Theo CNBC, tuần trước, các chính quyền địa phương ở Trung Quốc bất ngờ ra lệnh cắt điện tại nhiều nhà máy. Cuộc khủng hoảng năng lượng khiến một số nhà kinh tế cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Cuối năm 2020, Trung Quốc ngừng nhập khẩu than từ Australia vì căng thẳng địa chính trị leo thang. Trong khi đó, mùa đông lạnh kỷ lục đã làm gia tăng nhu cầu về than.
Vào tháng 12/2020, giá than nhiệt (được sử dụng để sản xuất điện) trên sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu đã tăng 40% so với một năm trước đó lên khoảng 777 NDT/tấn (119,53 USD/tấn).
Tình trạng thiếu điện đã buộc các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc phải dừng hoạt động. Ảnh: Reuters. |
Sức ép cắt giảm khí thải
Cuối năm 2020, Trung Quốc đặt mục tiêu giảm mạnh khí thải carbon vào năm 2030. Nhưng khi Bắc Kinh cố gắng chuyển sang năng lượng tái tạo, một đợt hạn hán nghiêm trọng đã ập đến trung tâm thủy điện của tỉnh Vân Nam.
Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, vào tháng 7 và tháng 8, năng lượng tạo ra từ nước đã giảm hơn 4% so với cùng kỳ năm trước. Năng lượng tạo ra từ gió tăng 7% trong tháng 8, giảm từ mức 25,4% của tháng 7.
Trung Quốc vẫn chủ yếu sử dụng than để sản xuất điện. Theo dữ liệu của Wind, tốc độ gia tăng của mức tiêu thụ điện hàng năm tại nước này đã tăng lên mốc cao nhất trong vòng 10 năm.
Thêm vào đó, các nhà máy cũng cần nhiều điện hơn để gấp rút thực hiện những đơn hàng trên toàn cầu. Xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch.
Cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc diễn ra khi bom nợ của China Evergrande đang phủ bóng lên triển vọng kinh tế. Ảnh: Reuters. |
"Nhu cầu về năng lượng tăng lên cùng với sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc", các nhà phân tích của Eurasia Group bình luận. "Một số trung tâm công nghiệp dọc theo bờ biển phía đông của Trung Quốc, bao gồm Quảng Đông, Chiết Giang, Giang Tô và Sơn Đông, đã cảnh báo về khả năng thiếu điện tạm thời trong mùa cao điểm", nhóm chuyên gia nói thêm.
Nguồn cung than cũng lao dốc khi những mỏ than đóng cửa vì sức ép giảm lượng khí thải carbon. Theo dữ liệu của Wind, vào tháng 8, nguồn cung than của các nhà máy năng lượng lớn đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm.
Nhưng vào giữa tháng 8, cơ quan kế hoạch kinh tế của Trung Quốc đã thông báo rằng 20 khu vực - chiếm khoảng 70% GDP của Trung Quốc - không đạt được các mục tiêu liên quan đến carbon. Điều đó buộc chính quyền địa phương phải hành động.
Hôm 26/9, Securities Times đưa tin về việc cắt điện tại các nhà máy ở thành phố Đông Quan - trung tâm sản xuất của Quảng Đông. Báo cáo cũng ghi nhận tình trạng mất điện đột ngột tại nhiều khu vực phía đông bắc Trung Quốc, bao gồm những khu dân cư ở Liêu Ninh.
Tác động kinh tế
"Nhiều hàng hóa không được giao đúng hạn vì mất điện", ông Wen Biao, Tổng giám đốc tại Qianhe Technology Logistics Co. (Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông), chia sẻ. Ông cho biết tình trạng này cũng diễn ra ở Thượng Hải và thành phố cảng Ninh Ba.
Theo ghi nhận của Reuters, hơn 10 tỉnh và khu vực tại Trung Quốc đã hạn chế sử dụng điện.
Việc cắt điện đột ngột cũng khiến nhiều nhà đầu tư phải tạm dừng kế hoạch đầu tư vào Trung Quốc. Theo ông Johan Annell tại công ty tư vấn Asia Perspective, một số doanh nghiệp đã lên kế hoạch đầu tư hàng chục triệu USD vào Trung Quốc. Nhưng giờ, họ đang chuyển sang cân nhắc Đông Nam Á.
Tuần này, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia và Lưới điện Nhà nước của Trung Quốc cam kết đảm bảo nguồn điện, nhất là cho người dân. Họ cũng cho biết sẽ thực hiện các biện pháp như cho phép sản xuất nhiều than hơn và tăng nhập khẩu than.
Việc thiếu điện có thể không mang lại tác động đáng kể. Tuy nhiên, khi kết hợp với sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản và ảnh hưởng của dịch Covid-19, nó khiến tôi lo ngại về tăng trưởng GDP trong quý IV.
Ông Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management
Ủy ban cho biết nhu cầu điện trong mùa đông này có thể vượt mức cao nhất của mùa hè và mùa đông vừa qua. Giá than nhiệt đã tăng gần gấp đôi kể từ đầu năm.
Cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc diễn ra khi lĩnh vực bất động sản của nước này điêu đứng vì hố nợ 300 tỷ USD của China Evergrande - tập đoàn địa ốc lớn thứ 2 Trung Quốc.
Sau 20 năm mở rộng chóng mặt, ngành công nghiệp bất động sản đang bị các cơ quan quản lý thắt chặt kiểm soát và hạ đòn bẩy tài chính.
Cùng với cuộc trấn áp đối với ngành bất động sản, khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc sẽ mang đến những tác động nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Hôm 26/9, ngân hàng đầu tư Nomura đã cắt giảm dự báo GDP của Trung Quốc. Tiếp theo đó là Goldman Sachs.
"Việc thiếu điện có thể không mang lại tác động đáng kể. Tuy nhiên, khi kết hợp với sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản và ảnh hưởng của dịch Covid-19, nó khiến tôi lo ngại về tăng trưởng GDP trong quý IV", ông Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, bình luận.
Ông hạ dự báo tăng trưởng GDP trong quý IV/2021 từ 5% xuống còn 4%.
Cuộc thanh trừng đối với các tập đoàn tư nhân, từ lĩnh vực công nghệ đến giáo dục, cũng đè nặng lên tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Chi tiêu của người tiêu dùng - động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc - cũng chậm lại do ảnh hưởng từ các yêu cầu hạn chế nhằm đối phó với dịch Covid-19.