UBND TP.HCM vừa có văn bản báo cáo về các khó khăn, vướng mắc của Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.HCM gồm tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương. Văn bản này được gửi tới Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên đã được Thủ tướng chấp thuận chủ tương đầu tư vào năm 2006. Năm 2007, UBND TP.HCM phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 1.091 triệu USD. Sau khi điều chỉnh, tổng mức đầu tư cho dự án đến giữa năm 2011 là 2.491 triệu USD.
Những đoạn đầu tiên của đường ray tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đã được lắp đặt. Ảnh: Lê Quân. |
Theo UBND TP.HCM, có ba nguyên nhân chính dẫn tới việc đội giá so với thời điểm duyệt thầu năm 2007. Thứ nhất là tăng khối lượng xây dựng nhằm đem lại hiệu quả đầu tư và khai thác cao hơn cho dự án như: đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga... Thứ hai là sự biến động khách quan của nguyên – nhiên vật liệu do trượt giá và việc tăng lương tối thiểu từ năm 2006-2009. Thứ ba là cập nhật tỷ giá Yên Nhật – Việt Nam đồng và tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá theo quy định mới.
Theo UBND TP.HCM, tư vấn độc lập là Công ty CPG (Singapore) đã thực hiện thẩm tra và kết luận tổng mức đầu tư mới của dự án là phù hợp. JICA cũng không phản đối báo cáo thẩm tra của Tư vấn độc lập và kết luận tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án do NJPT lập là phù hợp, đồng thời cam kết sẽ xem xét việc tăng vốn ODA cho dự án.
Đường hầm từ nhà ga Ba Son đến Nhà hát Thành phố đã hoàn thành. Ảnh: Lê Quân. |
Tuy nhiên, từ tháng 9/2016, việc giao kế hoạch vốn ODA của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dành cho dự án không đáp ứng khả năng giải ngân thực tế, dẫn tới việc thanh toán cho các gói thầu của dự án phải tạm ngưng, các nhà thầu giảm tốc độ thi công. Đến nay, TP.HCM đã phải tạm ứng 3 lần với tổng số tiền 2.273 tỷ đồng để trả nợ cho nhà thầu.
Từ đó, UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan thống nhất hỗ trợ Chính phủ trình Quốc hội thông qua điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án tại kỳ hợp sớm nhất. Trong khi chờ đợi Quốc hội thông qua, Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ, ưu tiên giải tạm ứng vốn cho thành phố để tiếp tục triển khai dự án và đảm bảo việc thanh toán cho nhà thầu năm 2018.
UBND TP.HCM cho rằng nếu không giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, dự án Bến Thành – Suối Tiên bị đình trệ sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ. Ngoài các ảnh hưởng về mặt ngoài giao và khả năng tài trợ của Nhật Bản đối với các dự án ODA của Việt Nam trong tương lai, việc chậm thanh toán cho các nhà thầu có thể dẫn đến việc giãn tiến độ thi công, thậm chí ngưng thi công trên công trường, đưa đến việc tranh chấp, kiện tụng.
Toàn cảnh tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Lê Quân. |
Đối với tuyến đường sắt số 2 Bến Thành – Tham Lương, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng thống nhất trình Quốc hội chấp thuận việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và thời gian hoàn thành dự án.
Tuyến đường sắt số 2 được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng kinh phí 1.247 triệu USD và sau đó nâng lên 1.374 triệu USD trong giai đoạn 2008-2010. Tuy nhiên, đến năm 2017, TP.HCM đã phải điều chỉnh thiết kế cơ sở của dự án khiến tổng mức đầu tư tiếp tục đội lên tới 2.173 triệu USD. Thời gian dự kiến hoàn thành dự án cũng kéo dài tới 2024.