Lo ngại về tác động tiêu cực của tình trạng thiếu ngủ đối với khả năng làm việc của người lao động, hãng bảo hiểm Aetna khuyến khích nhân viên đăng ký một chương trình để nhận phần thưởng cho việc ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm, BBC đưa tin.
Nhân viên của Aetna tham gia chương trình có thể nhận 25 USD cho 20 đêm mà trong đó họ ngủ 7 giờ trở lên. Nếu họ có thể làm như thế trong 12 tháng, họ sẽ nhận 300 USD.
Ra đời vào năm 2009, trong năm ngoái chương trình thu hút khoảng 12.000 trong tổng số 25.000 nhân viên của công ty. Những người tham gia chương trình ghi lại thời gian họ ngủ mỗi đêm và ban lãnh đạo công ty tin tưởng những con số về thời gian ngủ mà nhân viên cung cấp.
Bà Kay Mooney, phó chủ tịch phụ trách phúc lợi nhân viên của Aetna, nói rằng chương trình ngủ là một trong nhiều hành vi lành mạnh mà công ty muốn nhân viên theo dõi. Người lao động của Aetna cũng nhận thêm tiền nếu họ tập thể dục.
Kay nói thêm rằng, với chương trình ngủ, Aetna muốn tự coi họ là một “phòng thí nghiệm sống” để xem ngủ đủ giấc có thể phát huy tác dụng đối với tất cả người lao động hay không.
Về nguy cơ nhân viên có thể khai khống thời gian ngủ để hưởng tiền thưởng, Kay nói rằng ban lãnh đạo công ty không lo ngại vì họ tin tưởng nhân viên.
Tổn thất đối với nền kinh tế
Một số nghiên cứu chứng minh tình trạng thiếu ngủ có thể ảnh hưởng lớn tới khả năng làm việc của con người.
Chỉ riêng tại Mỹ, theo một nghiên cứu vào năm 2011, người lao động có thể mất 11,3 ngày làm việc hoặc 2.280 USD mỗi năm do thiếu ngủ. Nếu nhân những con số đó với toàn bộ lực lượng lao động, nền kinh tế Mỹ tổn thất 63,2 tỷ USD mỗi năm.
Trong khi đó, một nghiên cứu do Tập đoàn Rand thực hiện tại châu Âu cho thấy, nếu người lao động ngủ dưới 7 hoặc 8 tiếng mỗi đêm, năng suất lao động của họ sẽ giảm nhiều hơn so với những người ngủ nhiều hơn 8 tiếng mỗi đêm.
Các nhà nghiên cứu của Đại học California tại thành phố San Francisco, Mỹ cảnh báo tình trạng thiếu ngủ có thể tàn phá sức khỏe của con người. Họ nhận thấy những người ngủ dưới 6 tiếng mỗi đem có nguy cơ nhiễm cảm lạnh cao gấp 4 lần so với người khác nếu phơi nhiễm với virus.
Bài học của giới doanh nhân
Arianna Huffington, người sáng lập kiêm tổng biên tập trang Huffington Post, đang tự thực hiện chiến dịch thuyết phục doanh nhân ngủ đủ giấc.
Nữ nhà báo kể rằng, tới tận năm 2007, cô vẫn là hình mẫu của những người hy sinh giấc ngủ để vươn tới thành công. Mỗi đêm Arianna chỉ ngủ khoảng 3 giờ nhưng làm việc tới 18 giờ. Tình hình chỉ thay đổi vào một ngày mà cô phải rời khỏi văn phòng vì kiệt sức.
“Trong nhiều năm, tôi tin vào quan niệm sai lầm về thành công: Làm việc điên cuồng là cái giá cần thiết để thành công. Nhưng trên thực tế tôi không tận hưởng một cuộc sống của người thành đạt theo mọi khái niệm điên rồ nhất về thành công. Tôi biết tôi phải thay đổi hoàn toàn, chứ không thể tiếp tục sống như thế”, Arianna kể.
Với suy nghĩ mới, Arianna quyết tâm ngủ ít nhất 8 giờ mỗi đêm. Cô dùng rèm trong buồng ngủ và để mọi thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính bảng ra khỏi giường. Thói quen đó đã thay đổi cuộc sống của Arianna, khiến khả năng làm việc của cô thay đổi rất lớn.
Vì thiếu ngủ, nhiều doanh nhân không thể tận hưởng cuộc sống của người thành công. Ảnh: BBC. |
Jennifer Evans, người đồng sáng lập công ty tiếp thị Squeeze CMM ở Canada, thừa nhận rằng cô vẫn chưa ngủ đủ giấc mặc dù đôi khi tình trạng thiếu ngủ khiến cô gặp rắc rối.
“Khi tôi mệt, ra quyết định trở thành việc khó khăn hơn. Tôi từng ra vài quyết định tồi khi thiếu ngủ”, nữ doanh nhân 46 tuổi thừa nhận.
Song Jennifer có quá nhiều việc cần giải quyết nên cô không thể ngủ sớm.
Ngược lại, Sabrina Parsons, một nữ doanh nhân Mỹ 42 tuổi, nói rằng cô đánh giá cao giấc ngủ đầy đủ bởi nó giúp cô tăng hiệu quả công việc.
“Mỗi khi tôi mệt, tôi không thể tư duy nhanh”, Sabrina, chủ công ty phần mềm Palo Alto tại thành phố Eugene, bang Oregon, phát biểu.
Do ngày càng nhiều doanh nhân nhận ra những hậu quả phát sinh từ tình trạng thiếu ngủ, một ngành công nghiệp đã ra đời để giúp xã hội giải quyết vấn đề.
Els van der Helm là một chuyên gia cố vấn giấc ngủ tại thành phố Amsterdam, Hà Lan. Cô từng tư vấn cho vô số doanh nhân đang điều hành các công ty toàn cầu.
“Giấc ngủ là yếu tố quan trọng để người lao động nghĩ ra các giải pháp sáng tạo, nghiên cứu các quá trình và kết hợp mọi thứ một cách thông minh. Nếu ngủ không đủ giấc, con người sẽ mất khả năng đánh giá hoạt động của bản thân”, cô phát biểu.