Lệnh phong tỏa toàn quốc ở Anh tối 4/1 làm cho Nguyễn Hải An, 28 tuổi, sống ở London, cảm thấy “ngạc nhiên”. Cô nhận tin ngay trước khi đi ngủ, vào buổi tối ngày làm việc đầu tiên của năm mới.
Trong ngày 4/1, trước phong tỏa, trường trung học nơi Hải An làm việc vẫn tổ chức tập huấn cho các nhân viên, chuẩn bị cho kế hoạch xét nghiệm đại trà toàn bộ học sinh, nhân viên của trường. Đây là điều kiện để các trường mở cửa lại trong tháng này.
“Mình cứ đinh ninh tuần này sẽ đi làm, hỗ trợ việc xét nghiệm đại trà. Nhưng đến đêm lại có email nói dừng hết mọi hoạt động cho tới khi có thông báo”, Hải An nói với Zing vào sáng hôm sau 5/1, khi đang trên xe buýt tới trường. Cô tới trường lấy đồ đạc, sách vở, tài liệu để về làm ở nhà.
"Số ca Covid-19 rất cao ở London. Hãy cẩn trọng" - thông điệp cảnh báo về Covid-19 bên đường ở London ngày 4/1. Ảnh: Reuters |
Phải thay đổi các kế hoạch
Cô cho biết đường có vẻ vắng hơn, còn xe buýt thì “vắng hơn mọi ngày rất nhiều”. Nhiều vùng ở Anh, bao gồm London, đã hạn chế nghiêm ngặt từ trước Giáng sinh do được nâng lên thành vùng dịch cấp độ 4. Nhưng “cấp độ 4 thì nhân viên thiết yếu vẫn làm việc, nhân viên vẫn tới trường để làm, còn bây giờ ở trường cũng hạn chế người đến”, Hải An nói thêm.
Công việc của Hải An ở trường, là dạy kèm học sinh môn toán, sẽ bị ảnh hưởng. Các buổi dạy kèm của cô chưa phải tổ chức trực tuyến trong suốt năm 2020, nên đây sẽ là lần đầu tiên cô phải tự tìm hiểu cách quản lý lớp online.
Vài tuần trước, Nguyễn Hải An (trái) không thể về ăn Giáng sinh ở nhà bố mẹ chồng do lệnh phong tỏa. Ảnh: NVCC. |
“Mình cảm thấy không mấy tự tin, tự dưng bị đẩy vào tình huống khá lạ”, Hải An nói. “Mình không thích dạy online chút nào vì khó quản lý lớp”.
Nguyễn Ngọc Hoàng Sơn, 25 tuổi, du học sinh ngành thiết kế game ở London, cho biết không bị thêm ảnh hưởng trực tiếp từ lệnh phong tỏa ngày 4/1, vì London vốn đã là vùng dịch cấp độ 4 từ trước Giáng sinh.
“Ảnh hưởng nhất là bây giờ mình không về được Việt Nam nữa.... dự định của mình là tháng 4 về Việt Nam, nhưng bây giờ phải hoãn lại cho tới khi có thêm thông tin”, Sơn nói với Zing.
Tối 5/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra quyết định tạm dừng tổ chức chuyến bay về Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, trước hết là từ Anh, Nam Phi.
“Đọc tin bây giờ, mình cảm thấy lo lắng hơn nhiều”, Sơn nói. “Biến chủng mới lây lan khá nhanh, nhìn động thái các nước đối với Anh, tức họ đều coi tình hình rất nghiêm trọng”.
Ngày 4/1, Anh bắt đầu triển khai loại vaccine phòng Covid-19 thứ hai, của Oxford/AstraZeneca, sau vài tuần triển khai loại vaccine đầu tiên của Pfizer/BioNTech - trở thành nước đầu tiên triển khai vaccine được thử nghiệm đầy đủ 3 giai đoạn.
Sống ở quốc gia tiên phong về vaccine như vậy, Sơn cảm thấy lạc quan: “Đây là nước đầu tiên có vaccine (được thử nghiệm hoàn chỉnh), mình cũng nghĩ sẽ là nước sớm nhất đưa mọi thứ trở lại bình thường được”.
Tin nhắn mà Sơn nhận được từ NHS. Ảnh: NVCC. |
Gần đây, Sơn nhận được tin nhắn của Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS), đề nghị mọi người không liên hệ NHS hay bác sĩ của mình để hỏi tiêm vaccine, mà NHS sẽ thông báo khi nào tới lượt.
Hải An chưa biết bao giờ mình sẽ được tiêm vaccine. Trường chỉ thông báo những người làm việc trong trường học như cô sẽ được ưu tiên.
Theo lệnh phong tỏa kéo dài tới giữa tháng 2, người dân chỉ được phép rời nhà vì một số lý do hạn chế như đi làm công việc thiết yếu, mua nhu yếu phẩm, tập thể dục và đi khám. Ngoài ra, người dân còn có thể rời nhà “để thoát khỏi bạo lực gia đình” - một vấn đề nổi lên trong thời gian phong tỏa hồi đầu năm 2020.
Nhân viên y tế đang đưa một bệnh nhân ra khỏi xe cứu thương ở bệnh viện Royal London ở London ngày 5/1. Ảnh: Reuters. |
“Mọi thứ không chắc chắn, khó lên kế hoạch”
Nhưng tín hiệu khả quan về vaccine đang bị phủ bóng đen bởi tình hình dịch bệnh ngày càng tệ đi, khi số ca nhiễm tăng mạnh, vượt trên 50.000 ca/ngày trong tuần qua - một phần do sự xuất hiện của biến chủng mới.
“Mình cảm thấy lo lắng”, Hải An nói về tác động tâm lý của lệnh phong tỏa toàn quốc. “Cảm thấy tương lai khá mù mịt, không lên kế hoạch được ngày mai sẽ làm gì”.
“Đến giờ, các hạn chế đã kéo dài gần một năm, mình cảm thấy mệt mỏi, đôi khi thấy không thực sự thoải mái làm những việc mình vẫn làm”, cô nói thêm. Kế hoạch cưới của cô năm nay, chẳng hạn chụp ảnh cưới ở London hoặc về Việt Nam tổ chức, có thể không thực hiện được.
Bảng thông tin tại một bến tàu ở London ngày 5/1, đề nghị mọi người "chỉ bắt tàu xe đi làm nếu bạn không thể làm việc từ nhà hoặc có các lý do hợp pháp". Ảnh: Reuters. |
Ngày 4/1 mà Hải An làm việc ở trường, văn phòng của cô chỉ có vài người đến, nhưng trong đó hai người vừa mắc Covid-19 trong đợt nghỉ lễ, đã hồi phục. Sếp trực tiếp của cô cũng từng mắc Covid-19.
“Bây giờ mọi thứ đều không chắc chắn”, Sơn nói. “Mình sẽ phải thích nghi với mọi tình huống xảy ra thôi”.
Nguyễn Hoàng Ngọc Sơn, 25 tuổi, có thể không thể về Việt Nam như dự kiến do tình hình dịch bệnh. Ảnh: NVCC. |
Một điều làm Sơn bớt lo hơn là khi theo dõi tình hình tuyển dụng, anh thấy các công việc mình muốn xin sau tốt nghiệp “vẫn đang tuyển khá là nhiều”. “Mình nghĩ mình vẫn có cơ hội”.
Khi được hỏi có trông chờ lệnh phong tỏa sẽ chấm dứt vào giữa tháng 2 như tuyên bố của ông Boris Johnson hay không, Sơn nhắc lại việc thủ tướng Anh từng hứa rằng Giáng sinh sẽ không bị ảnh hưởng, để rồi phải đổi ý và nâng London thành vùng dịch cấp 4.
“Mình tin được một nửa thôi, không tin được hoàn toàn”, Sơn nói.