Bài viết là quan điểm của cây viết Wade Shepard, Forbes.
"Các thành phố ven biển là cửa ngõ giữa con người và thiên nhiên", Marc Collins, cựu bộ trưởng du lịch của quần đảo Polynesia thuộc Pháp chia sẻ. Collins có một giấc mơ điên rồ: xây dựng các thành phố nổi trên toàn thế giới.
Tôi lắng nghe Collins bởi tôi biết rằng anh có thể đúng: đối với các cộng đồng phải đối mặt với mực nước biển dâng cao, biển là biên giới cuối cùng.
Nước biển đang dâng ngày càng nhanh
Từ xưa tới nay, con người luôn có xu hướng kéo đến gần biển để xây dựng các thành phố. Ngày nay, các thành phố ven biển chiếm hơn 50% dân số thế giới. Theo UN Habitat, đến năm 2035, 90% tất cả các siêu đô thị - thành phố có hơn mười triệu người - sẽ ở trên bờ biển.
Phối cảnh dự án Blue Frontiers tại quần đảo Polynesia. |
Các tài sản giá trị cao, cơ hội kinh tế đều tập trung ở đây. Các chính phủ châu Á cũng thúc đẩy việc phát triển kinh tế dọc biển, thậm chí còn sẵn sàng lấn biển để tạo ra những vùng đất mới.
Trong khi đó, mực nước biển đang dâng lên ngày càng nhanh, và nhiều thành phố ven biển có nguy cơ bị cuốn trôi trong thế kỷ tới.
Nước Mỹ sẽ tốn khoảng 400 tỷ USD trong 20 năm tới để đối phó với nước biển dâng.
Nghiên cứu của Viện quản lý và phát triển bền vững (IGSD).
Ngày càng có nhiều dữ liệu chứng minh sự dâng lên bất thường của mực nước biển. Theo một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên tạp chí PNAS, mực nước biển đã tăng lên ở mức 3 mm/năm kể từ năm 1993. Dữ liệu của NASA cho thấy tốc độ này đang tăng, dự đoán sẽ đạt 660 mm vào năm 2100.
Đây sẽ là thảm họa cho hơn 600 triệu người sống ven biển trên khắp thế giới.
Nhiều thành phố và tiểu bang tại Mỹ đang tìm cách khắc phục vấn đề này. Bang Louisiana dành 25 tỷ USD cho kế hoạch tổng thể ven biển, Texas đã đầu tư 11,6 tỷ USD vào hệ thống chống bão. New York đưa ra kế hoạch phòng thủ bờ biển trị giá 3,7 tỷ USD cùng với đề xuất 10 tỷ USD để nhân rộng diện tích bề mặt Manhattan để giữ biển lấn chiếm.
Ước tính nước Mỹ sẽ phải tốn khoảng 400 tỷ USD trong hai thập kỷ tới để kiểm soát thiệt hại do mực nước biển dâng. Indonesia cũng công bố kế hoạch trị giá 34 tỷ USD để di chuyển thủ đô với 30 triệu dân lên vùng đất cao hơn.
Với cách đo bằng vệ tinh, tạp chí Nature chỉ ra rằng miền Nam Việt Nam có nguy cơ bị ngập dưới đỉnh triều vào năm 2050. Ảnh: New York Times. |
Các nước nằm ở phía nam Thái Bình Dương ước tính phải chi 775 triệu USD hàng năm, tương đương 2,5% GDP để chống lại nước biển dâng. Những quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines dự kiến phải chi 6,7% GDP vào năm 2100 cho các kế hoạch phòng chống lụt bão ven biển.
Hàng tỷ người sống ven biển sẽ chịu cảnh ngập lụt. Điều này sẽ ngày càng tệ hơn và cuối cùng họ sẽ phải ra đi, nhưng họ sẽ đi đâu?
Tom Goreau, Chủ tịch Liên minh rạn san hô toàn cầu.
Trung tâm Hải dương học Quốc gia Anh (NOC) cho rằng thiệt hại toàn cầu hại do mực nước biển dâng cao có thể lên tới 14 nghìn tỷ USD mỗi năm trước năm 2100.
"Hàng tỷ người sống ven biển sẽ chịu cảnh ngập lụt. Điều này sẽ ngày càng tệ hơn và cuối cùng họ sẽ phải ra đi, nhưng họ sẽ đi đâu? Chúng ta sẽ phải đối phó với biến đổi khí hậu trên quy mô lớn, hoặc chúng ta sẽ phải di chuyển ra biển", ông Tom Goreau, Chủ tịch Liên minh rạn san hô toàn cầu cho biết.
Thành phố trên biển có phải là giải pháp?
Tại một sự kiện bàn tròn UN Habitat đầu năm nay, ý tưởng về các khu định cư của con người trên đại dương đã dần trở thành thực tế. Các thành phố nổi đang được đề xuất như một cách nghiêm túc để đối phó với biến đổi khí hậu.
Thành phố nổi ở đây không phải là các thành phố nằm ở giữa đại dương, mà là một loạt các công trình được kết nối với nhau chỉ cách bờ một quãng ngắn.
Thiết kế thành phố nổi của kiến trúc sư Buckminster Fuller cho 100.000 người vào năm 1960. Ảnh: BFI. |
Những khu định cư nổi như vậy đã xuất hiện hàng nghìn năm. Người Đông Nam Á cũng quá quen thuộc với những làng ven sông, xuất hiện từ Brunei, Indonesia, Campuchia đến Việt Nam.
Tại các quốc gia giàu có, ý tưởng về thành phố nổi đã xuất hiện từ giữa thế kỷ 20. Năm 1967, một doanh nhân Nhật đã đề nghị kiến trúc sư nổi tiếng Buckminster Fuller xây dựng một thành phố nổi trên vịnh Tokyo. Tuy nhiên, dự án không thành hiện thực khi doanh nhân Nhật Bản qua đời.
Thành phố nổi trên biển sẽ giống như một quốc gia mới.
Joe Quick, Chủ tịch viện Seasteading.
Chính quyền thành phố Baltimore cũng rất thích ý tưởng này, và mời Fuller về xây dựng một thành phố cho 100.000 người ở vùng vịnh. Tuy nhiên, ý tưởng này rồi cũng không thành hiện thực khi những người ủng hộ chính của dự án bị mất chức.
"Một vấn đề với các thành phố nổi là những người muốn tạo ra chúng đều có ý đồ của riêng mình, những ý đồ không trung thực", ông Goreau giải thích.
Nhiều thành phố ven biển đề xuất dựng lên các bức tường quanh bờ biển, nâng nền đất, hoặc chuyển thành phố đi nơi khác. Tuy nhiên, tất cả đều là những giải pháp quá tốn kém hoặc nửa vời.
Ý tưởng về thành phố nằm trên sông ở London do Studio Egret West thiết kế. Ảnh: AVR. |
Indonesia là ví dụ cho thấy chuyển thành phố khó khăn như thế nào. Vào tháng 4, nước này công bố kế hoạch chuyển thủ đô đến thành phố Borneo, với lý do ngập lụt kinh niên ở Jakarta do khai thác nước ngầm và mực nước biển dâng cao.
Ước tính 1/3 trong số 118 đảo ở Polynesia có thể sớm chịu đựng số phận tương tự, và sẽ bị nhấn chìm trong khoảng năm 2040-2060.
Dự án Blue Frontiers do Marc Collins đề xuất xây dựng lên các đặc khu kinh tế nổi có các chế độ thuế, hải quan, nhập cư và lao động khác với phần còn lại của đất nước. Để có nguồn thu, dự án này sử dụng đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình. Đây giống như một thiên đường cho những người có tiền và muốn sống tự do. Tất nhiên, dự án này không được chính phủ Polynesia thông qua.
Collins tiếp tục lập nên dự án Oceanix và thực hiện kế hoạch được gọi là Thành phố Oceanix. Về cơ bản, đây là một khu định cư 10.000 người được tạo thành từ các khung đúc sẵn trong một nhà máy, được kéo ra biển, ghép lại với nhau như Lego. Thành phố này được gắn với đáy biển bằng đá sinh học, một dạng vật liệu xây dựng về cơ bản sẽ biến toàn bộ thành phố thành một rạn san hô nhân tạo.
Vật liệu xây dựng chính cho các công trình sẽ là dầm tre nhiều lớp. Nước ngọt được lấy bằng cách khử muối trong nước biển và thu hoạch độ ẩm trong không khí. Thực phẩm sẽ được trồng tại chỗ, và tất cả cư dân sẽ khuyến khích ăn chế độ ăn nhiều thực vật.
Thiết kế thành phố nổi trên biển của Oceanix. |
Thiết kế của thành phố Oceanix có nhiều ý tưởng từ cách thiên nhiên vận hành. Giống như các ngôi nhà truyền thống trên đảo Polynesia, không có chi tiết nào được thiết kế cố định. Tất cả vật liệu có thể dễ dàng thay thế và tái chế.
Nếu như thành phố cần được di chuyển, về lý thuyết có thể tách rời nó thành từng phần và kéo đến một địa điểm khác. Collins cho rằng đây là một tầm nhìn ngược lại hoàn toàn so với những tòa nhà chọc trời tại các thành phố.
"Các tòa nhà này sẽ nằm ở đây mãi mãi. Chúng tôi nhận ra rằng thiên nhiên đang xâm lấn nơi ở của chúng ta", ông chia sẻ.
Trong thời đại mà một thủ đô 30 triệu dân được chuyển lên vùng đất cao hơn, còn các thành phố chi hàng chục tỷ USD để ngăn biển, những giấc mơ như của Collins đang dần trở thành hiện thực.
"Tôi vẫn thích giải quyết các vấn đề cơ bản nhất, đảo ngược lại thay đổi khí hậu. Tuy nhiên, để làm được vậy thì chúng ta phải hút bớt CO2 khỏi bầu khí quyển và trở về thời tiền công nghiệp. Các chính phủ sẽ không làm điều đó.
Nếu như những chính trị gia không khôn ra và bắt đầu giải quyết các vấn đề lâu dài, giải pháp duy nhất còn lại là chuyển đến sống ở những thành phố nổi", ông Tom Goreau nhận xét.