Pink Taxi là tên một hãng taxi chỉ tuyển nữ tài xế ở thành phố Cairo, thủ đô của Ai Cập, Guardian đưa tin.
Sự ra đời của hãng rất có ý nghĩa, bởi Ai Cập là một trong những nước mà nạn quấy rối tình dục diễn ra phổ biến nhất thế giới. Theo số liệu của Liên hợp quốc, tới 99,3% phụ nữ Ai Cập là nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục. Chẳng hạn, chỉ trong 4 ngày mà lễ hội Eid al-Adha diễn ra ở thủ đô Cairo hồi tháng 9/2015, cảnh sát phải đối phó 447 vụ quấy rối tình dục.
"Đây không phải là xe taxi, mà là xe limousine. Cái tên Pink Taxi chỉ là cách để chúng tôi quảng cáo", Reem Fawzi, người sáng lập hãng, tuyên bố.
Những nữ tài xế của hãng Pink Taxi tại một khu vực ngoại ô thành phố Cairo, Ai Cập. Ảnh: Pink Taxi. |
Xuất hiện trên hàng loạt chương trình nói chuyện trên đài truyền hình, Reem cam kết rằng hãng taxi của cô bảo đảm sự riêng tư và an toàn cho mọi hành khách.
Theo cô, nếu ai đó gõ chữ "tài xế taxi Ai Cập" vào Google, họ sẽ thấy nó gợi ý những cụm từ như "tài xế taxi giết người", "tài xế taxi hiếp dâm", "tài xế taxi trộm tài sản".
Những biện pháp an toàn
Với Pink Taxi, Reem hy vọng cô sẽ giảm thiểu nguy cơ cho phụ nữ và các gia đình khi họ sử dụng dịch vụ vận chuyển. Toàn bộ tài xế của hãng là nữ giới và khách hàng phải đặt xe từ trước.
"Khách hàng phải gửi một bản scan thẻ căn cước cho hãng để đảm bảo sự an toàn cho nữ tài xế", Reem nói thêm.
Xe của Pink Taxi có camera và microphone để ghi âm và hình mọi hoạt động hàng ngày. Trung tâm điều hành có thể bấm một nút để dừng taxi từ xa trong trường hợp cần thiết.
Maram Hany, một sinh viên, gia nhập Pink Taxi để kiếm thêm thu nhập và góp phần bảo vệ phụ nữ. Cô phải học lái xe và thay lốp trong 3 tháng. Dù hào hứng, nữ sinh viên thừa nhận cô vẫn gặp một số vấn đề.
"Những tài xế nam ở các hãng taxi khác thường trêu ghẹo hoặc quấy rối chúng tôi. Nhưng hãng đào tạo kỹ năng để chúng tôi xử lý những tình huống như thế. Giải pháp của chúng tôi là: Tiếp tục lái xe", Maram kể.
Mervat al-Badry, một cựu tiếp viên hàng không đang làm việc cho Pink Taxi, nói rằng lái xe trên phố tại Cairo là một thách thức lớn. "Nhiều nam giới nói rằng phụ nữ không thể lái taxi ở Cairo vì họ không giỏi trong việc nhớ đường. Chúng tôi coi đó là một thử thách cần phải vượt qua. Nhiều phụ nữ đang lái cả máy bay, tại sao chúng tôi thể lái taxi chứ?", cô lập luận.
Sự chỉ trích của dư luận
Nhiều nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ chỉ trích Pink Taxi, cho rằng Reem chỉ cố gắng lôi kéo khách hàng bằng màu sắc và kiểu dáng của xe. Theo họ, Reem chỉ góp phần khiến tình trạng tách biệt giới tính thêm trầm trọng.
"Thông điệp của Pink Taxi đối với phụ nữ như sau: Quấy rối tình dục là hành vi chúng ta không thể tránh. Dịch vụ của chúng tôi là cách để các bạn thích nghi với thực trạng ấy", Dalia Abdel-Hameed, giám đốc chương trình về giới của Quỹ Sáng kiến đối với quyền cá nhân tại Ai Cập, phát biểu.
Nhiều người cáo buộc người sáng lập Pink Taxi tận dụng nỗi sợ mất an toàn của phụ nữ để kinh doanh. Ảnh: Pink Taxi. |
Các trường công của Ai Cập có truyền thống tách nam sinh và nữ sinh sang những khu riêng. Trong vài năm gần đây, những tàu điện, quán cafe, phòng tập gym, bể bơi và thậm chí bãi biển dành cho nữ cũng xuất hiện. Một số người lo ngại rằng tình trạng ấy càng củng cố quan niệm rằng phụ nữ không thể an toàn ở nơi công cộng.
"Cô Reem Fawzi đang lợi dụng sự sợ hãi để kiếm lời. Hầu như ngày nào tôi cũng ngồi taxi và chẳng gặp vấn đề gì. Phần lớn hành vi quấy rối tình dục phụ nữ diễn ra trên các đường phố, chứ không phải trong xe taxi", cô Basma Mohamed, một nhà hoạt động xã hội, bình luận.
Theo cô, giá dịch vụ của Pink Taxi quá cao và các xe chỉ chạy trong phạm vi thành phố Cairo.
Quả thực mức giá thấp nhất cho một cuốc xe Pink Taxi là 35 bảng Ai Cập, còn mức cao nhất lên tới 210 bảng, trong khi mức lương trung bình trên cả nước là 1.200 bảng Ai Cập.
Song đối với một số phụ nữ, giá cả không phải là vấn đề đáng quan tâm.
"Nếu tôi tới một sự kiện với trang phục và trang sức đắt tiền, tôi sẵn sàng trả gấp đôi giá của Pink Taxi để mua sự an toàn", Maha Mohamed, một nữ sinh viên, giải thích.