Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thị trường vốn gần như suy sụp sau vụ FLC, Tân Hoàng Minh

Từ câu chuyện thị trường vốn gần như suy sụp sau vụ FLC, Tân Hoàng Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng thị trường tài chính của Việt Nam quá nhỏ và chứa nhiều rủi ro.

Ngày 30/9, Ủy ban Kinh tế họp phiên thẩm tra tình hình phát triển kinh tế xã hội 2022 và kế hoạch năm 2023. Theo Bộ KH&ĐT, Việt Nam là nền kinh tế có quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu từ các cú sốc bên ngoài còn hạn chế nên chịu áp lực rất lớn từ lạm phát, tăng giá cả hàng hóa, giá xăng dầu.

Tăng trưởng GDP năm 2022 có thể đạt 8%

Bộ KH&ĐT đánh giá tăng trưởng kinh tế trong nước phục hồi tích cực từ đầu năm trong khi nhiều nền kinh tế thế giới và khu vực đối diện với khó khăn, tiềm ẩn rủi ro suy thoái.

Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 8,83%, mức tăng cao nhất của giai đoạn 2021-2022, vượt dự kiến kịch bản đặt ra. Trong số 15 chỉ tiêu Quốc hội giao, có một chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội. Mức này thấp hơn mục tiêu 0,3%.

Với đà tăng trưởng này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%). “Điều này sẽ tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021-2025”, theo nhận định của Bộ KH&ĐT.

tang truong GDP rat cao anh 1

Giá xăng dầu là một trong những mặt hàng có nhiều biến động trong thời gian qua. Ảnh: Việt Linh.

Dù kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, Chính phủ nhìn nhận áp lực lạm phát trong các tháng cuối năm 2022 nhiều khả năng tiếp tục tạo sức ép lớn lên điều hành chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô.

Vui mừng trước con số tăng trưởng GDP và mục tiêu đạt 8% tăng trưởng trong năm nay, song Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo muốn thấy rõ hơn về động lực chính của tăng trưởng cũng như cách tính chỉ số lạm phát một cách chính xác nhất.

“CPI ta đã kiểm soát tốt nhưng thực tế, nhóm những mặt hàng thiết yếu đều tăng cao như lương thực thực phẩm, xăng dầu và nguyên liệu những ngành hàng chủ lực…”, ông Bảo đặt vấn đề.

Phó giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Trần Anh Tuấn nhìn nhận GDP 9 tháng đạt rất cao nhưng đây không phải con số chúng ta có thể phấn khởi ngay được, bởi tăng trưởng này dựa trên nền cùng kỳ âm rất sâu (-6%), còn so với thời điểm trước dịch cũng “không phải tín hiệu đáng mừng”. Dù nhấn mạnh sự nỗ lực lớn, ông Tuấn nhắc lại “đây không phải con số cao”.

Với mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2022, ông Tuấn nhìn nhận “hoàn toàn có thể đạt được” và xu hướng tích cực là chuyển dần cơ cấu về hướng ngành dịch vụ - ngành có sự phục hồi tốt, tăng trưởng cao.

Lưu ý xung đột Nga - Ukraine còn kéo dài, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại) dự báo việc này có thể tác động tiêu cực tới các nước. Ngoài ra, với việc FED tăng lãi suất, dòng tiền sẽ quay ngược trở lại, thị trường Việt Nam trước kia hấp dẫn thì giờ sẽ không còn nữa. “Từ giờ tới cuối năm và có thể sang năm, khó khăn còn chồng chất”, ông nhận định.

Vì lẽ đó, ông góp ý báo cáo của Chính phủ cần bổ sung thêm cảnh báo, dự báo mạnh hơn nữa. “Đừng gieo niềm tin về màu hồng sớm quá, cuối năm lại thành câu chuyện”, theo lời ông Tiến.

Lo áp lực lạm phát

Ổn định thị trường tài chính và tiền tệ là vấn đề Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh quan tâm đề cập.

“Thị trường vốn của ta 2-3 năm qua có sự thay đổi nhưng quá nhỏ và quá dễ bị tác động. Sau vụ FLC, Tân Hoàng Minh thì thị trường vốn gần như suy sụp. Việc này một phần do thị trường tài chính bên ngoài nhưng phần khác do thị trường của ta quá nhỏ, chứa đựng rất nhiều rủi ro”, ông Quốc Anh e ngại.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, cũng cho rằng sau những vụ như FLC, Tân Hoàng Minh, chúng ta nên có sự điều chỉnh để thị trường chứng khoán và thị trường vốn tiếp tục phát triển. “Nếu không cân nhắc toàn diện sẽ gây tổn thương ngắn hạn cho thị trường chứng khoán cũng như kênh huy động vốn của doanh nghiệp”, ông Nam nói.

tang truong GDP rat cao anh 2

Đại biểu Quốc hội cho rằng sau vụ FLC, Tân Hoàng Minh thì thị trường vốn gần như suy sụp. Ảnh: Đức Anh.

Quan tâm đến xu thế lạm phát tăng cao trong thời gian tới khi có nhiều chính sách tác động, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo dẫn chứng câu chuyện của ngành điện lực.

Ông Bảo nói rằng đây là sản phẩm tiêu dùng và cũng là một trong những đầu vào quan trọng của nền kinh tế, nhưng đã lỗ hơn 16.000 tỷ trong những tháng đầu năm. “Điều này tạo ra áp lực tăng giá, là thách thức lớn về lạm phát”, theo ông Bảo.

Bên cạnh đó, ông cho rằng chi phí logistics ở Việt Nam còn rất cao, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chung mối quan tâm về chi phí logistics, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Đinh Ngọc Minh cho rằng đây là vấn đề nổi cộm trong bức tranh của nền kinh tế. Ông phân tích chi phí logistics của Việt Nam hiện nay rất cao, khoảng 16,8% GDP, trong khi mức này trung bình của thế giới là 10%.

“Tức là với quy mô GDP khoảng 400 tỷ USD, chúng ta mất khoảng hơn 56 tỷ USD cho chi phí logistics. Nếu giảm được 1% chi phí này ta có ngay 5 tỷ USD mà không cần kêu gọi ai, còn nếu giảm được về mức trung bình của thế giới là 10% thì mỗi năm chúng ta dư ra 25 tỷ USD”, ông Minh tính toán.

Ông đề nghị phân tích rõ và đưa nội dung này vào báo cáo, để tính toán làm sao giảm được từng vấn đề liên quan đến logistics như vận tải kết nối đường sắt, đường bộ, cảng biển hay thủ tục hải quan…

Đề cập đến ngành điện, ông Minh nêu thực tế “mọi năm cứ dọa thiếu điện, yêu cầu cắt điện, năm nay thừa điện lại dọa tăng giá”. Ông yêu cầu làm rõ nguyên nhân của việc này, phân tích rõ tăng giá do giá đầu vào hay các chi phí khác.

Vị đại biểu dẫn chứng ngành điện của Việt Nam có tới 97.000 nhân viên nhưng ở Pháp, con số này chỉ là 20.000.

Làm rõ trách nhiệm xử lý các dự án đầu tư không hiệu quả

Định kỳ hàng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội việc thực hiện nghị quyết giám sát, trong đó làm rõ kết quả thực hiện, trách nhiệm xử lý các dự án treo, dự án chậm tiến độ...

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm