Cầm trên tay chiếc bánh mỳ vừa mua, chị Thanh Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc nói: “Bánh mỳ đã tăng thêm 5.000 đồng mà đến miếng thịt lại còn mỏng hơn nữa, chỗ nào cũng tăng giá như này thì biết sống thế nào”.
Theo ghi nhận của Zing.vn, sau một thời gian chững giá, mấy ngày gần đây, giá thị lợn lại tiếp tục tăng nhanh trở lại. Hiện giá lợn hơi ở miền Bắc đã vượt mức kỉ lục lên 90.000 đồng/kg. Thậm chí, tại chợ Nhân Chính, giá sườn non loại 1 được tiểu thương bán với mức 280.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.
Hàng ăn “đau đầu” vì giá thịt lợn lại tăng
Trước áp lực giá thịt lợn liên tục tăng nhanh, nhiều cửa hàng ăn như bánh mỳ, bún chả nướng, lẩu, nướng… đồng loạt treo biển tăng giá bán.
Trước áp lực giá thịt lợn liên tục tăng cao, nhiều cửa hàng kinh doanh các thực phẩm liên quan đến thịt lợn đồng loạt tăng giá hoặc giảm phần ăn. Ảnh: Thanh Thương. |
Tại một số cửa hàng chuyên kinh doanh đồ ăn trên địa bàn Hà Nội, mức tăng giá phổ biến vào khoảng 5.000-10.000 đồng/suất. Bánh cuốn tăng khoảng 5.000 đồng/suất; bánh mỳ pate chả ở mức 15.000 đồng/chiếc nay tăng giá lên 20.000-25.000 đồng/chiếc; bún đậu đang có giá 25.000 đồng/suất nay cũng tăng giá lên 30.000-35.000 đồng/suất...
Chỉ tay về khay thịt trên quầy đồ ăn, chị Nguyễn Thu Hương, chủ một quán bánh mỳ trên đường Nguyễn Tuân, cho hay hơn 1 tháng trở lại đây, quán chị gặp rất nhiều khó khăn do giá thịt tăng nhanh. Bánh mỳ đa phần là các món từ thịt lợn như thịt ba chỉ, pate, thịt băm, chả… nên chị đành phải tăng giá bán.
"Tôi mới nâng giá lên mấy ngày gần đây thôi. Thật ra bán bánh mỳ cho học sinh, sinh viên là chính nên không muốn tăng giá đâu, nhưng mấy ngày trước giá thịt tăng cao quá thì hết chịu nổi. Không tăng giá thì lỗ mất", chị chủ quán tâm sự.
Tình trạng cũng giống chị Hương, chị Hằng - chủ một cửa hàng bánh cuốn trên đường Trung Yên, than thở: “Đi nhập thịt với chả về bán mà chóng mặt vì giá cả. Chả lụa, chả quế, giò… đều tăng từ mức 130.000-140.000 đồng/kg lên 190.000 đồng/kg”.
“Nếu không tăng giá bán để bù giá nhập hàng thì chẳng mấy chốc cửa hàng phải đóng cửa vì lỗ. Chỉ mong thịt lợn đừng tăng giá nữa, nếu không, chúng tôi lại phải điều chỉnh giá lần nữa”, bà Huệ buồn rầu nói.
Cùng “số phận” với bánh mỳ, bánh cuốn, bún chả … các quán cơm bình dân cũng tăng thêm khoảng 5.000 đồng/suất. Theo các chủ cửa hàng, do khách ăn quen mức giá trước đây nên nếu tăng "sốc" sẽ mất khách. Tăng giá bán thì cũng phải giảm bớt lượng thức ăn ở mỗi suất, để đảm bảo đủ chi phí và có chút lãi.
Đi đâu cũng thấy tăng giá
Giá thịt lợn tăng nhanh chóng mặt kéo theo giá hàng quán cũng tăng theo khiến người dân Hà Nội khốn đốn. Nhiều người tỏ ra đồng thuận, cho rằng thịt tăng thì hàng ăn cũng có thể điều chỉnh giá cả cho hợp lý với giá cả thị trường.
Giá thịt lợn đạt đỉnh đã khiến nhiều hàng quán phải tăng giá để tránh lỗ. Ảnh: Thanh Thương. |
“Ngày trước một đĩa cơm là 25.000 đồng nhưng hôm nay chủ cửa hàng thông báo tăng lên 30.000 đồng/suất. Hỏi ra mới biết do giá thịt lợn tăng cao nên tôi cũng đành chấp nhận”, anh V. Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.
Tuy nhiên, một số người lại tỏ ra khá bất bình trước thực trạng tăng giá bán này. Chị Thu Trang, một nhân viên văn phòng, cho hay: “Mấy hôm nay, đi ăn ở đâu cũng thấy tăng giá, bún đậu lên 35.000 đồng/ suất, cơm cũng tăng 40.000 đồng/ suất, cứ mỗi chỗ tăng một ít như thế này chắc tôi tự nấu ăn mang đi cho tiết kiệm”.
“Đã tăng giá tiền rồi mà còn bớt thịt, đi làm có tiền còn đỡ chứ sinh viên như mình sao chịu nổi”, Quỳnh Thương, sinh viên năm cuối tại một trường đại học thở dài nói.
Sống một mình nên Nguyễn Đức (Thanh Xuân, Hà Nội) thường xuyên đi ăn quán. Đức tâm sự: “Tưởng chuyện thịt lợn tăng giá không ảnh hưởng đến mình vì mình không nấu ăn, nhưng thực ra không phải. Từ bữa sáng đến bữa tối, chỗ nào cũng tăng giá, tính sơ sơ một ngày mình mất thêm 25.000-30.000 đồng vì thịt lợn tăng giá rồi”.
Nhiều người dân lo ngại, với đà tăng giá này, có lẽ Tết năm nay, giá thịt có nguy cơ tăng cao nữa, các hàng quán cũng theo đó nâng giá, ảnh hưởng rất nhiều tới sinh viên, người lao động có đời sống cũng rất khó khăn.