Theo CNN, 13.000 năm trước 35 loài thú khổng lồ gồm voi mamoth, voi răng mấu, hổ răng kiếm và lười mặt đất đồng loạt tuyệt chủng. Năm 2007, một số nhà khoa học đưa ra lý thuyết rằng một thiên thể rơi xuống Trái Đất khiến nhiệt độ hành tinh giảm mạnh và dẫn tới tình trạng tuyệt chủng.
Ở thời điểm đó, dân số loài người cũng sụt giảm nghiêm trọng. Vụ va chạm gây ra những đám cháy rừng khổng lồ, tạo ra lượng khói che khuất Mặt trời và dẫn tới một mùa đông kéo dài trong khoảng 1.400 năm.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học South Carolina mới đây phát hiện thấy bằng chứng của vụ va chạm. Đó là lượng platinum lớn trong trầm tích ở châu Âu, Tây Á, Chile, Nam Phi và Bắc Mỹ. Platinum là kim loại có mặt trong các thiên thể như tiểu hành tinh, sao chổi và thiên thạch.
Voi mamoth, voi răng mấu, hổ răng kiếm và lười mặt đất đồng loạt tuyệt chủng khoảng 13.000 năm về trước. Ảnh: New Scientist. |
“Chúng tôi tìm thấy nhiều bằng chứng và mở rộng khu vực nghiên cứu. Trong vài năm qua cũng có nhiều khảo sát cho thấy một vụ va chạm đã dẫn tới hiện tượng thay đổi khí hậu 13.000 năm trước”, CNN dẫn lời nhà địa chất học Christopher Moore thuộc Đại học South Carolina.
Lượng platinum có mặt trong trầm tích ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy vụ va chạm gây ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Nhóm nghiên cứu xác định thiên thể trên đã rơi xuống khu vực Greenland, tạo ra một hố sâu khổng lồ và sẽ tiến hành xác định niên đại của hố sâu này.
Lý thuyết trên có tên gọi Younger Dryas Impact, lấy tên của loài hoa dại Dryas octopetala. Loài hoa này mọc ở châu Âu từ 12.800 năm trước và có thể chống chọi được thời tiết giá lạnh.