Mỗi năm, khoa Nhiễm Việt - Anh, Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM tiếp nhận hàng chục ca nhiễm kí sinh trùng vì ăn ốc sên, ốc bươu tái chanh, nướng và tiết canh heo. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoàng Mai, đa số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng. Đã có một số người chết vì bị viêm màng não, nhiều người bị bại liệt phải sống đời sống thực vật suốt đời và có những người bị liên cầu lợn khi được điều trị khỏi bệnh thì vẫn bị di chứng gây bệnh điếc vĩnh viễn.
Sống thực vật vì ốc sên
Bác sĩ Mai cho biết, thời gian gần đây, khoa Nhiễm Việt - Anh tiếp nhận hai bệnh nhân ở quận Gò Vấp, TP.HCM nhập viện với triệu chứng hôn mê sâu do nhậu với ốc sên sống và một trong hai bệnh nhân phải sống đời sống thực vật vĩnh viễn.
Sau khi ăn nhậu với ốc sên một ngày thì cả hai có các triệu chứng đau bụng, nôn ói và nhức đầu. Đi khám ở một số bệnh viện thì các bác sĩ cho rằng bị đau dạ dày và uống thuốc một tuần nhưng không khỏi. Khi phát hiện bị viêm màng não do ăn ốc sên thì hai bệnh nhân đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, co giật. Sau quá trình điều trị dài ngày, một người may mắn khỏi bệnh, người còn lại phải sống đời sống thực vật.
Đầu tháng 7/2014, một bé trai 9 tuổi ngụ quận 8, TP.HCM nhập viện Nhiệt Đới với triệu chứng nôn ói, sốt cao và đau đầu dữ dội, sau khi xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị nhiễm kí sinh trùng trong ốc sên tấn công não gây bệnh viêm màng não do trước đó bệnh nhân này cùng một số người bạn đi bắt ốc sên về nướng ăn.
Mất mạng vì nhộng ve sầu
Không chỉ ăn ốc sên, nhiều người còn săn nhộng ve sầu về làm mồi nhậu khiến không ít người bị ngộ độc dẫn đến tử vong do bị nhiễm một loài nấm trên nhộng ve.
Nhiều người vẫn chưa quên vụ 4 bệnh nhân từ Bà Rịa -Vũng Tàu có biểu hiện ngộ độc được chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM trong tình trạng mê man, co giật vì nhậu nhộng ve chiên giòn, giữa năm 2013. Các bác sĩ xác định bốn bệnh nhân bị nhiễm một loại nấm từ thân nhộng ve sầu. Sau khi cấp cứu kịp thời, bốn bệnh nhân được chuyển sang khoa Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.
Đầu tháng 6/2014 một người dân ngụ tỉnh Bình Phước đã tử vong vì uống rượu với mồi nhậu là hơn chục nhộng ve sầu chiên với hai bạn nhậu. Sau khi kết thúc cuộc nhậu khoảng hơn một giờ thì mọi người phát hiện cả ba nạn nhân nằm mê man nên đưa đi bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, sau đó một trong ba người không qua khỏi do nhiễm độc quá nặng.
Một bệnh nhân đang điều trị tại khoa Nhiễm Việt - Anh, Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM. |
Mặc dù đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc do ăn nhộng ve sầu nhưng theo quan sát của PV tại khu vực làng đại học quốc gia TP.HCM, cứ vào khoảng 19h tối là có rất nhiều sinh viên dùng đèn pin đi soi bắt nhộng ve từ các gốc cây, bụi rậm về nhậu, đặc biệt là khu vực ĐH Nông Lâm, hồ đá và trước Đại học Thể Dục Thể Thao. “Ba năm nay cứ đến mùa hè là tôi và mấy đứa bạn đi soi nhộng ve về chiên ăn mà có ai bị sao đâu. Nhộng ve chiên ăn rất thơm và bùi, đặc biệt là làm mồi nhậu rất tốt” - một sinh viên ĐH Nông Lâm nói.
Theo một bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các trường hợp bị ngộ độc sau khi nhậu nhộng ve sầu là do một loài nấm sống kí sinh trên nhộng ve gây ra. Không chỉ nhộng ve mà các loài côn trùng sống dưới đất thường bị các loài kí sinh trùng, nấm độc bám vào nên rất nguy hiểm. Khi ăn phải loại nấm này, bệnh nhân thường có các biểu hiện đau đầu, buồn nôn, nếu bị nặng sẽ dẫn đến hôn mê sâu.
Không có tác dụng chữa bệnh
Theo các bác sĩ, đa số bệnh nhân bị viêm màng não do ăn ốc sên cho biết bị bệnh đau khớp, nghe nói ăn ốc sên sẽ bù đắp chất nhờn cho khớp nên bắt ăn để trị bệnh
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoàng Mai, khoa Nhiễm Việt - Anh, Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM cho biết, chưa có bất cứ nghiên cứu khoa học nào chứng minh hiệu quả trị bệnh của ốc sên. Ngoài ra, sau khi ăn các loại ốc như ốc sên, ốc bươu vàng chưa qua nấu chín rất dễ nhiễm loài kí sinh trùng tấn công não có tên khoa học Angiostrongylus cantonensis, gây viêm màng não, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và dẫn đến các triệu chứng nặng nề, có thể tử vong hoặc vẫn phải sống đời sống thực vật sau khi cứu sống.
Bác sĩ Mai nói thêm, nhiều dân nhậu có quan niệm phải ăn tái mới ngon, luộc chín quá mất ngọt nên thường làm tái chanh để nhậu hoặc cho rằng rượu có thể diệt được các loại vi khuẩn trong thức ăn còn sống nên chủ quan. Thực tế chanh và rượu không có khả năng diệt được vi khuẩn trên.