Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lời cảnh tỉnh sau khi 'thành phố thông minh' của TQ mất điện vì lũ

Trung Quốc đã phát triển các trung tâm đô thị thành "thành phố thông minh", nhưng trận mưa lớn chưa từng thấy quét qua đã đẩy hàng triệu người vào thời đại đen tối của kỹ thuật số.

Tuần trước, nhiều khu vực ở miền Trung Trung Quốc chìm trong nước lũ sau khi hứng chịu trận mưa lớn mà cơ quan thời tiết miêu tả là "nghìn năm có một". Hơn 69 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người khác đã phải sơ tán vì thời tiết cực đoan.

Khi mưa lũ rút đi, hàng triệu người ở Trịnh Châu, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhận ra rằng họ lại phải đối mặt với thách thức mới.

Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã biến các trung tâm đô thị của mình thành “thành phố thông minh”. Công nghệ được ứng dụng trong mọi khía cạnh cuộc sống từ mua hàng, đi taxi, đặt lịch hẹn bệnh viện, đi lại trên tàu điện ngầm và thanh toán các tiện ích.

Vì vậy, khi trận mưa lịch sử quét qua khiến Trịnh Châu, gây mất điện và Internet trên diện rộng, công chúng bỗng thấy mình bị rơi vào “thời đại đen tối kỹ thuật số”, South China Morning Post đưa tin.

Đối với một số người, đó là một sự bất tiện, nhưng đối với những người khác, điều này trở thành vấn đề sinh tử.

Lu lut o Trung Quoc anh 1

Người dân đi thuyền cao su trên đường phố nay đã thành biển sông sau trận mưa lớn làm ngập tỉnh Hà Nam. Ảnh: AFP.

Cuộc chiến sinh tử

Một bác sĩ họ Wang, làm việc tại Bệnh viện Liên kết 1 của Đại học Trịnh Châu, cho biết khi thành phố mất điện, thiết bị hồi sức, chăm sóc tích cực ICU cũng ngừng hoạt động.

Bệnh viện đã phải nhanh chóng sử dụng nguồn điện dự phòng để cứu những bệnh nhân nặng nhất. Hơn 10.000 bệnh nhân khác đã được di dời đến bệnh viện huyện, nơi có nguồn điện an toàn hơn.

Mất điện đồng nghĩa thang máy trong tòa nhà cũng ngừng hoạt động. Vì vậy, Wang đã cùng tình nguyện viên và nhân viên cứu hộ khiêng bệnh nhân đang nằm trên giường ICU từ tầng 20 xuống các xe cấp cứu.

“Những bệnh nhân đó không thể ra khỏi giường. Chúng tôi đã phải khiêng vác theo mọi thứ", Wang cho biết.

Điện thoại biến thành cục gạch phát sáng

Ở bên kia thành phố, một phụ nữ tên Qinwen hoang mang khi bị cắt điện và Internet. Điện thoại mất sóng nên cô không thể gọi hay nhắn tin cho bạn bè và gia đình để thông báo với họ rằng mình đã an toàn.

Qinwen đã đi lang thang trên khắp đường phố chỉ để tìm kiếm nơi có sóng. Thế nhưng, trước khi có thể tìm thấy, điện thoại cô đã "chết". Dần dần, Qinwen phát hiện ra sự bất tiện len lỏi trong mọi ngóc ngách cuộc sống.

Vào buổi sáng sau khi cơn mưa giảm dần và nước bắt đầu rút, Qinqwen đi làm trở lại. Khi đến văn phòng, cô được biết công ty đã đóng cửa do thời tiết khắc nghiệt. Nhưng vì không có Internet, cô không bao giờ nhận được tin nhắn thông báo.

Khi đến siêu thị, cô không thể mua hàng vì hệ thống thanh toán bằng điện thoại đã ngừng hoạt động. Thông thường, người dân Trung Quốc hiếm khi đem theo tiền mặt mà phụ thuộc nhiều hơn vào thẻ tín dụng và các ứng dụng thanh toán.

“Không có Internet, điện thoại của tôi đã biến thành một cục gạch phát sáng”, cô nói.

Trên khắp thành phố, hàng dài người xếp hàng trước các cửa hàng tạp hóa, để lại số điện thoại và hứa rằng họ sẽ quay lại để giải quyết nợ.

Lu lut o Trung Quoc anh 2

Lũ lụt ở Trịnh Châu khiến nhiều người đổ xô đi mua đồ trong thành phố. Ảnh: South China Morning Post.

Nhiều phương tiện giao thông cũng ngừng hoạt động. Tencent News cho biết các ứng dụng gọi xe đã tạm dừng các dịch vụ ở Trịnh Châu do lo ngại về an toàn. Một số ít taxi vẫn chạy trên đường phố yêu cầu mọi người trả trước bằng tiền mặt.

Bên cạnh đó, một số tài xế cho hay điện ở nhiều nơi bị cắt cũng là lý do khiến họ không thể tiếp tục sinh kế. Theo báo cáo, tại Trịnh Châu, hơn 80% số xe taxi đã được chuyển sang sử dụng động cơ điện trước đó.

“Khi xe hết điện, tôi thậm chí không biết mình có thể sạc lại ở đâu”, một tài xế cho biết.

Lời cảnh tỉnh

Zhao Keluo, giám đốc một công ty kế toán ở Trịnh Châu, cho biết, sau khi mua thức ăn và nước uống bằng thẻ tín dụng, anh leo lên 19 tầng và bàng hoàng phát hiện căn hộ của mình bị cắt điện, nước.

Trong vài ngày tiếp theo, anh trở thành kẻ lang thang trong thành phố, đi khắp mọi nơi để tìm kiếm điện hoặc Internet.

Đôi khi Zhao đến một quán trà mà bạn anh làm chủ và đôi khi anh ở sảnh khách sạn với Internet, nước và nguồn điện chập chờn.

“Tôi lái xe đi lòng vòng chỉ để kiểm tra xem có chỗ nào tôi có thể nạp điện thoại hay khách sạn nào chưa kín người hay không”, anh nói.

Lu lut o Trung Quoc anh 3

Người dân địa phương Trịnh Châu chia sẻ các thiết bị sạc điện với nhau. Ảnh: South China Morning Post.

Sau trận lũ lịch sử, giới chức Trung Quốc đã nhanh chóng điều động lực lượng làm việc ngày đêm để khôi phục lại nguồn điện và Internet.

Chính phủ nước này cho biết vào cuối tuần, khoảng 90% các khu vực Trịnh Châu đã có điện và mạng trở lại.

Tuy nhiên sau sự cố này, người dân bắt đầu nhận ra đây là lời cảnh tỉnh để chuẩn bị cho những thảm họa trong tương lai.

Cuộc khủng hoảng tại Trung Quốc đã chứng minh rằng mọi hệ thống, ngay cả khi sử dụng công nghệ mới và tối tân nhất, đều có thể bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

“Sau khi chứng kiến những gì xảy ra ở Trịnh Châu, tôi đã thêm 'pin sạc dự phòng' vào danh sách đồ cần để sinh tồn của mình", một người viết trên Weibo.

Nhiều món đồ khác cũng được đưa vào vào danh sách 20 nhu yếu phẩm sinh tồn khác, bao gồm thực phẩm đóng hộp, bộ sơ cứu, bộ đàm, tiền mặt và thậm chí cả vàng.

Hàn Quốc chìa cành olive, Triều Tiên đón nhận

Bằng việc nối lại đường dây nóng, ông Kim Jong Un chấp nhận lời kêu gọi hàn gắn của tổng thống Hàn Quốc, trong bối cảnh Triều Tiên đang gặp tình trạng thiếu hụt lương thực.

Bão In-fa đổ bộ, Trung Quốc sơ tán hơn 100.000 người

Bão In-fa đổ bộ vào miền Đông Trung Quốc ngày 25/7, khiến hơn 100.000 người phải sơ tán, nhiều chuyến bay bị hủy và hoạt động kinh doanh gián đoạn.

Minh An

Bạn có thể quan tâm