Những ngày gần đây, người dân tại các chung cư cao tầng ở một số thành phố Trung Quốc buộc phải đi cầu thang do ban quản lý tòa nhà dừng thang máy để tiết kiệm điện, theo Fortune.
Ngày 26/9, cơ quan điện lực của tỉnh Quảng Đông kêu gọi người dân ngưng sử dụng điều hòa và chuyển sang dùng ánh sáng tự nhiên thay cho bóng đèn điện.
Các biện pháp hạn chế tiêu thụ điện sinh hoạt như trên mới chỉ được áp dụng trong những ngày gần đây, theo Reuters. Nhưng ngành công nghiệp khổng lồ của Trung Quốc đã phải vật lộn với những đợt tăng giá điện bất chợt và thắt chặt tiêu thụ điện từ tháng 3.
Thiếu hụt nguồn than
Nguyên nhân chủ yếu khiến Trung Quốc không thể đáp ứng được nhu cầu điện trong nước là việc thiếu hụt nguồn than.
Điện than đóng góp hơn 70% vào sản lượng điện cả nước, nhưng quyết tâm giảm phát thải khí nhà kính để chạm mốc “trung hòa khí carbon” trước năm 2060 của Chủ tịch Tập Cận Bình đã giới hạn mức tăng trưởng của hoạt động khai thác than đá.
Khi các đơn hàng nước ngoài dần trở lại, nhu cầu sử dụng điện của các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc tăng vọt. Nhưng lúc này, các nhà máy điện không thể mua đủ than do giá thành lên cao.
Sản lượng than của Trung Quốc tăng 6% trong 8 tháng đầu năm nay, nhưng sản lượng điện từ nhà máy nhiệt điện than tăng 14% trong cùng khoảng thời gian. Điều này khiến trữ lượng than của Trung Quốc suy giảm.
Ngoài ra, một số vùng phía bắc cũng cần tích trữ đủ than để sử dụng trong mùa đông sắp tới, từ đó càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt hiện tại.
Chính phủ Trung Quốc từng yêu cầu các mỏ than tăng sản lượng khai thác, nhưng điều này không thể được thực hiện nhanh chóng hoặc dễ dàng như vậy, theo Bloomberg.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cơ quan quy hoạch kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, từng thúc giục các nhà khai thác than đảm bảo nguồn cung.
Tuy nhiên, dưới nỗ lực “xanh hóa” của ông Tập và sau một loạt vụ tai nạn chết người, bất cứ mỏ than đá nào mới xây hoặc được mở cửa trở lại đều phải tuân thủ tiêu chuẩn môi trường và quy định an toàn lao động nghiêm ngặt hơn.
Càng làm phức tạp thêm vấn đề là việc Trung Quốc đặt mục tiêu giảm tỷ trọng nhiệt điện than trong tổng sản lượng điện toàn quốc. Điều này khiến một số ngân hàng đã ngừng cho vay vốn đối với hoạt động khai thác than.
Giá nguyên liệu tăng, giá điện vẫn đứng yên
Một cách khác để đảm bảo nguồn cung là nhập khẩu than. Trung Quốc vốn là nước nhập khẩu than lớn, nhưng từ năm 2020, quốc gia này ngừng mua loại than hiệu suất cao từ Australia. Điều này xảy ra sau khi quan hệ hai nước trở nên căng thẳng, góp phần dẫn đến tình trạng thiếu hụt than ngắt quãng tại Trung Quốc.
Nút thắt trong quan hệ Trung Quốc - Australia nhiều khả năng sẽ chưa thể được tháo gỡ, trong lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden đang muốn lôi kéo đồng minh, bao gồm Australia, để ứng phó ảnh hưởng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trung Quốc trong năm nay đã mua thêm than từ Indonesia để đắp vào lỗ hổng của nguồn cung than từ Australia. Nhưng nhu cầu điện tại Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, cũng tăng vọt. Trong khi đó, nguồn cung từ nơi khác chưa được chắc chắn.
Song song với đó, nhiều nhà máy điện ở Trung Quốc cũng không sẵn sàng đẩy mạnh sản lượng vì sợ lỗ. Khi giá than tăng cao chưa có tiền lệ, mức giá điện mà nhà cung cấp có thể tính đối với khách hàng lại không được phép vượt quá quy định của chính quyền.
Kể cả một số nhà máy điện nhà nước hoạt động hiệu quả nhất cũng đang lỗ, China Energy News đưa tin trong tháng 9.
Chính quyền một số địa phương như tại tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông đã bắt đầu điều chỉnh cơ chế giá điện để cho phép nhà cung cấp thu thêm phí từ khách hàng.
Thời gian gần đây, Trung Quốc dần nâng tỷ trọng sản lượng điện tới từ các nguồn không tạo ra carbon, đồng thời lên kế hoạch đạt mức 20% trước năm 2025.
Nhưng tình trạng thiếu hụt điện ở quốc gia này bộc lộ một số điểm bất lợi của việc phụ thuộc vào các nguồn điện tái tạo như điện gió và thủy điện.
Chẳng hạn, sản lượng thủy điện ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc trong năm nay giảm sút do mùa mưa bắt đầu muộn, từ đó buộc nhà chức trách phải hạn chế và phân chia lượng điện tiêu thụ.
Thiếu điện ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng toàn cầu
Tình trạng thiếu hụt điện ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của Trung Quốc. Chính quyền các địa phương ở Chiết Giang, Giang Tô, Vân Nam, và Quảng Đông yêu cầu các nhà máy hạn chế sử dụng điện hoặc giảm sản lượng.
Một số nhà cung cấp điện gửi thông báo yêu cầu những nhà máy tiêu thụ điện nhiều nhất cần dừng sản xuất trong giờ cao điểm (7h - 23h) hoặc ngừng hoạt động trong 2-3 ngày/tuần.
Tình trạng thiếu hụt điện tác động tới nhiều ngành công nghiệp của Trung Quốc, bao gồm các ngành cần dùng nhiều điện như luyện nhôm, chế tạo thép, sản xuất xi măng, và chế biến phân bón, theo Reuters.
Cuộc sống của người dân cũng bị ảnh hưởng vì thiếu điện. Nhiều hộ gia đình tại một số vùng ở miền Đông Bắc đã được yêu cầu phải hạn chế sử dụng bình nóng lạnh và lò vi sóng để tiết kiệm điện.
Theo Bloomberg, các nhà sản xuất cảnh báo rằng biện pháp cắt điện nghiêm ngặt sẽ làm giảm sản lượng ở những trung tâm kinh tế như Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông - ba tỉnh đóng góp tổng cộng khoảng 30% vào GDP của Trung Quốc, và có thể làm giá cả gia tăng.
Vấn đề thiếu điện khiến các chuyên gia kinh tế giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay. Nomura, một tổ chức tài chính Nhật Bản, đã hạ dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong ba tháng cuối năm từ 4,4% xuống còn 3%.
Tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc cũng bắt đầu làm trầm trọng thêm các vấn đề trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Thị trường toàn cầu sẽ cảm nhận được tình trạng thiếu hụt các mặt hàng từ vải vóc, đồ chơi tới linh kiện máy móc”, Lu Ting, nhà kinh tế trưởng của Nomura chi nhánh Hong Kong (Trung Quốc), nói. “Chủ đề nóng nhất về Trung Quốc sẽ sớm chuyển từ ‘Evergrande’ sang ‘thiếu điện’”.