Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Thiếu chút nữa đã có nghị sĩ bị sát hại'

Vụ bạo loạn ngày 6/1 tại trụ sở Quốc hội Mỹ nguy hiểm tới mức các nghị sĩ chỉ cách đám đông giận dữ và bạo lực vài mét, theo Wall Street Journal.

bao loan o Quoc hoi my anh 1

Những người nổi loạn xông vào Điện Capitol ngày 6/1 nhằm ngăn Quốc hội Mỹ xác nhận kết quả bầu cử với chiến thắng thuộc về ông Joe Biden. Họ mang theo dây thừng, gậy, ống nước, hơi cay và dây rút nhựa - cho thấy ý định của một số người là bắt cóc thành viên quốc hội.

Đám đông tràn vào các hành lang của Điện Capitol, vốn thường có nhiều du khách. Một số nghị sĩ và các nhân viên phục vụ quốc hội phải dùng bàn ghế chặn cửa, rồi trốn dưới gầm bàn trong văn phòng của mình, trong khi đám đông bên ngoài cố đập cửa xông vào, theo Wall Street Journal.

“Nếu đám đông vượt qua các cánh cửa, sẽ có nhiều người bị thương nặng”

Một số cảnh sát cố gắng làm chậm bước tiến của đám đông nổi loạn, tạo thêm chút thời gian quý báu để các nghị sĩ sơ tán. Chẳng hạn, ở ngoài khu họp của Thượng viện, một cảnh sát được khen ngợi vì đã một mình đánh lạc hướng được đám đông.

Cảnh sát này đối diện với đám đông khi chỉ có một mình, và phải quay đầu chạy đi. Khi chạy lên một đoạn cầu thang, tới một “ngã ba”, vì biết lối vào phòng họp Thượng viện không có ai đứng gác, người cảnh sát này cố đẩy người nổi loạn để gây chú ý, rồi chạy theo hướng kéo đám đông xa khỏi phòng họp Thượng viện. Trong khi đó, các nhân viên gấp rút khóa các cửa dẫn vào phòng họp Thượng viện, để bảo vệ những người bên trong.

“Chỉ thiếu chút nữa đã có nghị sĩ bị sát hại”, Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger (đảng Cộng hòa, bang Illinois) nói trên ABC. “Nếu đám đông vượt qua các cánh cửa, sẽ có nhiều người bị thương nặng”.

bao loan o Quoc hoi my anh 2

Các nhân viên của quốc hội dùng bàn ghế để chặn cửa. Ảnh: AFP.

Sau khi đám đông xông vào được Điện Capitol vào khoảng 14h ngày 6/1, họ tỏa đi các hướng bên trong. Một số người hô hào tìm các nghị sĩ, hoặc hô “Treo cổ Mike Pence” hoặc “Nancy ở đâu”. Trong khi đó, Phó tổng thống Mike Pence đang chủ trì một phiên tranh luận ở Thượng viện, còn Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đang chủ trì phiên họp Hạ viện.

Vào khoảng 14h15, an ninh yêu cầu bà Pelosi và các lãnh đạo khác của Hạ viện sơ tán. Bà trao lại búa cho Hạ nghị sĩ Jim McGovern (đảng Dân chủ, bang Massachusetts). Ông McGovern tưởng rằng bà Pelosi sẽ sớm quay lại, vì bà để lại điện thoại.

Chưa đầy 20 phút sau, một nhân viên của bà Pelosi nói với ông McGovern hãy dừng phiên họp. Cảnh sát Điện Capitol đề nghị ông nói với gần 100 nghị sĩ, nhân viên và phóng viên có mặt ở đó hãy lấy mặt nạ phòng độc từ dưới ghế.

Cùng thời điểm này, cảnh sát đã sử dụng hơi cay ở khu mái vòm Rotunda trong Điện Capitol. Tiếng la hét vang vọng khắp tòa nhà. “Hãy khóa hết mọi cửa”, một người hét lên.

Ông McGovern có thể nghe được tiếng đập cửa, nhưng ông vẫn cho rằng chỉ một vài người xông được vào bên trong, và tình hình đang trong tầm kiểm soát. Sau đó, ông được đưa ra tới hành lang đằng sau bục của chủ tịch Hạ viện, và tình hình nguy hiểm hơn nhiều so với ông tưởng.

bao loan o Quoc hoi my anh 3

Các nghị sĩ được sơ tán ở phòng họp Hạ viện. Ảnh: Bloomberg.

Cuối hành lang, chỉ cách ông khoảng 10 m, hơn chục người nổi loạn đang la hét, đập vào cánh cửa đang bị chặn bởi các đồ nội thất. Một số cảnh sát đứng đó đã rút súng ra.

Đằng sau cửa, đối mặt với đám đông chỉ có ba cảnh sát không mũ bảo hộ, khiên chắn hay các thiết bị bảo vệ khác, theo một video. Một người nổi loạn chen giữa ba cảnh sát để đập cửa. Ba cảnh sát giữ nguyên tư thế, không giằng co với đám đông.

“Tôi thấy những người đang dùng tay không, đập vỡ kính”, ông McGovern nói. “Tôi chỉ thấy sự thù ghét trong mắt họ. Tôi nhìn họ và họ nhìn tôi”.

Ông McGovern và khoảng một chục người được sơ tán qua một cửa khác. Một cảnh sát hứa với ông rằng những người còn lại, ở ban công phía trên Hạ viện, cũng sẽ được sơ tán. “Họ nói mọi người đều được sơ tán, và đã có kế hoạch rồi”, ông McGovern nói.

“Tôi nhận ra đây có thể là dấu chấm hết”

Ở ban công có một số nghị sĩ và phóng viên. Trước đó, họ phải lên ban công nhìn xuống để chứng kiến phiên họp, vì số người được vào khu họp bị giới hạn vì dịch Covid-19. Họ cúi thấp xuống, nấp giữa ghế.

Trong lúc đó, người nổi loạn vẫn cố phá cửa để vào phòng họp Hạ viện. Còn đám đông đối diện với ba cảnh sát vẫn đập vào cửa kính, yêu cầu ba cảnh sát bước sang một bên. Một người trong đám đông - cựu binh Không quân có tên Ashli Babbitt - cố trèo qua phần kính vỡ để vào bên trong, nhưng bị cảnh sát từ bên trong bắn ra. Cô là một trong những người chết trong vụ bạo loạn.

bao loan o Quoc hoi my anh 4

Cảnh sát đứng gần nơi mà cô Ashli Babbitt bị bắn. Ảnh: Bloomberg.

Trên ban công, Hạ nghị sĩ Jackie Speier nghe tiếng súng khi đang nấp dưới ghế.

“Tôi bỗng bị choáng ngợp, chỉ muốn buông xuôi, vì tôi ở tầng trên, chỉ cách đám đông chiếc cửa gỗ và chiếc ghế”, bà Speier phát biểu ngày 11/1 tại một sự kiện ở California. “Tôi nhận ra đây có thể là dấu chấm hết”.

Khi cảnh sát đến, họ sơ tán nhóm nghị sĩ tới cuối ban công. Nếu họ ra nhầm cửa, “có thể đã gặp những người nổi loạn, và có rủi ro ai đó bị bắn hoặc bị đẩy ngã từ ban công xuống”, Hạ nghị sĩ Jim Himes, cũng trong nhóm người ở ban công, nói với Wall Street Journal.

Thay vào đó, họ bước ra ở một cửa mà có vài cảnh sát đã khuất phục được một số người nổi loạn.

bao loan o Quoc hoi my anh 5

Cảnh sát Điện Capitol khống chế người nổi loạn. Ảnh: AP.

Hạ nghị sĩ Sean Patrick Maloney (đảng Dân chủ, bang New York) ước tính Hạ viện được sơ tán khoảng 30-60 giây trước khi đám đông tràn vào.

Giữa lúc tiếng la hét của người nổi loạn càng to hơn, cảnh sát thúc giục các nghị sĩ, có những người ngoài 70 tuổi, hãy đi nhanh hơn. Một số nghị sĩ cầm theo cây gậy để tự vệ nếu gặp đám đông.

Ông Maloney khuyên Hạ nghị sĩ Adam Schiff (đảng Dân chủ, bang California), một gương mặt nhiều người biết đến vì đóng vai trò công tố viên trong vụ luận tội ông Trump, hãy đi lên đầu hàng để đỡ bị đám đông phát hiện ra. Nhưng ông Schiff từ chối.

Tổng cộng, từ khi tòa nhà bị đám đông xông vào, phải mất một tiếng để toàn bộ các nghị sĩ ở cả hai viện có thể sơ tán. Phải mất một tiếng nữa để cảnh sát đẩy đám đông ra khỏi Điện Capitol, nhưng giằng co giữa hai bên vẫn tiếp diễn cho tới chập tối.

Ông Himes nói sự thất bại về an ninh khiến ông bị sốc.

“Tôi đã làm việc tại tòa nhà này 12 năm nay”, ông Himes nói. “Tôi luôn giả định rằng sẽ có một nút màu đỏ ở đâu đó, mà khi bấm thì mọi khu được phong tỏa, không ai có thể đi đâu được. Nhưng hóa ra không phải vậy”.

'Giao thừa New York năm nay sẽ không còn những buổi tiệc say xỉn'

Giao thừa năm 2021 của người Việt trên thế giới sẽ không còn các buổi tiệc đếm ngược đông vui, nhưng thay vào đó là trải nghiệm trò chuyện ấm cúng, nấu ăn cùng nhau.

Người Việt ở Anh bất an giữa lệnh phong tỏa toàn quốc

Lệnh phong tỏa toàn quốc ở Anh từ ngày 4/1 khiến một số người Việt ở London càng cảm thấy bất trắc, khó lên kế hoạch tương lai, giữa lúc biến chủng mới làm số ca nhiễm tăng mạnh.

Trọng Thuấn

Theo Wall Street Journal

Bạn có thể quan tâm