Nguyễn Ngọc Tư sinh ra và gắn bó với mảnh đất Cà Mau, được biết tới với những trang văn lay động về bi kịch của con người nơi vùng quê, nhất là thân phận người phụ nữ.
Năm 2018, chị đạt giải thưởng LiBeraturpreis - một giải thưởng có lịch sử 30 năm trao cho các nữ tác giả có tác phẩm được dịch sang tiếng Đức. Chị đang sử dụng một phần tiền trong gói dự án của giải thưởng LiBeraturpreis để thực hiện cuộc thi viết truyện ngắn "Một nửa làm đầy thế giới".
"Phụ nữ ở đâu cũng mang những thương tổn giống nhau"
- Từ “Cánh đồng bất tận” gây tiếng vang tới tập truyện mới nhất - “Cố định một đám mây” - các trang viết của chị luôn khiến bạn đọc xót xa về những thân phận phụ nữ. Điều gì khiến chị quan tâm và dành nhiều dung lượng viết về phụ nữ như vậy?
- Tự nhiên thôi. Tôi mà lấy nhân vật nam giới làm chủ đạo thì mới đáng ngạc nhiên chứ. Ngoài chuyện tôi là phụ nữ ra, bà ngoại, má, và chị gái cũng là những người ảnh hưởng sâu sắc tới mình. Nhưng thật tình tôi không quá chú ý chuyện nhân vật trong tác phẩm mình viết là nam hay nữ.
Tôi có một ý tưởng, và việc phải làm là nghĩ ra những bối cảnh những nhân vật đi lại nói cười để phục vụ cho ý tưởng đó. Lúc nhìn lại thì đúng là có nhiều phụ nữ thật (cười).
Cái khổ, cái nghèo, bi kịch đeo bám như bất tận với người phụ nữ trong trang văn Nguyễn Ngọc Tư. Ảnh: Hình ảnh trong phim Cánh đồng bất tận. |
- Nhân vật nữ trong truyện của chị sống động như thể họ có thật, bước từ đời thật vào tác phẩm. Chị có sử dụng nguyên mẫu nào cho tác phẩm của mình?
- Không có nguyên mẫu rõ ràng nào nhưng lại từ rất nhiều nguyên mẫu. Những người phụ nữ trong trang sách tôi sẽ không có sức sống nếu như tôi không quan sát những người phụ nữ ở quanh mình, đi ngang qua mình. Một nhân vật là tập hợp, và là chắt lọc của nhiều con người mà tôi biết. Khó nói chị A trong cuốn sách này là ai ở ngoài đời.
- Đọc những trang viết của chị khiến nhiều người hình dung đó là cuộc sống nơi miền Tây Nam Bộ. Phải chăng phụ nữ vùng đất ấy gặp quá nhiều đau khổ, từ cái nghèo, bi kịch đàn bà, tới cả những thứ khó lường như thiên tai ập đến?
- À, đó là một kiểu nghĩ mang tính mặc định, khi cho rằng mảnh đất trong văn chương tôi là Tây Nam Bộ. Không hẳn đâu, có thể lời ăn tiếng nói, phong thổ trong trang viết ấy trông có vẻ vậy, nhưng con người ở vùng miền nào cũng cùng mang những tổn thương gần giống nhau, không khu biệt. Họ có thể hơi nhạy cảm và phức tạp hơn những người đàn bà ngoài đời mà bạn biết, nhưng họ ở đâu đó, ngay bên cạnh bạn, không chừng.
- Vì sao chị chỉ viết về thân phận lam lũ cơ cực, mà hiếm thấy người phụ nữ hạnh phúc, thành công trong tác phẩm chị?
- Tôi nghi hai từ “hạnh phúc” có thể không có thật. Và tôi cảm thấy đạt được một cái gì mà mình mơ ước, cảm giác ấy cũng quá nhạt nhẽo. Tôi mê công nghệ, luôn có cái khoảng thời gian để nhắm tới thứ đồ mà mình muốn mua.
Đó là khoảng thời gian tuyệt vời, tôi lên mạng săm soi, ngắm nghía nó. Tôi đọc nhưng đánh giá của người dùng trước mình về nó. Và tôi phải chờ đợi rất lâu mới chạm được vào nó, sau cuộc cày cuốc kiếm tiền. Nhưng khi có được thứ mà ta muốn, vui mừng được một khoảng thời gian ngắn ngủi, rồi hết. Thật tẻ nhạt khi miêu tả cảm giác đó.
“Với chữ, tôi quyết liệt, kỹ tính, cầu toàn"
Cánh đồng bất tận bản tiếng Việt và tiếng Đức. |
- Từ một cô bé nơi miền quê lam lũ, học hành dở dang, chị đã nuôi dưỡng ước mơ thế nào, trải qua hành trình ra sao để trở thành nhà văn được yêu thích?
- Tôi chỉ viết, vậy thôi. Cố tránh đừng lặp lại, nếu không thể vượt qua mình. Nghĩ rằng đây là công việc duy nhất mình làm tốt, nếu gắng sức hơn nữa thì có thể làm tốt hơn. Văn chương là công việc không bờ bến chi hết, tôi cũng không biết mình ở đâu (một hay vài giải thưởng không nói lên được cái gì), nhưng tôi nghĩ, mình lao động như vậy là xứng đáng với tình cảm của bạn đọc dành cho mình.
- Bạn đọc biết tới Nguyễn Ngọc Tư với lối viết cảm xúc, tự nhiên, nhưng ở tập truyện mới nhất chị viết đầy kỹ thuật, tiết chế cảm xúc. Điều gì khiến chị có sự thay đổi trong lối viết?
- Tôi bắt đầu viết có ý thức. Không bản năng như trước nữa. Bản năng không phải là thứ có thể đầy hoài không cạn, tôi phải học thêm. Những thứ mà tôi học được qua đọc, quyết định phần lớn cách viết. Và tâm thế nữa, một người chớm già không thể viết như thể mình mới qua tuổi hai mươi.
- Nguyễn Ngọc Tư đời thường và Nguyễn Ngọc Tư nhà văn có điều gì giống và khác nhau?
- Với chữ tôi quyết liệt, kỹ tính và cầu toàn hơn. Con người nhà văn khá là khó ưa, chảnh, khó thương lượng (cười). Nhưng tôi ngoài đời cũng hơi thờ ơ, hời hợt, kiểu như sao cũng được. Và cả hai đều phớt tỉnh chuyện người ta nghĩ gì về mình.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trong buổi ký tặng sách tại Đức. Cùng phần thưởng cá nhân, ban tổ chức giải LiBeratupreis dành 6.000 Euro để Nguyễn Ngọc Tư sử dụng cho một dự án viết lách ở VN. |
- Điều gì khiến chị dành phần thưởng của Giải LiBeratupreis để tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn “Một nửa làm đầy thế giới”?
- Chọn cách dùng số tiền (không phải là lớn lắm) của gói dự án kèm theo giải thưởng này thật sự là một gánh nặng. Tôi không giỏi xài tiền, nhất là tiền không phải của mình. Nhưng các việc mà tôi nghĩ ra, thì đây là việc tôi thấy có ý nghĩa nhất.
Nói thật là tôi không kỳ vọng nhiều, cả khi ban tổ chức lâu lâu viết thư báo bạn viết tham gia khá đông. Tôi cảm giác được mặt bằng văn chương xứ mình. Những cuộc thi treo giải thưởng cao ngất còn chẳng thu hoạch được là bao. Chỉ cái ý nghĩa khích lệ những người có khả năng văn chương ngồi vào bàn viết, thì cũng xứng đáng rồi.