Trong cuốn ‘Những lá thư từ một nông dân Mỹ’ năm 1782, tác giả người Mỹ gốc Pháp Hector St. John de Crevecoeur viết “Nước Mỹ luôn có chỗ cho mọi người”.
Giống như những thế hệ người Mỹ từng sống ở thời lập quốc, ông tin vào thái độ cởi mở, sẵn sàng đón nhận các công dân mới từ khắp nơi trên thế giới, điều đã biến Mỹ trở thành “nơi tụ cư” đúng nghĩa.
Tinh thần này vẫn tồn tại và được thực hành cho đến ngày nay, bất chấp thái độ chống người nhập cư đôi khi lại bùng phát trong lịch sử hơn 200 năm của nước Mỹ.
‘Liều thuốc tăng lực’ của nước Mỹ
Tuy nhiên, theo Richard V. Reeves, nhà nghiên cứu kinh tế tại Viện Brookings, tinh thần này có thể bị phai nhạt khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt vấn đề nhập cư lên hàng đầu trong chương trình nghị sự nhưng không phải theo cách tốt.
Ông Trump đã tạo nên tiếng vang khi khai thác hình ảnh ‘Bức tường’ ngăn người nhập cư để xoáy vào nỗi thất vọng của tầng lớp trung lưu da trắng Mỹ. Tuy nhiên, nước Mỹ cần người nhập cư và những lao động trẻ tuổi để phát triển.
Ông Donald Trump đội chiếc mũ đỏ với dòng khẩu hiệu "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" nổi bật trong chiến dịch tranh cử. Ảnh: Reuters.
|
Việc hoạch định chính sách để thúc đẩy người nhập cư cũng có những cái giá nhất định. Cạnh tranh về tiền lương và việc làm sẽ tác động tiêu cực về kinh tế đối với nhóm người dễ bị tổn thương cho dù điều này tốt cho nền kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, ông Reeves cho rằng người nhập cư còn mang lại những giá trị không thể đong đếm. Họ tạo ra “cú hích” cho quốc gia nhờ tinh thần cầu tiến và sự năng động cao.
Người nhập cư có xu hướng thành lập doanh nghiệp mới cao gấp 2 lần người bản địa. Các lãnh đạo là người nhập cư đang tăng lên trong khi tỷ lệ này đang giảm xuống ở người bản xứ.
Trẻ em nhập cư cũng thường thể hiện xu hướng phát triển vượt trội về thu nhập, giáo dục và nghề nghiệp. Ví dụ, trong số trẻ em sinh ra tại Los Angeles ở gia đình nhập cư gốc Trung Quốc ít học, 70% có bằng đại học.
Không ít người Mỹ da trắng cao tuổi coi người nhập cư là “mối đe dọa với truyền thống và giá trị Mỹ” mà không nhận ra rằng người nhập cư cũng góp phần tạo nên giá trị Mỹ nhờ sự năng động và đa dạng.
Giống như con người, xã hội cũng già đi. Người ta sẽ đánh mất tính năng động, cởi mở để đổi lấy sự yên vị và an toàn. Họ sẽ mắc kẹt trong những nếp sống cũ.
Trong khi đó, những người nhập cư lại tràn đầy tính năng lượng và khát vọng vươn lên. Họ thường không chấp nhận yên phận và sẵn sàng chinh phục thử thách. “Nhập cư là cách thức quan trọng để nước Mỹ nhấn nút tái khởi động và tự làm mới mình”, Reeves viết trên Fortune.
Nước Mỹ không có người nhập cư
Theo Juan Cole, giáo sư lịch sử tại Đại học Michigan, các cường quốc của thế kỷ 21 sẽ là những nước có dân số lớn. Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Brazil có cơ hội nâng cao vị thế nhờ lực lượng dân số trẻ với sức sáng tạo lớn, góp phần tạo nên sự thịnh vượng cho đất nước.
Trong khi đó, mức sống và vị thế toàn cầu của các nước có dân số già hóa sẽ bị sụt giảm. Dựa trên tỷ lệ sinh thấp của những người da trắng bản địa, đặc biệt là tầng lớp có mức sống cao ở thành thị, nước Mỹ có khả năng già hóa và thụt lùi nếu không tiếp nhận người nhập cư.
Theo Giáo sư Cole, người nhập cư thường không cạnh tranh việc làm với người bản địa vì họ không có kĩ năng ngôn ngữ và ít được đào tạo để có tay nghề cao. Không những thế, các thị trấn nhỏ ở vùng nông thôn của một số bang tại Mỹ đã được hồi sinh nhờ những nông dân gốc Latin sẵn sàng làm những công việc mà người dân địa phương không muốn làm.
Người biểu tình phản đối sắc lệnh cấm người tị nạn và người nhập cư từ 7 nước Hồi giáo của Tổng thống Trump tại Philadelphia, Pennsylvania, Mỹ, ngày 4/2. Ảnh: Reuters. |
Đồng tình với quan điểm này, Tamar Jacoby, chủ tịch ImmigrationWorks USA, cho rằng lao động nhập cư có vị trí “không thể thay thế” trong nền kinh tế Mỹ. Họ là lực lượng lao động phổ thông sẵn sàng làm những công việc mà người Mỹ bản địa có trình độ không muốn đảm nhận như đốc công, kế toán, bồi bàn, đầu bếp.
Họ cũng là lực lượng lao động quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp mà nếu không có họ, giá thành các sản phẩm nông nghiệp sẽ cao hơn hoặc Mỹ sẽ phải nhập khẩu nhiều nông sản từ nước ngoài hơn.
Ông Cole cho rằng vì chính quyền Trump hầu như không có chính sách nào nhằm khuyến khích tỷ lệ sinh nên nếu giảm nhập cư, Mỹ có thể rơi vào tình trạng như Nhật Bản khi đối mặt với sự sụt giảm nhanh chóng và khủng hoảng già hóa dân số. Đó là lý do Mỹ nên chào đón những người nhập cư trẻ tuổi, bao gồm cả người Hồi giáo.
Tuy nhiên, chính sách không phải là yếu tố duy nhất tác động tới sự phát triển của nước Mỹ. “Trớ trêu thay, chính chủ nghĩa dân tộc da trắng với sự thù ghét người ngoại quốc và tính bài ngoại đang gây nguy hiểm cho sức cạnh tranh của nước Mỹ trong thế kỷ mới”, Juan Cole viết.