Mohammad và Munadi xâu chuỗi vỏ sò điệp vào các que kim loại mỏng, thỉnh thoảng trò chuyện với nhau bằng tiếng Java để quên đi sự đơn điệu của công việc. Những chiếc vỏ sò này sẽ được sử dụng để nuôi hàu ở phía tây Nhật Bản.
Cả hai người chưa từng nhìn thấy con hàu trước khi họ đến Akitsu, một thị trấn cảng tí hon ở phía tây của tỉnh Hiroshima. Cả Mohammad và Munadi mới bắt đầu đến đây từ tháng 4.
Họ là một phần của lực lượng lao động ngoại quốc đang gia tăng ở xứ sở mặt trời mọc. Những người thực hiện chính sách cho rằng nguồn nhân công đến từ nước ngoài là lời giải cho bài toán già hóa dân số và tỷ lệ sinh thấp của Nhật Bản.
Munadi và Mohammad, hai lao động từ Indonesia đang làm việc trong ngành thủy sản tại tỉnh Hiroshima. Họ là một phần trong lực lượng lao động ngoại quốc đang gia tăng ở đất nước mặt trời mọc. Ảnh: Guardian |
Trước tình hình thiếu hụt lao động trầm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, Nhật Bản cuối cùng cũng bắt đầu nới lỏng chính sách nhập cư. Tuần trước, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đã thông qua điều luật cho phép sự hiện diện của nửa triệu lao động nước ngoài vào năm 2025.
Quốc gia này từng có truyền thống phản đối nhập cư số lượng lớn và đây được cho là một thay đổi căn bản trong chính sách. Đề xuất của chính phủ dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm và có hiệu lực từ tháng 4 năm sau.
Nhật Bản, một trong những quốc gia kém đa dạng chủng tộc nhất thế giới, từ lâu đã hạn chế lao động từ các nước khác gia nhập thị trường việc làm. Một số ngoại lệ hiếm hoi được áp dụng trong các ngành giáo dục, y tế, kỹ thuật và luật.
Mohammed và Munadi đến Nhật Bản theo một chương trình của chính phủ nước này, trong đó kết hợp lao động và học tập để đào tạo kỹ năng cho người nước ngoài đến từ các quốc gia đang phát triển. Họ sẽ mang những kỹ năng đó trở về sau quãng thời gian 5 năm.
Nhiều người cho rằng chương trình này đang bị các công ty lợi dụng để tìm kiếm nhân công giá rẻ, bắt họ làm việc nhiều giờ và trả lương rẻ mạt. Thêm vào đó, chương trình chỉ tạo được việc làm cho 260.000 lao động nước ngoài trong năm 2017 và không thật sự đáp ứng đúng nhu cầu lao động của nền kinh tế.
Theo thống kê số lao động nước ngoài tại Nhật Bản đạt 1,28 triệu người vào năm 2017, gấp đôi con số của năm 2012. Nhưng rất nhiều trong số này là những sinh viên hoặc thực tập sinh như Mohammad và Mundi, và họ không thể ở lại vô thời hạn. Tỷ lệ thất nghiệp đạt 2,3% vào tháng 9 và cứ 100 người tìm việc thì có 163 vị trí cho họ chọn lựa, đây là sự thiếu hụt lao động trầm trọng nhất trong vòng 40 năm.
"Không phải một chính sách thông thường"
Dưới những quy định mới, lao động nước ngoài sẽ được chia thành hai nhóm. Những người có khả năng làm việc trong các ngành đang thiếu hụt lao động sẽ được cho phép làm việc trong vòng 5 năm, nhưng không được mang gia đình theo. Những lao động trình độ cao có thể mang theo gia đình và gia hạn visa mãi mãi, thậm chí có thể nộp đơn xin trở thành công dân. Cả hai nhóm này bắt buộc phải vượt qua một bài kiểm tra tiếng Nhật.
Mặc dù vậy Thủ tướng Abe phủ nhận việc từ bỏ chính sách nhập cư chặt chẽ của Nhật Bản. Ông cảnh báo việc thiếu hụt lao động có thể ngăn cản nền kinh tế Nhật phát triển và mong mọi người “đừng hiểu lầm”.
Thủ tướng Abe giải thích trước quốc hội về chương trình dành cho lao động nước ngoài. Ảnh: Nikkei |
Phát biểu trước quốc hội, ông Abe cho biết: “Chúng ta sẽ không theo đuổi một chính sách nhập cư như chúng ta từng làm, sẽ là không đúng nếu áp đặt những giá trị của chúng ta lên người nước ngoài. Thay vào đó, điều quan trọng là phải tạo ra một môi trường để mọi người sẵn lòng cùng tồn tại”.
Thủ tướng Nhật Bản cam kết hầu hết lao động nước ngoài sẽ chỉ được phép ở lại trong một khoảng thời gian nhất định. Chính sách này cũng có thể thay đổi trong trường hợp nền kinh tế gặp vấn đề, hoặc khi tình trạng thiếu hụt lao động đã được giải quyết.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia không đồng ý với điều này. Ông Hidenori Sakanaka, người từng đứng đầu cơ quan quản lý nhập cư của Tokyo cho biết: “Tôi nghĩ đây là một sự thay đổi thực sự trong chính sách nhập cư”.
Các đảng đối lập bắt đầu thể hiện sự phản đối chính phủ của ông Abe trước nguy cơ lượng lao động nước ngoài gia tăng nhanh chóng trong nèn kinh tế Nhật Bản.
Đảng cánh hữu Nước Nhật Trên Hết (Japan First) cho rằng, một sự gia tăng đột ngột lao động nước ngoài sẽ là gánh nặng với các dịch vụ phúc lợi và có thể dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ phạm tội.
Ông Yuichiro Tamaki, lãnh đạo đảng Dân chủ cho Nhân Dân (DPP) từng quan ngại về sức ép lên quỹ lương và các dịch vụ xã hội. Nhưng sau đó ông này thể hiện sự ủng hộ với một chính sách nhập cư theo kiểu Liên minh Châu Âu, trong đó đảm bảo bình đẳng tiền lương và cho phép lao động nước ngoài mang theo gia đình.
Một cuộc thăm dò thực hiện bởi TV Tokyo và báo kinh tế Nikkei cho thấy 54% người Nhật được hỏi ủng hộ việc nới lỏng nhập cư với lao động trình độ thấp, 36% phản đối điều này. Nhóm người trẻ thường là những người ủng hộ chính sách của ông Abe.
Nhật báo có xu hướng tự do Asahi cho rằng ông Abe đã thất bại trong việc trấn an những lo ngại với chính sách nhập cư được nới lỏng.
Lao động Việt Nam làm việc trong một công trường xây dựng ở Tokyo. Ảnh: Nikkei |
Tờ báo này cho biết: “Dù họ có được gọi là người nhập cư hay không, chính phủ có trách nhiệm thể hiện một tầm nhìn khả thi và thuyết phục về tương lai của xã hội Nhật Bản, khi lao động nước ngoài và người dân Nhật có thể sống với nhau trong hòa hợp và cảm thấy an toàn”. Nhật báo Asahi cũng nhận định những thay đổi của ông Abe “chắc chắn sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội Nhật Bản”.
Những thay đổi này đã bắt đầu xuất hiện ở rất nhiều nơi trên đất nước, tại tỉnh Hiroshima, cứ 6 lao động ngành thủy sản thì có 1 người nước ngoài, tỷ lệ cao nhất tại Nhật. Trong số những lao động đánh bắt cá từ 20 đến 30 tuổi, tỷ lệ này là 50%.
"Không thể tồn tại nếu không có lao động nước ngoài"
Ở Akitsu, tỷ lệ lao động trong ngành đánh bắt thủy sản là 30 ngư dân Nhật bên cạnh 33 lao động nước ngoài. Không chỉ vậy, độ tuổi trung bình của ngư dân Nhật đang tăng cao. Người đứng đầu hợp tác xã ngư nghiệp Akitsu là ông Takatoshi Shiba đùa rằng, ở tuổi 67, ông cảm thấy mình vẫn còn trẻ so với những đồng nghiệp người Nhật.
Ông cho biết: “Thật là một sự phí phạm những cơ hội, vì các lao động nước ngoài phải bỏ nhiều thời gian để học tập và làm quen với cuộc sống ở đây, nhưng họ lại phải trở về nhà sau vài năm. Tôi nghĩ rằng chính phủ sẽ không có lựa chọn nào khác mà phải hành động ngay. Những khu vực như thế này sẽ không thể tồn tại nếu không có lao động nước ngoài”.
Mohammad và Munadi cho biết họ đã hòa nhập rất tốt với cuộc sống ở vùng quê Nhật Bản, mặc dù không ai có ý định ở lại quá ba năm. Trong những ngày nghỉ, họ đi mua sắm ở thành phố Hiroshima, chơi cầu lông và đã có thể mua thịt halal cho người Hồi giáo ở siêu thị gần đó. Chỉ trong vài tháng, họ đã học đủ tiếng Nhật để giao tiếp với những người hàng xóm và các lao động ngoại quốc khác đến từ Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Việt Nam.
Munadi cho biết: “Chúng tôi có mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp và ông chủ người Nhật, và chúng tôi được trả lương cao hơn rát nhiều so với khi còn ở Indonesia”. Anh rời đảo Java vào tháng 4 ngay sau khi người vợ hạ sinh đứa con đầu lòng.
Mohammad cũng chia sẻ: “Không có vấn đề gì với công việc, nhưng chúng tôi nhớ gia đình của mình. Mặc dù vậy chúng tôi đang rất vui ở đây”.