Lâm Vy Nhân là một nhà thơ nữ đa tài. Những tác phẩm của bà thể hiện được cá tính của người phụ nữ hiện đại, muốn được tự do yêu đương và thể hiện “cái tôi” cá nhân. Bà từng giảng dạy Văn học Anh tại Đại học Thanh Hoa. Ngoài làm thơ, bà còn đam mê hội họa và kiến trúc. Lâm Vy Nhân là một trong những người tham gia thiết kế quốc huy của Trung Quốc.
Lâm Vy Nhân sinh năm 1904 tại mảnh đất Hàng Châu thơ mộng. Từ khi còn là một cô bé, với đôi mắt đen lúng liếng và gương mặt tựa trăng rằm, tiểu thư nhà họ Lâm đã mang một vẻ ngoài khả ái, khiến người ta bị thu hút ngay lần đầu gặp mặt. Nhiều người quả quyết rằng: Lâm Vy Nhân sẽ trở thành một đại mỹ nhân trong tương lai.
Cách mạng Tân Hợi nổ ra, triều đình Mãn Thanh sụp đổ, chính quyền Dân quốc đang nắm thế thượng phong. Cha của Lâm Huy Nhân là Lâm Trường Dân lại là một nhân vật quan trọng trong chính phủ mới. Do yêu cầu công việc của Lâm tiên sinh, Lâm gia chuyển tới Bắc Kinh sinh sống. Cô bé Lâm Vy Nhân vô cùng háo hức với chuyến đi xa đầu tiên trong đời.
Nơi phồn hoa đô hội như Bắc Kinh, rất hợp với những cô gái phóng khoáng, tiếp xúc với nhiều tư tưởng tân tiến của phương Tây như Vy Nhân. Bước vào tuổi thiếu nữ, Lâm tiểu thư đã được người ta ngợi ca là “Đệ nhất mỹ nữ Bắc Kinh”. Nhiều người còn đồn rằng: vào ban đêm, nhà của bộ trưởng Lâm Trường Dân không ngớt tiếng chó sủa, bởi đám thanh niên luôn rình rập để có cơ hội ngắm con gái ông, dù chỉ là bóng lưng in trên cửa sổ.
Tình đầu ngây dại ở xứ sở sương mù
Đầu những năm 20 của thế kỷ trước, tình hình Trung Quốc rất rối ren. Vì muốn cô con gái yêu được an toàn và phát triển trong môi trường tốt nhất, Lâm Trường Dân đã có ý định cho ái nữ sang nước ngoài du học. Năm 16 tuổi, Lâm Vy Nhân theo cha đến Anh quốc. Tại đây, cô tiểu thư xinh đẹp đã gặp mối tình đầu của mình là nhà thơ điển trai Từ Chí Ma.
Chuyện tình của Lâm Vy Nhân và Từ Chí Ma đã được hai diễn viên Châu Tấn- Huỳnh Lỗi thể hiện rất cảm động qua bộ phim Khúc nhạc tháng tư. |
Từ nhỏ, Vy Nhân đã yêu thơ ca và thích làm thơ, gặp được Từ Chí Ma, Lâm tiểu thư như gặp được tri kỉ. Tình yêu nảy nở giữa hai tâm hồn đồng điệu ấy lúc nào không hay. Tiếc rằng, lúc này Từ Chí Ma đã có gia đình ở Trung Quốc. Ông và người vợ “kết tóc” là Trương Ấu Nghi đến với nhau không phải vì tình yêu.
Mãi đến khi gặp Lâm Vy Nhân, chàng thi sĩ mới biết ái tình thật ngọt ngào. Ông quyết tâm bỏ vợ để đường hoàng sống bên người mình yêu. Từ Chí Ma dặn Lâm Vy Nhân hãy ở lại Anh chờ đợi, để ông về Trung Quốc hoàn tất thủ tục ly hôn.
Nhưng Lâm tiểu thư vốn là một cô gái nhân hậu và sống rất lý trí. Cô biết rằng mình không thể hạnh phúc trên nỗi đau của người phụ nữ khác, nên đã bí mật để lại cho Từ Chí Ma một bức thư ly biệt và lặng lẽ trở về Trung Quốc.
Người bạn đời tri kỉ và người tình vĩ đại
Cha của Lâm Vy Nhân rất phiền lòng khi thấy con gái cưng của mình buồn bã về nước. Ông muốn tìm cho ái nữ của mình một mối lương duyên tương xứng để sớm thoát khỏi sự đeo bám của Từ Chí Ma. Và Lương Tư Thành, con trai thứ của học giả Lương Khải Siêu là một lựa chọn thích hợp nhất.
Lương công tử có vẻ ngoài điển trai, lại đang du học ở Mỹ nhiều năm, nên có cách nghĩ và nhiều sở thích tương đồng với Lâm Vy Nhân. Hai người quen biết được một thời gian ngắn thì Lương Tư Thành bị tai nạn. Lâm Vy Nhân đã ở bên ông, hết lòng chăm sóc. Nhân cơ hội này, Lương Tư Thành đã tỏ tình với người con gái xinh đẹp đang ở trước mặt mình. Nữ thi sĩ không chút do dự, gật đầu đồng ý.
Vẻ đẹp rực rỡ thanh tân của Lâm Vy Nhân khi còn là thiếu nữ. |
Sau đó, cả hai sang Mỹ và học tiếp tại đại học Đại học Pennsylvania. Năm 1925, tin dữ ập đến với Lâm Vy Nhân khi bà đang ở xứ người. Bộ trưởng Lâm Trường Dân đột ngột qua đời. Lúc này, Lương Tư Thành luôn ở bên chăm sóc Lâm Vy Nhân không rời, vì sợ bà suy sụp mà nghĩ quẩn.
Trải qua bao sóng gió, Lâm Vy Nhân nhận ra Lương Tư Thành là người đáng tin cậy để bà trao gửi hạnh phúc nửa đời còn lại. Năm 1928, họ kết hôn tại Mỹ với một đám cưới đậm chất Trung Hoa khi tân nương mặc bộ y phục màu đỏ rực.
Tình sử của Lâm Vy Nhân chưa dừng lại ở đây. Khi đã là Lương phu nhân, bà đã gặp gỡ và kết bạn với triết gia Kim Nhạc Lâm. Lâm Vy Nhân bị choáng ngợp trước sự uyên bác và óc hài hước của vị triết gia điển trai này. Bà chợt nhận ra tình cảm của mình và Kim Nhạc Lâm không phải là tình bằng hữu thông thường.
Bà đem chuyện đó nói hết với Lương Tư Thành. Ông không oán giận vợ và nói những lời thật lòng khiến người ta kinh ngạc: “Cảm ơn em, vì đã không lừa dối anh! Nếu em chọn Nhạc Lâm, anh sẽ chúc phúc cho hai người”.
Lâm Vy Nhân thấy rất hối hận trước sự rộng lượng của chồng. Bà đem câu chuyện giữa hai người kể cho Kim Nhạc Lâm. Ông cũng vô cùng bất ngờ và nói rằng: “Tư Thành mới là người yêu em nhất. Anh ấy yêu em còn nhiều hơn cả anh. Hãy quay về bên chồng và quên hết những chuyện giữa hai chúng ta”.
Lâm Vy Nhân và Lương Tư Thành đã có một cuộc hôn nhân rất hạnh phúc. |
Lương Tư Thành khiến người ta cảm phục bởi những gì ông làm trong đám tang của Từ Chí Ma. Năm 1934, nhà thơ họ Từ mất do tai nạn máy bay ở Quảng Đông. Lương Tư Thành đích thân đến nơi, cùng gia quyến lo hậu sự. Khi về, ông còn mang về cho Lâm Vy Nhân một mảnh thép cháy đen từ chiếc máy bay gặp nạn để bà giữ làm kỷ niệm.
Lại nói về Kim Nhạc Lâm, sau khi Lâm Vy Nhân quay về bên Lương Tư Thành, ông lặng lẽ trở thành một người hàng xóm tốt, sống bên cạnh nhà họ. Mỗi lần, vợ chồng Lâm Vy Nhân cãi nhau, Kim Nhạc Lâm đều đứng ra giảng hòa. Khi Lâm Vy Nhân qua đời vì bệnh nặng, Nhạc Lâm vẫn tự tay tổ chức sinh nhật cho bà. Suốt đời triết gia họ Kim không kết hôn, sống cô độc ôm ấp hình bóng nàng thơ xinh đẹp.