Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Máy lắc chuột' giúp nhân viên đánh lừa sếp, giả vờ chăm chỉ làm việc

Thiết bị này được thiết kế để giúp con chuột luôn di chuyển dù bạn rời khỏi bàn làm việc. Nhưng nếu bị bắt quả tang, nguy cơ đuổi việc là rất cao.

Nhiều người sử dụng động tác lắc chuột để tạo ấn tượng sai lầm về công việc. Ảnh: Vaydeer.

Mới đây, Wells Fargo, một trong những ngân hàng lâu đời nhất nước Mỹ, đã sa thải hàng chục nhân viên vì hành vi lợi dụng công nghệ để giả vờ làm việc.

Điều này cho thấy một cuộc chiến đang nổ ra trong nội bộ các tập đoàn Mỹ. Cấp trên luôn ám ảnh với năng suất công việc, trong khi cấp dưới liên tục tìm cách lách luật bằng các “máy lắc chuột” (mouse jiggler), AFP nhận định.

Kể từ sau đại dịch Covid-19, trong nội bộ tập đoàn, nhiều nhà quản lý đang sử dụng các công cụ tinh vi, được gọi là “tattleware” hoặc “bossware”, trên các thiết bị được công ty cấp để theo dõi tiến độ làm việc, đặc biệt là với những nhân viên làm việc tại nhà hoặc hybrid.

Một số nhân viên tìm cách qua mặt bằng máy lắc chuột. Nó sẽ mô phỏng chuyển động của con trỏ chuột, trông có vẻ như vẫn hoạt động và ngăn laptop tự động chuyển sang chế độ ngủ. Nhưng thực tế là họ đang chợp mắt hay bận việc cá nhân.

Điều này đã dấy lên một cuộc tranh luận trong các công ty Mỹ. Họ nghi ngờ liệu thời gian bật laptop và chuyển động chuột, gõ bàn phím có phải là thước đo hiệu quả để kiểm soát năng suất làm việc của cấp dưới giữa xu hướng làm việc từ xa hay không.

Sếp đòi giám sát, nhân viên muốn lách luật

Với trường hợp của Wells Fargo, các nhân viên đã bị sa thải vào tháng trước sau cuộc điều tra về các cáo buộc "làm giả hoạt động bàn phím, giả vờ làm việc", Bloomberg đưa tin. Wells Fargo “yêu cầu nhân viên phải tuân thủ những tiêu chuẩn cao nhất và không tha thứ cho những hành vi phi đạo đức”.

May lac chuot anh 1

Càng bị giám sát, nhân viên càng cố tìm cách qua mặt sếp bằng cách công cụ, phần mềm bên ngoài. Ảnh: Shutterstock.

Nhiều cuộc khảo sát ở Mỹ cho thấy nhu cầu về phần mềm giám sát nhân viên đã tăng lên kể từ đại dịch. Các hệ thống này theo dõi hoạt động bằng cách giám sát máy tính, thao tác gõ phím và thậm chí cả vị trí GPS.

Theo Harvard Business Review (HBR), một công ty marketing tại Florida đã cài đặt phần mềm này trên thiết bị của nhân viên để chụp ảnh màn hình PC mỗi 10 phút/lần.

Những công cụ giám sát như trên đã dẫn đến một hệ quả. Đó là xu hướng “năng suất làm việc giả tạo”. Các nhân viên luôn tìm cách thể hiện rằng mình bận rộn nhưng thực tế lại chẳng làm gì có ích cho công ty.

Thậm chí, một loạt video “hướng dẫn” trên TikTok và YouTube còn dạy cách tỏ ra như thể đang làm việc trên màn hình máy tính. Màn hình này thường tự động chuyển sang màu đen sau vài phút không hoạt động.

Nội dung video bao gồm các mẹo giả vờ dùng PowerPoint mỗi khi nhân viên cần chợp mắt buổi chiều. Trong một video TikTok, Sho Dewan, một KOL tự nhận từng là nhà tuyển dụng, cho biết chỉ cần nhấn vào nút “trình chiếu” là có thể qua mặt cấp trên. Thiết bị sẽ vẫn "hoạt động" vì màn hình đang chiếu bài thuyết trình Powerpoint. Video này đã thu hút hàng triệu lượt xem trên nền tảng.

Trong số hàng trăm bình luận bên dưới video, không ít người xem đã chia sẻ kinh nghiệm giả vờ làm việc của mình. “Trước kia, tôi thậm chí còn phải dán chuột vào quạt và để nó quay. Tại sao tôi không tìm thấy video sớm hơn cơ chứ?”, một người viết.

Văn hóa làm việc bị ám ảnh với số liệu

Một thủ thuật khác là mở ứng dụng ghi chú và dùng vật đè lên một chữ cái bất kỳ trên bàn phím. Nhờ vậy, hệ thống theo dõi sẽ ghi nhận nhân viên đang làm việc, trong khi thực tế đó chỉ là trang tài liệu chi chít một chữ cái.

Nhưng mẹo phổ biến nhất là sử dụng máy lắc chuột (mouse jiggler) để mô phỏng chuyển động chuột máy tính. Thiết bị được bán trên Amazon với giá chỉ 11,86 USD).

“Bạn chỉ cần nhấn vào nút khi đứng dậy khỏi bàn làm việc. Sau đó, con trỏ sẽ di chuyển ngẫu nhiên quanh màn hình trong nhiều giờ liền”, trích một bài đánh giá sản phẩm trên Amazon.

Song, nguy cơ bị bắt quả tang vẫn rất cao.

May lac chuot anh 2

Máy lắc chuột sẽ giả lập hành động di chuột để có vẻ như người dùng vẫn đang sử dụng máy tính. Ảnh: Unsplash.

Một bài đăng nổi tiếng trên Reddit có tiêu đề “Sếp đã bắt quả tang khi tôi đang gian dối bằng chuột máy tính”. Trong bài viết, anh nói mình đã cài đặt một phần mềm mô phỏng chuột trên máy tính. Hành vi vi phạm này là “giọt nước tràn ly”, dẫn đến bị đuổi việc sau nhiều lần liên tục xin phép vắng họp với lý do “mất điện” và “mắc mưa”.

Bình luận bên dưới, nhiều người cho biết sử dụng những thiết bị vật lý sẽ “không thể phát hiện”.

Theo AFP, các chuyên gia ngành nhân sự đã cảnh báo về sự nguy hiểm của các hệ thống giám sát nhân viên. Đồng thời, họ cho rằng các cấp trên không nên đánh đồng năng suất làm việc với thao tác bàn phím, chuột máy tính. Một cuộc khảo sát được HBR trích dẫn cho thấy việc bí mật giám sát nhân viên có thể “gây phản tác dụng nghiêm trọng”.

“Chúng tôi nhận thấy những nhân viên bị giám sát sẽ ít được cho phép nghỉ giải lao, coi thường quy định, làm hư hỏng tài sản tại nơi làm việc, ăn cắp thiết bị văn phòng và cố tình làm việc với tốc độ chậm”, báo cáo viết.

A.J. Mizes, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Human Reach, cho biết việc sử dụng máy lắc chuột cho thấy văn hóa làm việc hiện nay đang bị ám ảnh bởi số liệu, thay vì năng suất thực sự và sự kết nối giữa người với người.

“Một xu hướng đáng lo ngại khi nhân viên bị giám sát quá mức đang diễn ra bên trong các công ty Mỹ. Thay vì khơi dậy sự sáng tạo và niềm tin, điều này sẽ chỉ khiến nhân viên tìm ra những chiêu trò, mánh khóe để tỏ ra bận rộn”, A.J. Mizes nói.

Những nhà khoa học tiên phong

"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.

Thúy Liên

Bạn có thể quan tâm