Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thiên vị Barca, trọng tài bị dọa giết suốt 10 năm

Năm 2009, Tom Henning Ovrebo tạo nên một trong những trận đấu gây tranh cãi nhất lịch sử Champions League khi từ chối ít nhất 4 quả 11 m của Chelsea trước Barca.

Hơn một thập niên sau đêm định mệnh ở Stamford Bridge, bóng đá thế giới có nhiều thay đổi. Barca không còn thống trị châu Âu, Pep Guardiola giờ là HLV của Man City, Chelsea cuối cùng cũng có chức vô địch Champions League sau nhiều lần lỡ hẹn, nhưng ký ức về trọng tài Tom Henning Ovrebo vẫn như vết nhơ không thể gột rửa trong lòng các cổ động viên "The Blues".

Ít nhất 4 quả 11 m bị từ chối khiến đội bóng thành London phải dừng bước ở bán kết Champions League một cách tức tưởi. Barca sau đó đăng quang ngôi vô địch khi đánh bại Man Utd ở chung kết, HLV Guus Hiddink không thể trở thành "kẻ đóng thế" vĩ đại, còn Chelsea phải chờ thêm 3 năm để được chạm tay vào cúp bạc danh giá.

Trong tai bi doa giet anh 1

Hàng loạt quyết định gây tranh cãi của trọng tài Ovrebo khiến Chelsea bị loại khỏi Champions League 2008/09. Ảnh: Getty Images.

Sự căm phẫn trong bất lực

Chelsea tiếp đón Barca tại Stamford Bridge sau khi cầm hòa đội chủ sân Camp Nou 0-0 ở trận lượt đi. Bộ ba Thierry Henry - Samuel Eto'o - Lionel Messi đã thất bại trong việc xuyên thủng mành lưới của thủ thành Petr Cech. HLV Pep Guardiola cùng các học trò chỉ cần ít nhất một trận hòa có tỷ số để giành vé vào chung kết nhờ luật bàn thắng sân khách. Kịch bản diễn ra đúng như vậy, nhưng nó lại là trận đấu ám ảnh các cổ động viên Chelsea tới tận hôm nay.

Lợi thế sân nhà giúp đại diện nước Anh chơi tự tin ngay từ những phút đầu. Cú nã đại bác bóng sống của Michael Essien ở phút thứ 9 càng làm tăng hưng phấn cho các học trò của HLV Hiddink. Chelsea đẩy cao đội hình, dồn ép Barca với hàng loạt pha bóng đầy tốc độ và sức mạnh.

Phút 24, Dani Alves vật ngã Florent Malouda trong vùng cấm nhưng những gì Chelsea nhận được là quả đá phạt trực tiếp. Đó không phải tình huống duy nhất đội chủ nhà bị từ chối phạt đền. Chỉ 3 phút sau, Didier Drogba bị Eric Abidal phạm lỗi trong pha đối mặt thủ thành Victor Valdes. Trọng tài Ovrebo tiếp tục lắc đầu.

Phút 82, Nicolas Anelka tâng bóng trúng tay Gerard Pique trong vùng cấm. Bóng đổi hướng một cách rõ rệt. Vị vua áo đen người Na Uy đứng ngay gần đó nhưng ông vẫn không thổi 11 m.

Song, tất cả sự bất công ấy không khiến đội chủ sân Stamford Bridge dừng bước trong việc tìm bàn kết liễu đối thủ. Chelsea không muốn bảo toàn tỷ số trong bối cảnh tinh thần toàn đội đang hưng phấn. Hơn nữa, chỉ cần ghi được một bàn, Barca sẽ giành quyền vào vòng trong.

Và mọi chuyện diễn ra đúng như thế. Phút bù giờ thứ ba, Messi đi bóng ngang khung thành trước khi chuyền cho Iniesta tung cú sút xa khiến Cech bay người hết cỡ cũng không thể cản phá. Tiền vệ người Tây Ban Nha cởi áo, hướng về phía góc sân ăn mừng, HLV Guardiola điên cuồng chạy dọc đường biên, còn thầy trò Hiddink đổ gục xuống sân sau khi mọi cố gắng và hy vọng bị dập tắt.

Trong tai bi doa giet anh 2

Drogba phẫn nộ với hành động của trọng tài và bị treo giò 5 trận. Ảnh: Reuters.

Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc. Đỉnh điểm của trận đấu diễn ra ở phút 90+6, khi Eto'o dùng tay cản phá cú sút của Ballack. Cả khán đài Stamford Bridge nín thở chờ đợi tiếng còi từ Ovrebo, nhưng một lần nữa, không có gì.

Tiền vệ người Đức đuổi theo vị vua áo đen đòi công bằng. Ovrebo không dám dừng lại phân trần, cũng như nhìn thẳng vào mặt Ballack. Thay vào đó, ông chạy về giữa sân trong tư thế như thể không có chuyện gì xảy ra.

Công lý đã không đứng về phía Chelsea hôm đó. Thầy trò HLV Hiddink bị loại một cách tức tưởi. Lần lượt Frank Lampard, John Terry, Alex tiến đến phân bua với trọng tài sau khi trận đấu kết thúc. Drogba còn tệ hơn khi chỉ thẳng mặt Ovrebo và nhận một thẻ vàng.

Trước khi tiến vào đường hầm, chân sút người Bờ Biển Ngà quay trở lại, trợn mắt và hét thẳng vào ống kính máy quay: "Mọi người vẫn đang theo dõi chứ? Những thứ này là mớ rác rưởi, một nỗi ô nhục".

Drogba sau đó lĩnh án treo giò 5 trận vì hành vi phi thể thao. HLV Hiddink gọi Ovrebo là trọng tài tệ nhất thế giới trong phòng họp báo. Các cầu thủ Barca lảng tránh nói đến những tình huống Chelsea bị xử ép. Khái niệm "UEFA-lona" ám chỉ sự thiên vị Liên đoàn Bóng đá châu Âu dành cho đội chủ sân Camp Nou cũng từ đó ra đời. Song, với Ovrebo, khoảng thời gian sau đó với ông là những ngày tháng sống trong địa ngục.

Giã từ bóng đá vì bị dọa giết

Sau trận đấu, vị vua áo đen sinh năm 1966 tiến vào đường hầm dưới sự bảo vệ của nhiều nhân viên an ninh. Ông phải thay đổi khách sạn để không bị các cổ động viên Chelsea bám theo. Những ngày sau đó, Ovrebo tự cô lập và chăm sóc bản thân trong phòng. UEFA yêu cầu ông không trả lời truyền thông về trận đấu này. Năm 2010, cựu trọng tài người Na Uy dừng sự nghiệp cầm còi quốc tế và chính thức nghỉ hưu 3 năm sau đó.

Gõ cụm từ "Kill Tom Henning Ovrebo" vào mục tìm kiếm trên mạng xã hội, dễ thấy một nhóm công khai được lập ra năm 2009 vẫn tồn tại đến hôm nay. Trong đó có nhiều bài đăng hướng sự thù ghét tới Ovrebo. "Hy vọng Henning có thể thấy lão ta đã làm gì với các cầu thủ và người hâm mộ. Không khó hiểu khi mọi người cảm thấy phẫn nộ về trận đấu này. Dù sao chúng ta cũng phải chấp nhận nó, nhưng ông hãy đi chết đi Henning Ovrebo", một cổ động viên chia sẻ.

Trong tai bi doa giet anh 3

Ovrebo trở về Na Uy để làm công việc của chuyên gia tâm lý sau khi treo còi. Ảnh: The Times.

"Tôi vẫn nhận được vài email dọa giết, nhưng tất nhiên chúng đi thẳng vào thùng rác. Tôi không quan tâm đến chúng, dù đôi khi cũng tự hỏi ai là người gửi. Mới hôm qua, tôi nhận được email từ người hâm mộ Chelsea nói anh ta muốn giết gia đình tôi", cựu trọng tài Ovrebo chia sẻ với The Times năm 2018.

Ông nói thêm: "Những ai hiểu rõ luật đều biết lẽ ra tôi nên làm khác đi, nhưng đó là số phận của một trong tài. Đó không phải là ngày mà tôi có được sự sáng suốt. Song, những sai lầm ấy vẫn có thể xuất phát từ một trọng tài, cầu thủ, hoặc HLV. Đôi khi, một ngày nào đó, bạn có những hành động mà bạn không thể hiểu nổi và không bao giờ nên có. Tôi không thể quên được những gì mình đã làm vào hôm ấy".

Sau những sai lầm trên sân Stanford Bridge, Ovrebo trở về quê nhà Na Uy, khoác lên mình chiếc áo thầy tu để tìm kiếm sự thanh thản và quay lại với công việc của chuyên gia tâm lý. Ông cũng đoạn tuyệt với mạng xã hội cho đến nay để tránh phiền phức. Năm 2019, trong lần trả lời tạp chí Panenka, Ovrebo thừa nhận giá như ngày đó có công nghệ VAR, mọi chuyện có lẽ đã không trở nên tồi tệ.

Mọi thứ đã có thể thay đổi nếu như Chelsea được hưởng chỉ một quả phạt đền. Chính những cầu thủ Barca đã thừa nhận điều này. Song, thầy trò Hiddink thua, còn Barca chiến thắng. Quá khứ là điều không thể thay đổi. Song, những cảm xúc của đêm hôm đó vẫn mãi đọng lại trong lòng các cổ động viên bóng đá, để mỗi khi Chelsea đối đầu Barca, người ta lại nhớ đến Ovrebo như một kẻ tội đồ.

Ba năm sau, Chelsea gặp lại Barca tại bán kết Champions League 2011/12. Đội bóng London giành chiến thắng 3-2 chung cuộc, trước khi đánh bại Bayern Munich ở chung kết để đăng quang ngôi vô địch. Ở trận lượt về trên sân Camp Nou, Chelsea gặp bất lợi khi trọng tài truất quyền thi đấu của Terry giữa hiệp một. Tuy nhiên, trong tình huống đá 11 m, Messi bỏ lỡ khi đưa bóng đi dội xà. Những phút bù giờ trên sân diễn ra cảm xúc khi Fernando Torres ghi bàn kết liễu Barca từ một tình huống phản công.

Làm bạn với lối sống bê tha, cựu sao Chelsea bị hủy hoại sự nghiệp

Adrian Mutu không phải cầu thủ hạng xoàng của bóng đá thế giới hơn hai thập niên trước. Tuy vậy, lối sống vô kỷ luật và bê tha đẩy tài năng này tới lụn bại.

Torres và những cầu thủ chịu 'lời nguyền số 9' ở Chelsea

Fernando Torres và Hernan Crespo là 2 trong những cầu thủ không thi đấu thành công khi khoác áo số 9 tại sân Stamford Bridge.

Thế Anh

Bạn có thể quan tâm