạng làm việc cùng nhau. Họ ly hôn vào năm 2012. Mặc dù chấm dứt hôn nhân, cả hai đều tiếp tục làm việc ở Shoes of Prey.

Năm 2015, công ty rời trụ sở tới thành phố Los Angeles, Mỹ để hai người xâm nhập thị trường bán lẻ khổng lồ ở Mỹ. Jodie đảm nhiệm chức giám đốc sáng tạo, còn Michael là giám đốc điều hành.

“Làm việc cùng chồng cũ là trải nghiệm khó tả đối với tôi. Rất ít người đủ may mắn để vẫn làm việc cùng chồng cũ sau khi ly hôn, thảo luận với nhau một cách thuận lợi trong các cuộc họp và chứng kiến anh ấy làm việc với những người khác”, Jodie tâm sự.

Khởi nghiệp từ sở thích

Khi Jodie 25 tuổi, cô làm nhân viên tiếp thị ở thành phố Sydney. Trong thời gian rảnh cô tự thiết kế giày để tiêu khiển. 

“Các cô bạn gái của tôi thấy những giày mà tôi thiết kế và hỏi nguồn gốc của chúng. Vì thế tôi thiết kế giày cho họ”, cô nói.

Trong lúc thảo luận ý tưởng kinh doanh trên bãi biển Gold Coast tại bang Queensland vào năm 2009, Michael, Jodie và Mike quyết định mở rộng quy mô kinh doanh dựa trên sở thích của Jodie và phát triển một trang web giúp phụ nữ tự thiết kế giày theo ý muốn. Khách hàng có thể chọn 12 kiểu dáng giày, hơn 170 loại vải và màu sắc.

de che giay cua cap vo chong ly hon anh 1
Với máy tính bảng, khách hàng của Shoes of Prey có thể chọn 12 kiểu dáng giày, màu sắc và nguyên liệu để sở hữu đôi giày độc đáo, không lẫn với bất kỳ đôi giày nào khác. Ảnh: nodstrom.com.

Họ chọn cái tên Shoes of Prey (tạm dịch là "Giày của con mồi") vì Jodie luôn cho rằng mua hàng giống săn thú ở chỗ cả hai hoạt động đều mang lại cảm giác hồi hộp, phấn khích.

Trong vòng hai tháng công ty đã thu hồi vốn. Hai năm sau đó, doanh thu tăng lên vài triệu USD, với mức giá thấp nhất của mỗi đôi giày là 129 USD.

Sau khi rời trụ sở từ Australia sang Mỹ năm ngoái để khai thác thị trường bán lẻ khổng lồ ở đây, công ty đã thu được 24 triệu USD từ những quỹ đầu tư cá nhân.

Quảng bá hình ảnh bằng video về kỹ năng

Ngoài hôn nhân tan vỡ, Jodie còn phải chống chọi trạng thái trầm cảm và nỗi sợ hãi rằng cô không xứng đáng điều hành một công ty thành công. 

“Hai trạng thái ấy khá phổ biến trong thế giới doanh nhân. Rất nhiều chủ doanh nghiệp cảm thấy họ không đủ năng lực hoặc xứng đáng với vị trí hiện tại”, cô nói.

Do những khó khăn phát sinh trong công việc hàng ngày, Jodie – hiện sống ở thành phố Santa Monica, bang California, Mỹ - rất tâm huyết với việc thảo luận với người khác các thách thức trong kinh doanh.

“Thất bại là trải nghiệm thường xuyên trong cuộc đời của một doanh nhân. Tôi thất bại nhiều lần mỗi ngày. Chắc chắn số lần thất bại tôi đã trả qua lớn hơn nhiều số lần thành công”, cô nhấn mạnh.

de che giay cua cap vo chong ly hon anh 2
Jodie Fox cùng những đôi giày do khách hàng của cô thiết kế. Ảnh: theage.com.au.

Để chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, Jodie mở kênh riêng trên trang YouTube để đăng những video với tiêu đề kiểu như “Bí quyết kinh doanh cho người nhút nhát” hay “Có thể cân bằng công việc và cuộc sống không?”. Cô cũng đăng những video về phong cách sống. Những video ấy giúp Jodie – người đại diện cho thương hiệu của công ty – kết nối với khách hàng.

James Stewart, trưởng phòng nghiên cứu bán lẻ của công ty tư vấn Ferrier Hodgson ở Australia, nhận định rằng cách của Jodie rất phù hợp đối với một công ty phụ thuộc vào tương tác với khách hàng.

“Khách hàng thường mua một sản phẩm dựa trên một thương hiệu do thương hiệu ấy đặc biệt và họ có thể khoe nó với bạn bè và gia đình. Ngày nay các thương hiệu xa xỉ xuất hiện ở khắp nơi. Vì thế, để người tiêu dùng có trải nghiệm mua hàng thực sự khác biệt, các doanh nghiệp khắp thế giới đang đẩy mạnh xu hướng cá nhân hóa và phối hợp các sản phẩm”, James nói.

Phản ứng linh hoạt với thực tế

Suốt một thời gian dài Shoes of Prey không nghĩ tới việc mở cửa hàng, bởi cửa hàng có vẻ không phù hợp với một ngành kinh doanh chỉ dựa vào hoạt động thiết kế trên trang web. Tuy nhiên, cả 3 người sáng lập công ty đều nhận ra họ cần cửa hàng khi khách hàng bắt đầu xuất hiện ở văn phòng của họ ở Sydney để mua giày.

“Họ thường bước vào mọi bàn trong văn phòng và hỏi những câu đại loại như: Chúng tôi muốn mua vài đôi giày”, Jodie kể.

de che giay cua cap vo chong ly hon anh 3
3 người sáng lập Shoes of Prey - gồm Mike Knapp (ngoài cùng bên phải), Jodie Fox (giữa) và Michael Fox (ngoài cùng bên trái). Ảnh: Shoes of Prey.

Vì thế, vào năm 2013, Shoe of Prey mở cửa hàng đầu tiên tại thành phố Sydney. Khách hàng có thể tới cửa hàng và dùng máy tính bảng để thiết kế giày theo ý của họ trước khi chọn nguyên liệu trong cửa hàng.

Hiện tại Shoes of Prey có 5 cửa hàng ở Mỹ và sẽ tiếp tục mở thêm. Hiện tại công ty thuê 220 nhân viên.

Làm việc với chồng cũ là một thách thức lớn đối với Jodie, nhưng cô nói đó là vấn đề rất “con người”.

“Chúng tôi phải chấp nhận thực tế là chúng tôi không còn yêu nhau, nhưng chúng tôi cùng hướng tới một mục tiêu”, cô thổ lộ.

Vượt qua bi kịch để thành doanh nhân triệu phú

Giọng của Jocelyn Chng, một trong những doanh nhân triệu phú, trở nên nghẹn ngào khi cô kể lại thời thơ ấu nghèo khó trong thập niên 70 ở Singapore.




Phạm Nga

Bạn có thể quan tâm