Dự kiến trong nhiệm kỳ 2020-2025, thị xã La Gi sẽ lên thành phố trực thuộc tỉnh. Hiện thị xã quy tụ hàng loạt khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ, thể thao hiện đại, đáp ứng tiêu chí về quy mô và mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị…
Tiêu chuẩn lên thành phố thuộc tỉnh
Thị xã La Gi cách thành phố Phan Thiết 63 km về phía nam, cách phía đông bắc TP.HCM 150 km và cách phía đông bắc Vũng Tàu 90 km. Thị xã có diện tích 185,4 km2, gồm 5 phường và 4 xã. Tính đến tháng 6, dân số La Gi là 131,602 người, mật độ dân số 702 người/km2.
Nằm ở phía nam Bình Thuận, giữa Phan Thiết và Vũng Tàu, thị xã La Gi đang dần trở thành hạt nhân phát triển kinh tế và du lịch biển của tỉnh. Năm 2018, thị xã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III. Theo quy hoạch, dự kiến nhiệm kỳ 2020-2025, thị xã La Gi sẽ lên thành phố trực thuộc tỉnh.
Trở thành đô thị loại III là tiền đề để La Gi tiến gần mục tiêu lên thành phố giai đoạn 2020-2025. |
Tuy nhiên để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã La Gi cần đáp ứng nhiều tiêu chí như được công nhận là đô thị loại III trở lên; quy mô dân số đạt từ 180.000 người; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành đạt từ 80% (so với tổng số lao động); tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ - du lịch trong cơ cấu kinh tế đạt từ 80%; tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cùng cấp trực thuộc đạt từ 2/3...
Hiện tại, La Gi cơ bản đáp ứng tiêu chí về diện tích, được công nhận là đô thị loại III. Địa phương đang từng bước hoàn thiện các tiêu chuẩn khác để sớm lên thành phố trực thuộc tỉnh trước 2025.
La Gi từng bước hoàn thiện
Trong những năm qua, hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở La Gi chuyển biến tích cực. Đến nay, địa phương có 4 cụm công nghiệp gồm: La Gi, Tân Bình 1, 2 và 3 (tổng diện tích 180 ha). Đồng thời, địa phương quan tâm phát triển một số ngành, nghề thế mạnh như chế biến thủy sản, sản xuất nước mắm, gia công hàng may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng...
Để La Gi sớm đạt tiêu chuẩn lên thành phố và phát huy tiềm năng du lịch - thương mại - dịch vụ, Bình Thuận đang gấp rút đầu tư các cơ sở hạ tầng trọng điểm.
Cụ thể, tỉnh đang nâng cấp, mở rộng quốc lộ 55. Đây là một phần kế hoạch xây dựng hai trục đường nối từ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết xuống quốc lộ 1A, đi qua khu vực huyện Hàm Tân thẳng đến La Gi. Nhờ các công trình này, thời gian di chuyển từ TP.HCM đến La Gi còn khoảng 1,5 giờ; từ sân bay Phan Thiết hoặc sân bay Long Thành đến La Gi còn một giờ.
Bình Thuận cũng lập kế hoạch đầu tư tuyến đường Nguyễn Minh Châu nối dài qua Hàm Tân, Hàm Thuận Nam để kết nối đường ven biển thị xã với quốc lộ 55, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Đồng thời, tỉnh đề nghị các ngành sớm hoàn thiện các đoạn kè chống sạt lở, lập dự án đầu tư kè và đường 2 bên bờ sông Dinh.
La Gi đang gấp rút hoàn thiện các tuyến đường giao thông trọng điểm. |
Hạ tầng đồng bộ và được kỳ vọng sớm lên thành phố, La Gi đang thu hút hàng loạt dự án tỷ USD. Nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước như AES (Virginia, Mỹ), liên doanh Becamex - VSIP... đang đầu tư loạt dự án quy mô tại khu vực nam Bình Thuận. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, thị xã hiện có 40 dự án du lịch còn hiệu lực với tổng diện tích khoảng 565 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3.411 tỷ đồng.
Sau thông tin La Gi có thể lên thành phố, nhiều nhà phát triển bất động sản đã triển khai các dự án khu dân cư, phức hợp đô thị ven biển nhằm bắt nhịp tiềm năng phát triển khu vực. Các dự án này vừa đáp ứng nhu cầu an cư của người dân, chuyên gia tại các khu công nghiệp, vừa mở ra tiềm năng kinh doanh thương mại tại địa phương. Sự xuất hiện của các dự án lớn về công nghiệp, du lịch, bất động sản như trên sẽ góp phần giúp La Gi phát triển dân số, dịch vụ và sớm hoàn thành các tiêu chí lên thành phố trước 2025.