Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thiếu phi công có thể ảnh hưởng tới triển khai tàu sân bay của TQ

Thiếu hụt phi công hải quân đang kìm hãm tham vọng của Bắc Kinh trong việc phát triển hạm đội tàu sân bay thực sự có khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Trung Quốc đã đưa tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên Sơn Đông vào hoạt động tuần trước. Điều đó có nghĩa là họ cần thêm ít nhất 70 phi công, cùng nhiều sĩ quan hàng không hỗ trợ, South China Morning Post cho biết.

Tuy nhiên kế hoạch mở rộng hạm đội tàu sân bay lên 5 hoặc 6 tàu, cũng như các công nghệ tiên tiến hơn sẽ được sử dụng trên các tàu này, có nghĩa là nhu cầu đào tạo nhiều phi công hải quân sẽ trở nên cấp bách hơn trong tương lai.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã khởi xướng nỗ lực hiện đại hóa quân đội sâu rộng và nói việc xây dựng lực lượng hải quân mạnh mẽ là ưu tiên hàng đầu.

Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam, Singapore, cho biết có một "nút cổ chai" trong việc tuyển dụng và đào tạo phi công hải quân của Trung Quốc.

Chuong trinh tau san bay Trung Quoc anh 1

Tiêm kích J-15 chuẩn bị hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: Tân Hoa Xã.

“Hàng không hải quân trên tàu sân bay vẫn là lĩnh vực còn tương đối xa lạ đối với quân đội Trung Quốc, đặc biệt là khi có sự thôi thúc tăng quy mô tuyển dụng và đào tạo để hoàn thành các chỉ thị hàng đầu về xây dựng tàu sân bay có khả năng chiến đấu”, ông Koh nói.

Chương trình đào tạo phi công quân sự của Trung Quốc vẫn đang phát triển, đặc biệt là khi nói đến hàng không hải quân mới chỉ được thành lập vào tháng 5/2013.

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là Liêu Ninh được đưa vào sử dụng từ năm 2012, nhưng mãi đến 2 tháng sau, tiêm kích trên hạm J-15 mới hạ cánh thành công trên tàu sân bay. Cuộc hạ cánh vào ban đêm đầu tiên không được báo chí nhà nước đưa tin cho đến tháng 5/2018, gần 4 năm sau đó.

Trung Quốc dường như cũng mất nhiều thời gian để đào tạo phi công trực thăng. Lần hạ cánh thành công đầu tiên diễn ra vào tháng 11/2018, theo Đại học Hàng không Hải quân Trung Quốc. Đợt hạ cánh ban đêm đầu tiên mới chỉ diễn ra vào tháng 6 năm nay.

Che giấu tai nạn trong huấn luyện

Chương trình đào tạo phi công cũng bị ảnh hưởng bởi hàng loạt tai nạn nghiêm trọng. Ông Koh cho biết điều này không được báo cáo để tránh gây hoang mang cho các tân binh trong tương lai.

Chuong trinh tau san bay Trung Quoc anh 2

Những vụ tai nạn trong huấn luyện phi công tiêm kích trên hạm của Trung Quốc đều không được công bố. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Vài ngày sau cuộc duyệt binh quy mô lớn kỷ niêm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc vào ngày 1/10, 3 phi công thiệt mạng khi một trực thăng vận tải rơi ở trung tâm tỉnh Hà Nam. Một trong các phi công thiệt mạng đã tham gia cuộc duyệt binh.

Tám ngày sau đó, một vụ tai nạn khác xảy ra ở cao nguyên Tây Tạng, khi một tiêm kích J-10 trong quá trình huấn luyện bay ở độ cao thấp đã rơi xuống ngọn núi. Một nguồn tin nói với South China Morning Post rằng phi công đã nhảy dù và sống sót.

Ông Koh cho biết thêm tỷ lệ tai nạn trong quá trình đào tạo phi công cho tàu sân bay, bao gồm những người bi thương hoặc thiệt mạng không được quân đội Trung Quốc công bố rộng rãi.

Trong khi đó, Li Jie, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, cho biết dù hải quân đang thiếu phi công, nhưng vấn đề có thể được giải quyết trong vòng 2-3 năm tới.

“Số lượng máy bay chiến đấu trên tàu sân bay hiện nay không đủ và thời gian cần thiết để đào tạo phi công hải quân khá dài là lý do tại sao Trung Quốc đang thiếu phi công hải quân. Nhưng khi Trung Quốc ngày càng chú trọng đến vấn đề đào tạo, vấn đề sẽ dần được giải quyết”, ông Li nói.

'Cá mập bay' và các loại khí tài trên hạm của tàu sân bay Sơn Đông

Tiêm kích trên hạm J-15, trực thăng vận tải Z-18 và trực thăng cảnh báo sớm Ka-31 là những loại máy bay mà tàu sân bay Sơn Đông có thể mang theo.

Tàu sân bay Sơn Đông mang ít tiêm kích 'cá mập bay' hơn dự kiến

Tàu sân bay Sơn Đông chỉ có thể mang theo khoảng 24 tiêm kích J-15, thay vì 36 chiếc như truyền thông Trung Quốc từng công bố.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm