Theo Wall Street Journal, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng than đá như sự bùng nổ về nhu cầu sau đại dịch gây áp lực lên chuỗi cung ứng và các mục tiêu đầy tham vọng nhằm giảm lượng khí thải carbon. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt than đá dự kiến kéo dài ít nhất qua mùa đông, dấy lên lo ngại về thiếu hụt nhiên liệu trong những tháng tới.
Hiện tại, than nhiệt điện Newcastle của Australia - loại than tiêu chuẩn toàn cầu - đang giao dịch ở mức 202 USD/tấn, cao hơn gấp 3 lần so với cuối năm 2019. Trong khi đó, sản lượng than toàn cầu - tạo ra khoảng 40% điện năng trên thế giới - thấp hơn khoảng 5% so với trước đại dịch.
Ở châu Âu, giá than và các nguồn năng lượng khác tăng cao đã ảnh hưởng đến sản lượng tại các nhà máy, khiến hóa đơn năng lượng hộ gia đình tăng vọt. Cùng lúc đó, các nhà nhập khẩu than lớn tại châu Á (bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc) nỗ lực chen lấn để đảm bảo nguồn cung.
Giới chuyên gia lo ngại tình trạng thiếu hụt than kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung và giá nhiên liệu. Ảnh: Bloomberg. |
Tại Trung Quốc, nguồn cung than ngày càng cạn kiệt và chi phí tăng cao đang dẫn đến tình trạng thiếu điện trên quy mô lớn chưa từng thấy. Ngành công nghiệp tại Trung Quốc hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề. Thậm chí, một số thành phố tại quốc gia 1,4 tỷ dân buộc phải tắt đèn giao thông để tiết kiệm điện.
Xét trên góc độ toàn cầu, nguồn cung than đang không theo kịp nhu cầu trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch.
Theo WSJ, các nhà sản xuất than cho biết sản lượng năm ngoái đã giảm khoảng 5% và việc tăng cường sản xuất sẽ đòi hỏi nhiều thời gian. Giới sản xuất e rằng có thể mất tới 9 tháng để các xe tải mới bắt đầu đi vào hoạt động. Thậm chí, để lắp đặt các thiết bị mới tại các mỏ than, thời gian có thể mất lâu hơn.
“Chúng tôi đã tối đa hóa năng lực về mặt công suất”, Isidro Consunji - Chủ tịch Semirara Mining & Power Corp. - cho biết. “Giá than đã tăng gấp 4 lần trong năm ngoái. Tôi nghĩ rằng không ai trên thế giới mong đợi một tình huống như vậy”, ông nói thêm.
Giới phân tích cho rằng sự phụ thuộc của thế giới vào than có xu hướng dao động theo tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn là tham vọng về phát triển khí hậu của các chính phủ.
“Khi tăng trưởng kinh tế đi xuống, nhu cầu về than chậm lại và mọi người đều nghĩ rằng chúng ta đang tách biệt khỏi than đá. Tuy nhiên, ngay sau khi tăng trưởng quay trở lại, nhu cầu về than lập tức tăng tốc”, Rory Simington - chuyên gia phân tích tại trung tâm nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie - nhận định.
Hơn nữa, việc ngừng sản xuất than tại các quốc gia đang nỗ lực đạt mục tiêu phát thải cũng gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung. Cụ thể, Tây Ban Nha đã dừng hoạt động một nửa sản lượng than vào năm ngoái và hứa sẽ loại bỏ tất cả nhà máy nhiệt điện than vào năm 2030.